Đoàn công tác Bộ Tư pháp Slovakia thăm và làm việc tại TP.HCM

(PLO) - Hôm qua (17/3), tiếp tục chuyến công tác tại Việt Nam, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp và Viện Công tố Cộng hoà Slovakia tới chào xã giao lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh, thăm và làm việc với Sở Tư pháp, Hội Công chứng thành phố và Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh. 
Đoàn công tác Bộ Tư pháp Slovakia tại Sở Tư pháp TP.HCM
Đoàn công tác Bộ Tư pháp Slovakia tại Sở Tư pháp TP.HCM 
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện có 7 Phòng Công chứng thuộc Sở Tư pháp và 45 Văn phòng Công chứng do tư nhân thành lập. Dù có mô hình khác nhau nhưng chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức hành nghề công chứng đều giống nhau và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng. 
Còn trong phần phát biểu của mình, ông Phan Văn Cheo, Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM mong muốn có sự hợp tác giữa Công chứng Việt Nam và Công chứng của Cộng hoà Slovakia để hai bên có thể cùng nhau trao đổi và hợp tác
Chia sẻ thông tin về hoạt động công chứng ở Cộng hoà Slovakia, ông Tomas Borec, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hoà Slovakia cho biết, ở Slovakia, lĩnh vực công chứng được tư nhân hoá từ năm 1992. Theo đó, tất cả Công chứng viên của Nhà nước đã chuyển sang làm việc với hình thức tư nhân. Hiệp hội Công chứng hình thành cùng lúc với việc tư nhân hoá lĩnh vực luật sư và công chứng. Nhà nước yêu cầu tất cả các công chứng viên gia nhập Hiệp hội Công chứng nhằm quản lý hoạt động này tốt hơn vì hoạt động công chứng khác với các ngành nghề kinh doanh bình thường khác. 
Bộ trưởng Tomas Borec cũng cho biết, Nhà nước giao Bộ Tư pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, giám sát hoạt động của công chứng viên, nếu có sai phạm thì sẽ tiến hành kỷ luật. Ở Cộng hoà Slovakia, số lượng công chứng viên được hành nghề có giới hạn và do Bộ Tư pháp tiến hành bổ nhiệm. 
Tới thăm và làm việc với Sở Tư pháp TP.HCM, bên cạnh việc quan tâm tới chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp và Viện Công tố Cộng hoà Slovakia cũng quan tâm tới chức năng, nhiệm vụ của Cục Thi hành án dân sự và đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ của các Văn phòng Thừa phát lại đang được thí điểm tại Việt Nam. 
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Trần Văn Bảy cho biết, hiện Sở quản lý 18 đầu công việc, lượng công việc rất nhiều, chưa kể trong đó nhiều mảng việc tương đối mới mẻ và phức tạp. TP.HCM cũng tự hào là địa phương thí điểm thành công chế định Thừa phát lại. 
Trước những thông tin của lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM, Bộ trưởng Tomas Borec cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong các hoạt động tư pháp tại Cộng hoà Slovakia và mong muốn hai bên tiếp tục có thêm nhiều dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác cùng quan tâm.

Đọc thêm