Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vai trò thế nào trong nền kinh tế?. Vai trò đó thể hiện cụ thể ra sao?. Và, nếu thay đổi quy mô DNNN, thì cần thay đổi theo hướng nào?.
Hình minh họa |
Chủ đạo - ở góc độ nào?
Không thể phủ nhận, DNNN có vai trò chủ đạo quan trọng trong nền kinh tế. Thế nhưng, tính chủ đạo đó được thể hiện như thế nào? TS. Trần Tiến Cường – nguyên Trưởng ban Cải cách và đổi mới doanh nghiệp (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW) quan điểm, tính chủ đạo không biểu hiện ở số lượng đông đảo các DNNN, hoặc chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, hay chiếm tỷ trọng cao trong GDP.
Ông Cường cho rằng, nếu quan niệm như thế, thì kinh tế nhà nước sẽ cản trợ hoặc phủ định một số đặc điểm khác của kinh tế nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa, như các thành phần kinh tế cùng phát triển lâu dài, bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển…
“Tính chủ đạo của kinh tế nhà nước cũng không phải ở việc DNNN phải luôn luôn làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, DNNN luôn nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế với toàn bộ là sở hữu nhà nước” – ông Cường nói – “Tính chủ đạo của kinh tế nhà nước thể hiện ở DNNN đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội”.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, điều này khó khả thi nếu DNNN vẫn được giao quá nhiều mục tiêu như vừa đảm bảo có lãi, đảm bảo việc làm, thực hiện nhiệm vụ công ích, trách nhiệm xã hội… trong khi quản lý DNNN gồm nhiều tầng nấc, trách nhiệm không rõ ràng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phương thức thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cũng phải phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà không phải là lạm dụng các công cụ hành chính hoặc sử dụng các công cụ pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất có hướng thiên lệch về phía kinh tế nhà nước và DNNN.
Thu hẹp DNNN độc quyền và phạm vi phát sinh độc quyền
Từ quan niệm về vai trò chủ đạo của DNNN, TS. Trần Tiến Cường đã đưa ra nhiều mức độ cho tiến trình thay đổi quy mô DNNN, tùy theo đặc thù từng ngành, từng lĩnh vực. Đối với ngành, lĩnh vực cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc độc quyền nhà nước là những ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nền kinh tế nhưng do ý nghĩa phải bảo đảm an ninh, an toàn cao cho xã hội, cho nền kinh tế nên phải được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, như: thuốc nổ, vật liệu nổ, hóa chất độc, chất phóng xạ; in, đúc tiền; xổ số kiến thiết; vũ khí, khí tài, trang bị chuyên dùng cho quốc phóng, an ninh; trang thiết bị, tài liệu kỹ thuật và cung ứng dịch vụ bảo mật thông tin bằng kỹ thuật nghiệp vụ mật mã…
Những ngành, lĩnh vực này duy trì sở hữu nhà nước thông thường ở mức 100% vốn điều lệ ở DNNN. Vì thế, hướng điều chỉnh về quy mô khu vực DNNN trong lĩnh vực này là thu hẹp các DNNN độc quyền và thu hẹp phạm vi phát sinh độc của của DNNN độc quyền.
Đối với DNNN ở vị trí độc quyền tự nhiên nên không có cạnh tranh, ví dụ như điện, thì phải rà soát để bóc tách các sản phẩm, dịch vụ hoặc khâu, công đoạn về bản chất không là độc quyền tự nhiên (ví dụ khâu phát điện) ra khỏi ngành, lĩnh vực độc quyền nhà nước. Xác định rõ khâu, công đoạn về bản chất là độc quyền tự nhiên, ví dụ, chỉ ở khâu truyền tải điện. Thông qua đó thu hẹp phạm vi độc quyền của DNNN. Đây là việc thu hẹp phạm vi phát sinh độc quyền của DNNN độc quyền.
Đối với ngành, lĩnh vực cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng và công ích, như quốc phòng, an ninh, phát thanh, truyền hình, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, vận tải hành khách công cộng…, đáp ứng nhu cầu số đông khách hàng, theo cơ chế không cạnh tranh và không thể loại trừ, hoặc nếu áp dụng theo cơ chế thị trường và do khu vực tư cung cấp thì do không bù đắp được chi phí, sẽ hạn chế hoặc không thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng, vì thế, lĩnh vực này do Nhà nước đảm nhiệm, chủ yếu là do DNNN hoặc tổ chức được Nhà nước giao.
Lĩnh vực này được điều chỉnh theo hướng đổi mới cơ chế cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng và công ích thông qua áp dụng cơ chế đặt hàng đối với các thành phần kinh tế (trừ sản phẩm và dịch vụ vì lý do an ninh quốc phòng). Một giải pháp khác là rà soát để bóc tách các sản phẩm, dịch vụ hoặc khâu, công đoạn về bản chất không là hàng hóa, dịch vụ công cộng và công ích để thông qua đó thu hẹp các DNNN thuộc lĩnh vực này.
Ba hướng điều chỉnh
Đối với lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa và tầm quan trọng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước và hội nhập như an ninh năng lượng (điện, than, xăng, dầu, khí ga…), tài chính ngân hàng, lương thực… hoặc lĩnh vực tạo nền tảng về hạ tầng kinh tế như thông tin viễn thông, bưu điện, vận tải đường dài khối lượng lớn, kết cấu hạ tầng lớn và quan trọng quốc gia; tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp với công nghệ cao; bảo đảm nguồn thu lớn cho ngân sách, ngoại tệ, xuất nhập khẩu; tạo nền tảng, phối hợp, hỗ trợ cùng các thành phần kinh tế khác để hội nhập và cạnh tranh quốc tế, các chuyên gia kinh tế đề xuất điều chỉnh quy mô khu vực DNNN trong những ngành, lĩnh vực này theo ba hướng.
Thứ nhất, mở rộng để các DN ngoài nhà nước tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa và tầm quan trọng về kinh tế - xã hội (trừ những DNNN và một số khâu, công đoạn thuộc độc quyền nhà nước). Hai là, sử dụng cơ chế cạnh tranh và áp lực cạnh tranh để điều chỉnh quy mô khu vực DNNN trong các ngành, lĩnh vực này. Ba là, chỉ nên quy trì 100% sở hữu nhà nước có chọn lọc tại một số ít những DNNN có tầm quan trọng quốc gia, còn lại chuyển thành công ty cổ phần hoặc Cty TNHH 2 thành viên trở lên.
Ngoài ra, đối với 1309 DNNN 100% vốn sở hữu nhà nước tính đến cuối năm 2011, có rất nhiều DNNN thuần túy kinh doanh sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh trên thị trường, cần thu hẹp nhanh và toàn diện ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh thị trường hiện đang sở hữu 100% vốn nhà nước.
Có thể thực hiện việc này bằng cách chuyển nhanh hầu hết các DNNN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần trước mắt duy trì sở hữu nhà nước ở mức cao.
Điều này nhắm tới mục tiêu thu hẹp ngành, lĩnh vực nhà nước năm 100% sở hữu, đảm bảo vị thế của DNNN, tạo hình thức tổ chức – pháp lý mới phù hợp hơn; tạo cơ cấu quản trị mới hiện đại, năng động, tạo khoảng cách giữa DNNN và các cơ quan nhà nước để tránh can thiệp tùy tiện.
Bên cạnh đó, dùng cơ chế thị trường, áp lực ngân sách cứng, áp lực cạnh tranh thị trường để quyết định việc tồn tại hay không tồn tại của DNNN.
PVKT