Doanh nghiệp “kêu trời” vì quy định xét nghiệm cho người lao động 5 ngày/lần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ 0 giờ ngày 23/9, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được nới lỏng, áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 (trừ huyện Côn Đảo và các khu vực đang phong tỏa) khiến nhiều doanh nghiệp phấn khởi. Tuy nhiên, địa phương lại quy định “xét nghiệm cho người lao động 5 ngày/lần” khiến doanh nghiệp kêu than và cho rằng điều đó là “dư thừa”, không cần thiết.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, địa phương yêu cầu, tiếp tục tạm dừng các hoạt động ăn uống, vui chơi giải trí; các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; các hoạt động tắm biển; các cơ sở địa điểm nghỉ dưỡng. Đồng thời, cho phép các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 10 người, giảm 50% số người làm việc tại cơ quan công sở. Nhìn chung, đã được “nới lỏng” rất nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, theo đại diện nhiều doanh nghiệp, về phần quy định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh có phần “hơi khắt khe”, gây “khó” cho doanh nghệp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó, đáng lưu ý là quy định: “Chủ doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong doanh nghiệp và xét nghiệm COVID-19 cho người lao động định kỳ 5 ngày/lần, kết quả xét nghiệm gửi online về Phòng Kinh tế hạ tầng hoặc Phòng Kinh tế thuộc UBND cấp huyện để kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch”.

Chủ một doanh nghiệp (giấu tên) bày tỏ, “Tôi rất tán đồng và ủng hộ việc bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đó là trách nhiệm doanh nghiệp phải làm. Tuy nhiên, việc bắt xét nghiệm 5 ngày/lần cho người lao động thì không ổn, gây khó khăn cho doanh nghiệp, phát sinh thêm nhiều chi phí. Đơn cử như doanh nghiệp của tôi hơn 2.000 công nhân thì 5 ngày xét nghiệm một lần thì chi phí phát sinh rất lớn”.

Tương tự, một ý kiến khác cũng cho rằng, bắt doanh nghiệp xét nghiệm làm phát sinh chi lý, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh, điều này ảnh hưởng rất lớn đối với tình hình phát triển các ngành kinh tế. Trong khi đó, nhiều người lao động đã được tiêm vaccine nhưng vẫn phải xét nghiệm.

“Tôi nghĩ chúng ta nên tính phương án khác. Những người đã được tiêm 1 mũi vaccine từ đủ 21 ngày và tiêm đủ 2 mũi vaccine, người đã điều trị khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng, không cần xét nghiệm định kỳ như vậy để tránh phiền hà, tốn kém, chỉ xét nghiệm trong trường hợp thực sự cần thiết”, một chủ doanh nghiệp đề xuất.

Đọc thêm