Doanh nghiệp Hải Phòng chưa “mặn mà” đầu tư nhà thu nhập thấp

Mặc dù được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế suất ưu đãi thuế GTGT bằng 0%, miễn thuế thu nhập 4 năm... và nhiều ưu đãi khác, nhưng nhiều năm qua, mô hình phát triển nhà thu nhập thấp (NTNT) trên địa bàn Hải Phòng vẫn chưa thực sự khởi sắc…

Mặc dù được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế suất ưu đãi thuế GTGT bằng 0%, miễn thuế thu nhập 4 năm... và nhiều ưu đãi khác, nhưng nhiều năm qua, mô hình phát triển nhà thu nhập thấp (NTNT) trên địa bàn Hải Phòng vẫn chưa thực sự khởi sắc…

Thủ tục hành chính vẫn ì ạch!

Theo ông Nguyễn Quốc Cường - Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (QLN&TTBĐS) - Sở Xây dựng Hải Phòng, số lượng các dự án (DA) NTNT trên địa bàn rất ít, chỉ tính trên đầu ngón tay. Nhưng đến khi triển khai, các chủ đầu tư đều lên tiếng than “khổ” vì thủ tục hành chính chưa thực sự đơn giản.

Hình ảnh mô hình của dự án NTNT ở An Đồng, Hải Phòng

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cty Hoàng Huy – chủ đầu tư NTNT tại xã An Đồng, An Dương cho biết, DA của Cty được triển khai từ năm 2008; UBND TP đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và ban hành quy định về quản lý quy hoạch ngày 9/4/2010.

Theo đó, Cty đã hoàn tất đầy đủ thủ tục từ giấy chứng nhận đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp đến chứng chỉ quy hoạch do Sở Xây dựng cấp. Đến tháng 11/2010, UBND huyện An Dương đã ra thông báo thu hồi đất đến từng hộ dân cùng phương án đền bù GPMB…. nhưng Cty vẫn chưa được giao mặt bằng vì hạn ngạch quỹ đất trong giai đọan 2005 - 2010 của Hải Phòng đã... hết. Cty phải “kêu” đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở đã tổ chức một cuộc họp “nóng” với các nhà đầu tư cùng cảnh ngộ như Cty Hoàng Huy thì rào cản về “hạn ngạch” mới được gỡ bỏ.

Như vậy, chỉ vì “hạn ngạch” đất mà Cty đã phải mất tận 3 năm chờ đợi, gõ cửa các cơ quan có thẩm quyền. Ách tắc trên nếu không được “thông” thì các nhà đầu tư có thừa vốn và đủ “dũng cảm” cũng không thể tiến hành triển khai dự án theo đúng tiến độ.

Khó cho việc bán căn hộ

Theo tìm hiểu của PV, nhu cầu NTNT trên địa bàn TP là rất lớn, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp, cán bộ, viên chức và gia đình chính sách. Nhưng qua theo dõi động thái thời gian gần đây ở Hải Phòng, các cán bộ QLN&TTBĐS nhận xét, dù Nhà nước có đưa ra chính sách ưu việt tạo điều kiện thuận lợi kèm theo hành lang thông thoáng để thu hút việc xây dựng NTNT theo hướng xã hội hóa, các DN trên địa bàn vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vì còn lo việc bán các căn hộ sau khi hoàn thiện.

Ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng, hiện nay vấn đề chính là mức thu nhập của các đối tượng và khả năng thanh toán NTNT khó được thực hiện, trung bình, một căn hộ với diện tích 50-70m2 sẽ có giá từ 350 - 600 triệu. Như vậy, để có quyền sở hữu căn hộ này, nếu không có khoản thu nhập nào khác ngoài đồng lương thì người dân phải mất ít nhất 20-30 năm, thậm chí lâu hơn để tích góp mới có đủ tiền để mua nhà ở.

Bên cạnh đó, chưa kể đến các chi phí phát sinh thêm hàng tháng cho các dịch vụ đi kèm của NTNT như phí trông xe, VSMT, ANTT, phòng cháy chữa cháy, phí bảo trì... mà đồng lương ít ỏi của họ khó có thể “gánh” thêm….

Cũng theo ông Cường, nhiều DN khi hoàn thiện dự án cũng còn nhiều vướng mắc; điển hình như NTNT Bắc Sơn nằm trong Khu đô thị Cựu Viên, Kiến An. Khi triển khai dự án này, chủ dự án phải “chào hàng” các căn hộ mẫu và đưa ra một mức giá hợp lý để thu hút người đầu tư ngay từ khi DA mới  thi công.

Trong quá trình triển khai dự án, nguyên vật liệu xây dựng thường có biến động về giá, nên để tính chính xác mức giá một căn hộ tại thời điểm khởi công dự án là rất khó!. Nếu giá ban đầu đưa ra cao hơn thì việc chào bán căn hộ cho đối tượng mua là không thể, nếu giá bán “chịu sự trượt giá của thị trường” thì người đầu tư cũng không chịu! nên DN gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư, xây dựng. Như vậy, để hoàn tất thủ tục xây dựng NTNT đã khó, việc đưa căn hộ ra thị trường và được người dân chấp nhận lại còn khó hơn…

Theo ông Dương Ngọc Tuấn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, tâm lý của khá nhiều người tiêu dùng trên địa bàn chưa “quen” ở chung cư. Với số tiền bỏ ra để mua một căn NTNT như hiện nay, họ có thể vay mượn thêm để mua đất và tự xây nhà riêng để sinh sống”, chính tâm lý này cũng gây cho nhà đầu tư chưa mặn mà với hình thức kinh doanh này.

Tuy nhiên, TP đang nỗ lực chú trọng cho việc triển khai loại hình nhà ở này cho các hộ dân, bởi NTNT là một giải pháp phù hợp phát triển tại các khu đô thị với ưu điểm tiết kiệm đất, tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo môi trường sống và diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần đảm bảo an sinh trên địa bàn trong thời gian tới.

Phương Thanh

Đọc thêm