Doanh nghiệp khát thông tin như khát vốn

Trước thềm năm mới 2012 dự báo nền kinh tế thế giới còn tiếp tục lận đận, rõ ràng, vai trò khai mở thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam của các tham tán là vô cùng quan trọng. Trong khó khăn, DN cũng khát thông tin như khát vốn.

Trước thềm năm mới 2012 dự báo nền kinh tế thế giới còn tiếp tục lận đận, rõ ràng, vai trò khai mở thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam của các tham tán là vô cùng quan trọng. Trong khó khăn, DN cũng khát thông tin như khát vốn.

Gặp gỡ với đại sứ và 63 tham tán thương mại tại Hội nghị Tham tán thương mại tổ chức ở TP.HCM vừa qua, các doanh nghị được dịp giãi bày “cơn khát” thông tin thị trường quốc tế.

Công ty TNHH Vinh Phát có hai nhà máy xay xát gạo có công suất 300.000 tấn/năm, DN này cũng là DN xuất khẩu gạo có tiếng ở miền Tây Nam bộ. Thế nhưng, đại diện công ty vẫn than: gạo Việt Nam xuất khẩu năm 2011 có thể đạt tới 7 triệu tấn nhưng vẫn không thấy làm vui, vì giá gạo bán ra trên thị trường thế giới còn thấp.

Theo vị này, để nâng tầm giá trị thương mại cho gạo Việt Nam, vấn đề cơ bản là phải thay đổi giống lúa cao sản và chất lượng cao trong canh tác, nhưng khâu tiếp thị gạo ở thị trường nước ngoài cũng rất quan trọng. “Do vậy, các tham tán thương mại đảm trách cho DN trong khâu tiếp thị thì hạt gạo Việt Nam chắc chắn sẽ còn đi xa hơn” – đại diện DN bày tỏ.    

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện đóng góp 1/5 tổng sản phẩm quốc nội, gần 1/3 trị giá sản xuất công nghiệp, gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu và thu hút 35% tổng dự án FDI của cả nước; thành phố cũng có mối quan hệ với 228 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong thời gian qua, các cơ quan tham tán thương mại đã giúp thành phố dự báo về xu thế thị trường, hỗ trợ sản phẩm của hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường các nước, đồng thời là bạn đồng hành của DN trong việc giải quyết các vướng mắc, tranh chấp về thương mại với đối tác.

Nhưng để hàng Việt lan tỏa và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường các nước, bà Hồng đề nghị, các cơ quan tham tán thương mại và các địa phương cần thiết lập cơ chế thông tin, cập nhật thông tin hai chiều... Ngoài thông tin tổng quát về tình hình kinh tế chính trị của các nước, tham tán thương mại cần cung cấp chi tiết về từng nước, nhóm hàng, đối tác kinh tế quan trọng và các quy ước về thương mại như kiểm dịch, thuế quan, rào cản thương mại, thị hiếu, tiềm năng thị trường của quốc gia đó để DN trong nước nắm cụ thể, có phương án đúng trong hoạch định kinh doanh.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cũng phân trần, tuy kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai có tăng qua các năm nhưng hiệu qủa chưa cao, do chưa khai thác được thông tin về thị trường xuất khẩu một cách hiệu quả.Vì vậy mong muốn của các DN là cơ quan tham tán là cầu nối, hỗ trợ cung cấp thông tin  nhằm giúp DN nắm bắt thị trường mục tiêu.

Trong giai đoạn 2006-2010, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia  đã có 669 đề án, tổng kinh phí trên 620 tỷ đồng được phê duyệt. Đến năm 2010, có hơn 19.000 lượt DN tham gia các đề án, ký kết được 11.932 hợp đồng trị giá 3 tỷ 583 triệu USD. Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã làm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ 39,6 tỷ USD năm 2006 lên 72,2 tỷ USD năm 2010.

Tuy nhiên, trước thềm năm mới 2012 - dự báo nền kinh tế thế giới còn tiếp tục lận đận - rõ ràng, vai trò khai mở thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam của các tham tán là vô cùng quan trọng. Trong khó khăn, DN cũng khát thông tin như khát vốn.

Mị Na

Đọc thêm