4 giải pháp nhà quản lý và doanh nghiệp cần làm để thích ứng bối cảnh dịch bệnh hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc doanh nghiệp cần xác định tình trạng tiếp tục duy trì, linh hoạt các hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay và cả giai đoạn hậu dịch bệnh như thế nào là vấn đề chúng tôi trao đổi với Luật gia, TS Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp) – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại quốc tế Thái Bình Dương (PIAC).

Dịch bệnh toàn cầu COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Tổng cục Thống kê mới đây cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 85.000 doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường (tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, phá sản)

Cần có những quyết sách, chính sách hợp lý, phù hợp

* Con số hơn 85.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021 là rất lớn, ông suy nghĩ như thế nào về tình trạng này?

- Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đến tháng 8/2021 là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp, mỗi ngày có 367 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số đáng để các nhà quản lý, các chuyên gia và những người xây dựng chính sách pháp luật cần phải suy nghĩ sâu sắc để có các hành động, biện pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Nhưng đây cũng là con số phản ánh đúng thực tiễn quy luật thị trường kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Bởi như chúng ta biết, trong số 810.000 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký hoạt động hiện nay có đến 97,7% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ.

Luật gia, TS Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp)

Luật gia, TS Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp)

Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng được ghi nhận là 114.025 doanh nghiệp, Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 8 tháng đầu năm 2021 giảm 6% so với cùng kỳ 8 tháng đầu năm 2020 nhưng con số doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn còn cao hơn con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy nhu cầu thành lập, tham gia thị trường hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang rất lớn.

* Doanh nghiệp có thể hy vọng vào “bức tranh phát triển kinh tế” những tháng cuối năm 2021 hay năm 2022 không thưa ông?

- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 7/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của nền kinh tế nước ta ước đạt 185,33 tỷ USD (tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020). Như vậy, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn đều có sự gia tăng trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển (từ 5,1% lên 5,6%), đồng thời giảm dự báo tăng trưởng của nước đang phát triển và mới nổi (từ 6,7% xuống 6,3%). Theo IMF, yếu tố phân chia khả năng phục hồi giữa nhóm nước phát triển và nhóm nước đang phát triển là sự chênh lệch của tiến trình tiêm chủng vaccine, hầu hết các nước phát triển đã hoàn thành chương trình tiêm chủng cho đa số người dân trong khi các nước đang phát triển tiến trình này chưa đạt như kế hoạch đề ra.

Chúng ta có thể hy vọng khi Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine cho người dân trong những tháng cuối năm 2021 và thực hiện giãn cách xã hội ở các tỉnh có tình hình dịch bệnh phức tạp. Bên cạnh Việt Nam, tại Thái Lan, những người dân và khu vực được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là các khu du lịch đang sớm được mở cửa trở lại nhờ hộ chiếu vaccine “Thai COVID Pass”.

Còn tại Singapore, đến tháng 9/2021, Singapore đã hoàn thành tiêm chủng cho 3/4 người dân và Chính phủ nước này quyết định tiến tới sẽ mở của hoàn toàn nền kinh tế và coi dịch bệnh COVID giống như một loại cúm mùa xảy ra hàng năm.

Vì vậy, bối cảnh “bức tranh phát triển kinh tế năm 2021” năm 2021 không phải ở con số tăng trưởng kinh tế ở mức cao mà là sự ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo thực thi hiệu quả các chính sách an sinh xã hội trong thời kỳ giãn cách xã hội và hậu dịch bệnh COVID-19. Chúng ta có thể tin tưởng rằng, với mục tiêu tiêm 150 triệu mũi cho khoảng 75 triệu người trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 nhằm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, ổn định và phát triển đất nước là có thể được hoàn thành theo Kế hoạch với sự đồng lòng của người dân và cả hệ thống chính trị.

“Chuyển đổi số hay là chết”

* Ông có lời khuyên nào cho các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và trong thời gian tới, kể cả khi chúng ta kiềm chế được dịch bệnh COVID-19?

- Mặc dù đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn có các “tia sáng” bắt đầu hé mở khi ngày 5/9/2021 chuyến bay chở 297 khách từ Nhật Bản có “hộ chiếu vaccine” đã hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (theo Kế hoạch, ngày 12/9/2021, sân bay quốc tế Vân Đồn tiếp tục đón chuyến bay khách từ Mỹ có hộ chiếu vaccine).

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, bên cạnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thì nhiều doanh nghiệp đã có tốc độ phát triển, chuyển đổi nhanh để phù hợp với “tình hình mới”. Để làm được điều này, theo quan điểm cá nhân tôi, doanh nghiệp cần quan tâm các giải pháp sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, có tính đến phương án lâu dài trên các mặt hoạt động.

Việc chuyển đổi số đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện ngay từ khi bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bản thân Chính phủ Việt Nam cũng đã quan tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ quốc gia trong những năm gần đây (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030).

Việc chuyển đổi số hay còn gọi là “số hóa” các hoạt động của doanh nghiệp lại càng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và diễn ra mạnh mẽ hơn nữa thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp cần xác định tiên quyết rằng “chuyển đổi số hay là chết” để bắt buộc doanh nghiệp phải sớm thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình. Việc chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm một mô hình kinh doanh hiệu quả nhất, linh hoạt, thích nghi với bối cảnh dịch bệnh toàn cầu, tiết giảm chi phí và tối ưu hóa nguồn lực.

Thực tế cho thấy, trong những tháng đầu năm 2021, chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu 34%, tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, thời gian in ấn, sắp xếp và tìm kiếm tài liệu, lưu trữ, điều hành (hội, họp), hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp dễ kiểm soát và lên kế hoạch phát triển kinh doanh.

Ông Trần Minh Sơn phát biểu trong một cuộc hội thảo.

Ông Trần Minh Sơn phát biểu trong một cuộc hội thảo.

Thứ hai, doanh nghiệp cần cơ cấu, tái cấu trúc lại, nếu cần đẩy mạnh mua bán, sát nhập doanh nghiệp.

Việc cơ cấu, tái cấu trúc lại doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 tác động trực tiếp đến doanh nghiệp không phải việc nên làm mà việc phải làm nhằm tạo ra “trạng thái tốt hơn” cho doanh nghiệp, bởi bình thường việc cơ cấu, tái cấu trúc lại doanh nghiệp chúng đã luôn phải xác định là nhiệm vụ thường xuyên, bình thường của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay việc cơ cấu, tái cấu trúc lại doanh nghiệp lại được đặt ra mạnh mẽ, gấp gáp hơn khi áp lực từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 buộc doanh nghiệp phải chấp nhận thích nghi theo môi trường kinh doanh trong nước và các nước trên thế giới.

Việc cơ cấu, tái cấu trúc lại doanh nghiệp cần thực hiện các hoạt động chính như điều chỉnh cơ cấu các hoạt động chính của doanh nghiệp; điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy; điều chỉnh cơ cấu thể chế, quy trình và điều chỉnh cơ cấu các nguồn lực cho phù hợp với bối cảnh hiện nay của doanh nghiệp nói riêng phù hợp với bối cảnh kinh tế của đất nước trong những tháng cuối năm 2021 và trong thời gian tới.

Thứ ba, doanh nghiệp cần chuẩn bị kịch bản cho bối cảnh “sống chung, thích nghi với dịch bệnh COVID”.

Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát và kéo dài cho đến hiện tại (tháng 9/2021) tiếp tục diễn biến phức tạp. Đã có nhiều biện pháp đưa ra nhằm vừa hạn chế lây lan dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, cụ thể như biện pháp giãn cách xã hội, ba tại chỗ, một cung đường - hai điểm đến, bốn xanh... nhưng nhiều nơi số ca nhiễm COVID-19 vẫn còn cao. Vì vậy, việc chuẩn bị kịch bản cho bối cảnh “sống chung, thích nghi với dịch bệnh COVID” của doanh nghiệp là cần thiết là bắt buộc sống còn với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Việc xác định rõ và quan tâm chuẩn bị kịch bản cho bối cảnh “sống chung, thích nghi với dịch bệnh COVID” của doanh nghiệp được rút ra từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua là “xây dựng phương án y tế tại chỗ”, trong đó doanh nghiệp đảm nhận vai trò tầng 1 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp một số chi phí y tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp, cần có phương án hoạt động từ xa, sử dụng công cụ phần mềm công cụ phân tích AI để giúp các lãnh đạo đưa ra các quyết định nhanh chóng, đúng đắn hơn.

Thứ tư, doanh nghiệp cần chuẩn bị “tâm thế, vị thế” để tận dụng và đón nhận nhu cầu của thị trường hàng hóa toàn cầu những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, đón nhận sức bật của thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sau đại dịch COVID-19.

Thực tế nhiều nước trên thế giới đã kiểm soát hoặc xác định thích nghi sống chung với dịch bệnh COVID. Từ tháng 8/2021 đến nay, Anh đã mở cửa trở lại biên giới cho du khách châu Âu và Mỹ; Singapore đang thận trọng mở cửa từng bước nền kinh tế khi 3/4 dân số đã được tiêm vaccine).

Doanh nghiệp Việt Nam có thể hy vọng nhu cầu tăng mạnh hàng hóa dịch vụ, nhất là hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam ra các nước trên thế giới trong những tháng cuối năm 2021. Đây là những tháng đặc biệt tiêu dùng mạnh của thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, nhất là dịp Giáng sinh năm 2021, sau đó là dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia khác.

Trong thời điểm này, doanh nghiệp cũng cần vận dụng và chớp thời cơ các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước từ chính sách thuế, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, bảo hiểm xã hội, chính sách an sinh xã hội đối với người dân, người lao động, kể cả cách chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (là chính sách xuyên suốt 7 hình thức hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) để duy trì sản xuất, kinh doanh, cơ cấu, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, chuẩn bị các điều kiện để tận dụng và đón nhận sự hồi phục và sức bật mạnh mẽ từ thị trường dịch vụ, hàng hóa trong thời gian tới khi xác định “sống chung và thích nghi với tình hình mới”.

- Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp Việt Nam đang là nơi giải quyết công ăn chính trong hơn 51,02 triệu lao động hiện nay và đóng góp vào 60% GDP của cả nước (theo sách trắng năm 2020 do Tổng cục Thống kê công bố), vì vậy, hệ lụy có thể có thể gây bất ổn xã hội trong nước, làm giảm uy tín quốc gia trên bình diện quốc tế, Nhà nước phải chi thêm nguồn lực lớn để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm