Nguy cơ phá sản
Theo đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thiên Hương, Giám đốc Cty TNHH Bê tông Sơn Lâm (DN sản xuất gạch không nung xuất khẩu, trụ sở xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), từ khi Nghị định 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực và Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn nghị định thi hành thì DN của bà gặp rất nhiều khó khăn trong công việc kinh doanh, nếu tình trạng này kéo dài chắc sẽ đẩy Cty đến bờ phá sản.
Theo bà Hương, do sự hướng dẫn không rõ ràng của Thông tư 130/2016 nên khi tính tỷ trọng trị giá tài nguyên, khoáng sản và năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm để xem DN có sử dụng tài nguyên khoáng sản và năng lượng trên 51% không (tỷ trọng nhằm xác định xem DN có gia công sâu tài nguyên trước khi xuất hay xuất thô tài nguyên) từ đó làm căn cứ để cơ quan quản lý thuế (CQQLT) quyết định xem DN nào thuộc diện hoàn thuế.
Tuy nhiên, trong khi xác định tỷ trọng thì CQQLT lại “bắt buộc” DN cộng thêm những chi phí bất hợp lý không phải là tài nguyên và năng lượng vào trị giá tài nguyên thực tế DN mua khoáng sản như: chi phí vận chuyển tài nguyên từ nhà cung cấp về đến xưởng sản xuất; trong khi chi phí này không liên quan gì đến định mức tài nguyên DN dùng?
Bà Hương bức xúc cho rằng: Chi phí vận chuyển tài nguyên từ nhà cung cấp về đến xưởng sản xuất của bà để tính định mức thuế tài nguyên như vậy là không hợp lý, điều này tạo ra môi trường kinh doanh không công bằng giữa các Cty cùng ngành nghề; điển hình các Cty sản xuất gạch cùng một lĩnh vực ngành nghề với Cty của bà nhưng Cty nào ở gần mỏ nguyên liệu (đá, cát) thì sẽ thuộc diện được hoàn thuế do chi phí vận chuyển đá cát thấp, nên cho dù DN này có “phải” cộng thêm chi phí vận chuyển tài nguyên về xưởng sản xuất vào trị giá tài nguyên mua thì cũng không làm tăng trị giá tài nguyên là bao nhiêu và các DN này sẽ thuộc diện được hoàn thuế. Ngược lại, Cty của bà Hương nằm ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và mua đá ở tỉnh Đồng Nai, do chi phí vận chuyển gấp 3 đến 4 lần trị giá mua đá, cát, nên thuộc diện không được hoàn thuế.
Cho rằng bất hợp lý và không công bằng, Cty Sơn Lâm đã đề xuất “bỏ” chi phí vận chuyển tài nguyên khi tính tỷ trọng sử dụng tài nguyên và năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm đến Chi cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Tài chính, nhưng cho đến nay đã gần 1 năm hồ sơ hoàn thuế của Cty này vẫn bị “treo” do chưa được trả lời và giải quyết một cách công bằng, thỏa đáng. Bà Hương cho biết: Hiện việc sản xuất, kinh doanh của Cty đang gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng này kéo dài sẽ đẩy Cty tới bờ vực phá sản bởi không thể cạnh tranh với các DN khác.
Cần sớm nghiên cứu để giải quyết kiến nghị của DN
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho rằng: Chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản, chi phí cho các dịch vụ khác là có cơ cấu trong giá thành sản phẩm. Thường để không phải tính các chi phí đó trong gía tính thuế, người khai thác sẽ “xử lý” bằng cách bóc tách các chi phí này ra khỏi giá bán của sản phẩm tài nguyên, hay viết các hoá đơn bán hàng với từng khoản riêng. Nhưng trên thực tế, hầu như các DN mua hàng thì ràng buộc ngay trong các hợp đồng mua bán hàng là đã bao gồm chi phí vận chuyển. Bởi vậy, đối với trường hợp mua tài nguyên khoáng sản thì giá trị tài nguyên khoáng sản được tính là giá mua (giá này đã có chi phí bán hàng và lợi nhuận).
Do vậy, nếu tính thêm cả chi phí vận chuyển của tài nguyên sẽ không đảm bảo công bằng với trường hợp trực tiếp khai thác. Đồng thời sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN cùng mua một tài nguyên để chế biến xuất khẩu, vì trên thực tế có những DN ở xa thì chi phí vận chuyển là quá lớn.
“Theo tôi “giá trị thực tế mua, cộng chi phí đưa tài nguyên khoáng sản vào chế biến” phải hiểu là “giá mua ghi trên hóa đơn của người mua” và “chi phí đưa tài nguyên vào chế biến” là các chi phí phát sinh tại DN chế biến. Do vậy không thể “tính thêm” chi phí vận chuyển từ nơi mua về nhà máy chế biến. Mặt khác, trong các trường hợp như vậy có thể dẫn đến tình trạng là cùng một loại tài nguyên giống hệt nhau, thậm chí cùng nơi khai thác nhưng giá tính thuế tài nguyên lại rất khác nhau. Điều này là không công bằng”, Luật sư Thi nói.
Được biết, ngoài Cty Bê tông Sơn Lâm còn có nhiều DN gửi công văn kêu cứu vì những bất cập và “nhùng nhằng” trong việc tính thuế này. Vừa qua, ngày 16/01/2016, Bộ Tài chính đã có Công văn hỏa tốc số 609/BTC- CST gửi xin ý kiến Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành về chính sách thuế GTGT đối với các sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên khoáng sản, nhằm đóng góp ý kiến để báo cáo Thủ tướng xử lý vướng mắc và ra Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn. Nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn nào được ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn này cho DN.