Doanh nghiệp lo lỗ khi bán hàng bình ổn giá

Một số công ty cho biết, trong khi giá cả đầu vào tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, doanh nghiệp vẫn phải bán hàng theo giá đã đăng ký bình ổn.

Một số công ty cho biết, trong khi giá cả đầu vào tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, doanh nghiệp vẫn phải bán hàng theo giá đã đăng ký bình ổn.

Tại cuộc họp về bình ổn giá do Sở Công Thương tổ chức sáng 16/2, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay, công tác bình ổn giá năm 2011 sẽ còn khó khăn hơn cả năm 2010. Vị đại diện này nhận định, mới bước vào đầu năm nhưng thị trường đã có nhiều thay đổi vì sắp tới giá điện sẽ tăng kéo theo nhiều mặt hàng biến động.

Nhìn chung việc niêm yết giá tại một số điểm bán hàng bình ổn đều thực hiện tốt tuy nhiên vẫn có một số đơn vị bán giá cao hơn 10 - 16%, thậm chí có nơi tăng cao đến 50% so với giá đơn vị đã cam kết.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Đồng giải thích, khi doanh nghiệp đăng ký bán hàng bình ổn là thời điểm giá thấp, tuy nhiên sau đó giá đầu vào tăng nhanh, nên các doanh nghiệp buộc phải tăng giá theo. “Năm 2011, Sở sẽ phải nghiên cứu cơ chế giá hợp lý hơn, đặc biệt tháng 3 tới dự kiến giá điện tăng sẽ kéo theo hàng loạt các mặt hàng tăng giá”, ông Đồng nói.

Khi nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp khó giữ giá dù đã đăng ký bình ổn giá. Ảnh: Hoàng Hà.
Khi nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp khó giữ giá dù đã đăng ký bình ổn giá. Ảnh: Hoàng Hà.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc siêu thị Fivimart cho rằng, doanh nghiệp đang phải chấp nhận lỗ để bán hàng bình ổn giá. Bà Hậu đưa ra ví dụ, sau Tết, giá thịt bò tại cơ sở bán cho siêu thị Fivimart đã tăng 4% nhưng siêu thị vẫn phải giữ giá bán đúng như trong Tết.

"Nhiều doanh nghiệp chấp nhận lỗ để thực hiện bình ổn giá. Nhưng thực tế khi giá từ nhà sản xuất và nguyên liệu đầu vào tăng cao thì các điểm bình ổn giá cũng khó lòng giữ giá thấp", bà Hậu nói.

Vị lãnh đạo Fivimart đề nghị Sở Công thương Hà Nội và UBND thành phố cần cân nhắc hỗ trợ vốn thực hiện hàng bình ổn từ cơ sở sản xuất hàng. Bởi thực tế, khi hàng bình ổn hiện đã bán hết thì doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng giá khi tỷ giá và nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Đại diện của Tổng công ty thương mại Hà Nội cũng cho rằng, do tình hình giá cả biến động nhanh, tỷ giá, giá điện, các nguyên vật liệu dùng cho sản xuất như than... cũng tăng thì doanh nghiệp khó có thể giữ nguyên giá được. Theo vị đại diện này, cần sớm tiến hành chương trình bình ổn giá trong năm 2011 để chủ động nguồn hàng. "Bởi có những mặt hàng dù đã ký hợp đồng nhưng giá tăng thì doanh nghiệp vẫn tăng vì họ cũng không kham nổi những biến động của thị trường”, vị đại diện này cho hay.

Theo ông Đồng, sang năm 2011, Sở Công Thương sẽ xem xét lại cách tổ chức tại các điểm đăng ký bán hàng bình ổn. Đến tháng 3 năm 2011, Hà Nội sẽ kết thúc chương trình bán hàng bình ổn giá năm 2010 trên địa bàn thành phố. Đối với các năm trước, Hà Nội chỉ tổ chức bán hàng bình ổn từ tháng 3 đến tháng 6, bởi đây là thời gian được cho là thị trường không được bình ổn. "Tuy nhiên, sắp tới, Sở Công Thương sẽ nghiên cứu tổ chức bán hàng bình ổn liên tục 12 tháng trong năm để doanh nghiệp chủ động nguồn hàng", ông Đồng nói.

Bách Hợp

Đọc thêm