Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: “Năm 2014, VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp (DN) gia đình Việt Nam và suốt gần 10 năm qua đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để phát triển các DN gia đình. Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ DN dân tộc, một nội dung rất quan trọng để bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.
“Căn cứ định hướng này của Nghị quyết, có thể thấy việc phát triển các DN gia đình là rất quan trọng, vì đây chính là một nguồn để hình thành đội ngũ DN dân tộc lớn mạnh, vì vậy có thể hiểu các DN gia đình chính là một bộ phận quan trọng của đội ngũ DN dân tộc. Đây là nội dung quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”, ông Phạm Tấn Công cho biết thêm.
Tại Hội thảo, các chủ tịch hiệp hội, chuyên gia đã chia sẻ về xây dựng và định vị văn hóa DN gia đình, xây dựng văn hoá gia đình doanh nhân, xây dựng người kế nghiệp trong các DN gia đình.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng DN Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái khẳng định: “Doanh nhân Việt cùng với gia đình của mình có đủ bản lĩnh, tâm, tài, trí để phát triển và đã sẵn sàng gánh vác sứ mệnh tiên phong phát triển kinh tế, với tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc và khát vọng nâng cao vị thế của đất nước trở thành một quốc gia độc lập hùng cường và thịnh vượng”.
Tại Việt Nam, trong tương lai, các DN gia đình Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ vì tiềm năng còn rất lớn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, DN gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Văn hoá gia đình, văn hóa DN không chỉ là phúc lợi tinh thần, có quan hệ hữu cơ với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đằng sau thành công của một doanh nhân là một gia đình văn hóa. Lúc đó văn hoá gia đình trở thành tài sản đặc trưng của DN gia đình. Việc xây dựng văn hóa DN gia đình là mục tiêu chiến lược, phù hợp yêu cầu trong tình hình hiện nay.
Sau 37 năm đổi mới, nước ta đã hình thành đội ngũ doanh nhân, DN hùng hậu, với số lượng trên 900 nghìn DN, trên 20 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Lực lượng doanh nhân, DN này đã góp phần quan trọng trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, góp phần đưa nước ta từ một quốc gia kém phát triển, lạc hậu thành nền kinh tế lớn thứ 37 của thế giới, nằm trong TOP 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. DN gia đình là một bộ phận quan trọng, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các DN gia đình siêu nhỏ. Việc tăng cường xây dựng văn hóa DN gia đình sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh tạo nền tảng cho việc phát triển đội ngũ doanh nhân, DN vững mạnh xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.