Đoàn ĐBQH giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công

Ngày 27/12, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức giám sát tại huyện Đồng Hỷ về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công với cách mạng. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chủ trì giám sát.
Ngày 27/12, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức giám sát tại huyện Đồng Hỷ về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công với cách mạng. Tham gia giám sát có đồng chí Phan Văn Tường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Nguyễn Đình Bàng, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành đoàn thể liên quan. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chủ trì giám sát.
 

Theo báo cáo, huyện Đồng Hỷ đang quản lý và chi trả trợ cấp đối với 1.724 đối tượng chính sách là người có công với cách mạng. Huyện đã thực hiện giải quyết chế độ cho 39 cán bộ lão thành cách mạng và 47 cán bộ tiền khởi nghĩa. Đồng thời thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở theo Quyết định 20/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ cho 100% cán bộ lão thành cách mạng, 34/47 cán bộ tiền khởi nghĩa. Đối với những cán bộ tiền khởi nghĩa mất trước thời điểm Quyết định 117/2007/QĐ-TTg có hiệu lực, đến nay con của những đối tượng này chưa được hỗ trợ cải thiện nhà ở. Về chế độ đối với người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH), UBND huyện đang thực hiện quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên cho 689 người HĐKC bị nhiễm CĐHH và 87 con đẻ của người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Tổng số hồ sơ đề nghị hưởng chế độ đối với những đối tượng này là 670 người, đã có 596 người có quyết định hưởng chế độ, tổng số hồ sơ tồn đọng là 74 hồ sơ. Trong số đối tượng đang được hưởng chế độ, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh thông báo đề nghị tạm dừng trợ cấp để kiểm tra 39 người, trong đó 27 người đã có quyết định hưởng tiếp, 01 trường hợp đã có quyết định dừng chế độ chi trả trợ cấp, 11 người chưa có thông báo. Đối với  công tác giải quyết chế độ chính sách đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh B, bênh binh; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; chế độ chính sách cho người có công đã từ trần, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; công tác điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho người có công được huyện Đồng Hỷ thực hiện đầy đủ, đúng quy định.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng ở địa phương. Các văn bản quy định, hướng dẫn và triển khai giữa các Bộ, Sở, Ngành liên quan chưa có sự phối hợp, đồng nhất và đồng bộ cao; còn thiếu tính khả thi, chưa sát với thực tế, gây khó khăn cho các cơ quan thực hiện chế độ chính sách, gây nhiều bức xúc trong một bộ phận nhân dân. Đối với địa phương, việc thực hiện chuyển đổi mã thẻ BHYT của người có công năm 2010 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa có sự đồng nhất, đồng bộ trong việc hướng dẫn và triển khai thực hiện giữa hiện Sở Lao động – Thương binh & Xã hội và Cơ quan BHXH tỉnh Thái Nguyên… Do đó, huyện đề nghị Trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể và ban hành danh mục bệnh tật dị dạng của người HĐKC bị nhiễm CĐHH; cần có chế độ cho con các đối tượng HĐKC bị nhiễm CĐHH; đề nghị tỉnh sớm xử lý những trường hợp làm man trá hồ sơ để hưởng chế độ CĐHH; đẩy nhanh tiến độ giải quyết dứt điểm những hồ sơ còn tồn đọng; giải quyết hỗ trợ cải thiện nhà ở cho con cán bộ tiền khởi nghĩa mất trước thời điểm Quyết định 117/2007/QĐ-TTg có hiệu lực; các ngành chức năng cần có văn bản hướng dẫn và có sự phối hợp để ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công với cách mạng để làm căn cứ cho các cơ sở triển khai thực hiện, không bị vướng mắc như hiện nay…

Các thành viên Đoàn giám sát đã đưa ra một số ý kiến trao đổi với địa phương để làm rõ một số nội dung như: Trường hợp những cán bộ tiền khởi nghĩa đã qua đời nhưng con của họ chưa được hỗ trợ về nhà ở được giải quyết như thế nào, có khâu nào vướng mắc và địa phương có kiến nghị gì về vấn đề này; 74 hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp của các đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học còn tồn đọng có hướng giải quyết như thế nào; việc hướng dẫn bổ sung hồ sơ công nhận người nhiễm chất độc hóa học và làm hồ sơ công nhận liệt sỹ có sự rườm rà trong thủ tục hành chính không; trên địa bàn huyện hiện nay có bao nhiêu xã có cán bộ chuyên trách làm công tác về chế độ chính sách cho người có công; việc thực hiện quy chế quản lý quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam; trong 1724 gia đình chính sách trên địa bàn huyện còn tồn tại hộ nghèo, nhà tạm hay khong, nếu có thì hướng giải quyết như thế nào; hiện nay nhiều đối tượng được hưởng chính sách vẫn chưa hiểu rõ về các chính sách này, do đó nhiều thành viên trong Đoàn giám sát đề nghị cần tuyên truyền sâu rộng về chính sách đối với người có công với cách mạng đến cả người thực hiện chính sách và người được hưởng chính sách… Tại buổi giám sát, Đoàn cũng đã làm việc với 10 đối tượng là những người có công đã được hưởng chính sách hỗ trợ và đang làm hồ sơ đề nghị được hưởng chính sách. Các cựu chiến binh tham gia buổi giám sát đã có một số ý kiến, kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách đối với người có công: Các văn bản liên quan đến vấn đề này hiện nay rất nhiều, chồng chéo; cán bộ làm công tác này vẫn thiếu và hiệu quả công việc chưa cao; đề nghị thực hiện các pháp lệnh, thông tư thật nghiêm túc, có sự đồng bộ, các ngành chức năng (y tế, lao động thương binh xã hội) cần khách quan hơn trong thực hiện các văn bản, không để có những sai sót ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ chính sách, trong quá trình thực hiện giải quyết chế độ chính sách nên mời hội cựu chiến binh, hội nạn nhân chất độc da cam tham gia, giải quyết gọn các hồ sơ tồn đọng; đưa ra các văn bản quy định nên sát với thực tế, vì nếu ko có chính sách hỗ trợ kịp thời thì nhiều đồng chí qua đời mà không được hưởng chế độ; nên có những chế độ đặc biệt đối với con của người bị nhiễm chất độc hóa học; chế độ cho người thờ cúng liệt sỹ mỗi nơi thực hiện khác nhau, gây thắc mắc và bức xúc, cần có chế độ thống nhất, hợp lý; hướng giải quyết cho những trường hợp có giấy ra viện, chuyển viện nhưng không có dấu, hiện nay giải quyết chế độ yêu cầu có dấu nhưng đơn vị đã giải tán, khó tìm lại; đề nghị có phụ cấp cho cán bộ (chủ tịch, phó chủ tịch) hội nạn nhân chất độc da cam và hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho hội; cần nghiên cứu để có chính sách cụ thể đối với những trường hợp trực tiếp làm nhiệm vụ tại những nơi nhiễm chất độc hóa học sau 30/4/1975 nhưng vẫn bị ảnh hưởng…

Đại diện các ngành tham gia buổi giám sát đã có ý kiến trả lời, làm rõ thêm những vấn đề đoàn giám sát đưa ra: Những hồ sơ đề nghị được hưởng chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học đã đủ chứng cứ và có quyết định nhưng quyết định ban hành sau khi Thông tư 08 có hiệu lực sẽ phải điều chỉnh lại hồ sơ; những hồ sơ cần bổ sung đã có hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng; trong những hộ gia đình chính sách hiện nay không có hộ nghèo (theo tiêu chí cũ); ngành chức năng sẽ có kiến nghị lên cấp trên để đề nghị chế độ chính sách hỗ trợ cho các đối tượng như người làm nhiệm vụ tại vùng nhiễm chất độc hóa học sau năm 1975, cháu của người bị nhiễm chất độc hóa học bị ảnh hưởng…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng biểu dương cấp ủy và chính quyền các cấp huyện Đồng Hỷ đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác giải quyết chế độ chính sách cho người có công với cách mạng; các ngành chức năng có tinh thần trách nhiệm cao; huyện thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công đúng quy định, đạt được nhiều kết quả tốt trên tất cả các nội dung, có phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng trong cộng đồng. Đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục như: Một số cấp ủy chính quyền chưa thật quan tâm sát sao đến việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công; một số cán bộ năng lực còn yếu, tinh thần trách nhiệm thấp, năng lực trình độ chưa cao, chưa nắm chắc chính sách pháp luật quy định của Nhà nước nên thực hiện chưa tốt; việc giải quyết một số vướng mắc, tồn đọng còn lúng túng. Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức của cán bộ và cộng đồng đối với công tác đền ơn đáp nghĩa; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công; quan tâm giải quyết ngay một số trường hợp cụ thể còn vướng mắc…
Hoài Anh

Đọc thêm