Doanh nghiệp lại khó tiếp cận vốn

Vào “mùa cao điểm” cuối năm, không chỉ nguồn cung VND sẽ khan hiếm mà cả ngoại tệ cũng sẽ có những khó khăn. Đây là thực trạng chung của ngành NH nhiều năm qua.

"Vào “mùa cao điểm” cuối năm, không chỉ nguồn cung VND sẽ khan hiếm mà cả ngoại tệ cũng sẽ có những khó khăn. Đây là thực trạng chung của ngành NH nhiều năm qua. Tất nhiên, một số NH cũng đã có sự chủ động về vốn để đáp ứng nhu cầu của các DN, nhưng nhìn chung, khó khăn về vốn trong những tháng cuối năm vẫn rất khó tránh" - ông Nguyễn Đức Hưởng – Chủ tịch HĐQT LienVietBank nhận định.

Đã “cởi mở” hơn

Từ nay đến cuối năm là thời điểm mà các DN phải tìm cách tăng vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm. Đón đầu xu hướng này, đồng thời do áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu tín dụng đặt ra cho cả năm 2010 (tăng 23 – 25%), các ngân hàng đang tìm cách đẩy vốn ra thị trường, với lãi suất cho vay thoả thuận tương đối “mềm”. Cụ thể, ACB triển khai Chương trình "Tín dụng đặc biệt 3.000 tỷ đồng" dành cho DN, bao gồm cả DN tư nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn bằng VND để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN…

Doanh nghiệp lại khó tiếp cận vốn ảnh 1

Theo nhận định chung của các chuyên gia, thời điểm này, tính thanh khoản của các NH đang khá tốt. Đặc biệt, từ tháng 7 đến nay, do được NHNN “bơm” một lượng vốn khá lớn, với lãi suất hợp lý nên nhiều NHTM có điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Nguồn vốn hiện thời của NH không thiếu. Đặc biệt, theo định hướng của NHNN hiện nay, các NHTM đang hạn chế cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán… nên lượng vốn của NH đang tập trung phần lớn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm, nhiều ngân hàng cũng đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay đối với các DN sản xuất kinh doanh, nhất là các DN xuất khẩu, DNVVN. Đơn cử như LienVietBank đang áp dụng lãi suất 10,7%/năm đối với khoản vay cầm cố và chiết khấu giấy tờ có giá (GTCG) có thời hạn cho vay dưới 1 tháng; các khoản vay cầm cố, chiết khấu GTCG có thời hạn trên 1 tháng đến 2 tháng và trên 2 tháng đến 3 tháng, lãi suất cho vay lần lượt ở mức 11,3%/năm và 11,7%/năm…

Tại ABBank, lãi suất áp dụng cho các DNVVN thuộc dự án SMEFP III (Dự án Tài trợ DNVVN vốn giai đoạn III) thấp hơn 1%/năm so với khách hàng thông thường. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn VND của ABBank đối với DNVVN thông thường dao động từ 13,5% đến 14,25%/năm tùy vào mức độ uy tín và tình hình tài chính của DN. Riêng đối với cho vay bằng VND trung, dài hạn, ABBank áp dụng lãi suất 14,5 - 15,25%/năm. Đối với cho vay vốn bằng USD, lãi suất dao động từ 6% đến 6,25% (ngắn hạn); 7,25% (trung - dài hạn).

Nhiều NH còn đưa ra những chính sách ưu đãi riêng cho những khách hàng truyền thồng nhằm tạo nên bước giảm đáng kể về lãi suất cho vay như HDBank dành lãi suất 11,5%/năm cho các DNVVN vay vốn trung dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh và điều chỉnh giảm 0,5-1%/năm lãi suất vay đối với một số đối tượng khác so với khung hiện tại trên thị trường…
 
Vẫn còn “rào cản” 

8 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng không thực sự khả quan. Tính tới hết tháng 8/2010, tăng trưởng tín dụng chưa tới 15%, trong khi đó lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại, sẽ là trở ngại cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong năm 2010. Mặc dù, NHNN đã có những nỗ lực nhất định trong việc điều hành lãi suất. Tuy nhiên, các quyết định vẫn mang nặng tính hành chính, chưa thực sự sát với diễn biến, thực trạng hoạt động NHTM. Chính vì thế hiện nay, mặt bằng lãi suất vẫn đang ở mức khá cao so với mục tiêu đặt ra. Nhiều khả năng, thời điểm cuối năm, khi nhu cầu vay vốn của DN lớn hơn, các NH sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay ở mức cao hơn để cân đối tín dụng. Đây chính là một trong những trở ngại lớn đối với DN.

Thêm vào đó, thời điểm Thông tư 13/2010/TT-NHNN có hiệu lực đã cận kề (1/10/2010). Nếu tính toán chi tiết, theo quy định tại Điều 18 của thông tư này sẽ hạn chế đáng kể nguồn cung tín dụng cho DN. Cụ thể, theo quy định sẽ có 80% vốn huy động được phép cho vay, nhưng sau khi trừ đi tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức (và DN), dự trữ bắt buộc tại NHNN, trích quỹ dự phòng chung, dự phòng riêng (theo Quyết định 493 ngày 22/4/2005), tiền gửi Kho bạc Nhà nước, tiền huy động từ thị trường liên NH… thì khả năng cho vay chỉ còn xấp xỉ 60% vốn huy động. Đó là chưa kể các NHTM đang lo huy động vốn góp theo quy định của NHNN về việc phải đảm bảo vốn pháp định 3000 tỷ đồng vào cuối năm 2010… Với những quy định này, chắc chắn nguồn cho vay của các NH những tháng cuối năm sẽ giảm xuống, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các DN theo đó cũng sẽ bị hạn chế.

 Ông Nguyễn Đức Hưởng – Chủ tịch HĐQT LienVietBank nhận định: vào “mùa cao điểm” cuối năm, không chỉ nguồn cung VND sẽ khan hiếm mà cả ngoại tệ cũng sẽ có những khó khăn. Đây là thực trạng chung của ngành NH nhiều năm qua. Tất nhiên, một số NH cũng đã có sự chủ động về vốn để đáp ứng nhu cầu của các DN, nhưng nhìn chung, khó khăn về vốn trong những tháng cuối năm vẫn rất khó tránh.

Lan Uyên

Đọc thêm