Ảnh minh họa nguồn Internet |
Mệt nhoài vì doanh nghiệp “bốc hơi”
Trong một vụ tai nạn giao thông, Công ty M.T, chủ sở hữu chiếc xe ben gây tai nạn phải liên đới bồi thường cho gia đình bị hại 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tìm đến địa chỉ của chi nhánh công ty tại tỉnh Q; chấp hành viên mới phát hiện ra tại địa chỉ công ty khai báo không hề tồn tại một chi nhánh nào như bản án đã tuyên.
Xác minh tiếp, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Q. xác định, công ty trên có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh. Uỷ thác cho một đơn vị thuộc thành phố này nhưng khi tiến hành xác minh thì cũng gặp chuyện tương tự: doanh nghiệp đã biến mất. Mãi sau này, sau nhiều công đoạn điều tra, xác minh cơ quan THA mới biết công ty này đã giải thể để… chuyển sang thành lập một công ty mới. Như vậy, về pháp lý, công ty nói trên đương nhiên “thoát” nghĩa vụ THA.
Một báo cáo của Cục THADS TP. Hồ Chí Minh cho biết: số liệu thống kê tạm thời cho thấy thành phố hiện có khoảng 250 doanh nghiệp phải THA thuộc tình trạng này. Luật Doanh nghiệp quy định trình tự, thủ tục đối với các doanh nghiệp xin giải thể hợp pháp và Luật Phá sản cũng quy định thủ tục chặt chẽ với doanh nghiệp trong tình trạng phá sản.
Tuy nhiên, trong thực tế có loại doanh nghiệp “mất tích” mà pháp luật không điều chỉnh. Loại doanh nghiệp này - theo Cục THADS TP. Hồ Chí Minh - thường chỉ đăng ký vốn điều lệ mà không có hiện vật, khi “mất tích” trên thị trường đã để lại món nợ phải THA, trong khi các thành viên sáng lập vẫn ung dung đi đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn mới.
Cũng vấn đề này, Cục THADS Hà Nội cho biết: số lượng việc THA và tiền THADS thụ lý mới ngày càng tăng, nhất là số lượng các vụ việc THA về kinh doanh thương mại số việc và số tiền phải THA rất lớn, nhưng người phải THA là công ty đã bỏ trốn, giải thể, không còn hoạt động, không còn tài sản, chỉ còn nguồn tài sản bảo lãnh là của người khác.
Do vậy, việc chống đối THA của những người có tài sản bảo lãnh rất quyết liệt khiến cho công tác THA gặp nhiều khó khăn. Hầu hết những việc phải xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản và do người thứ ba bảo lãnh thì trình tự thủ tục xử lý tài sản vừa kéo dài, vừa phức tạp và nhiều trường hợp có đơn khiếu nại dẫn đến hạn chế kết quả THA.
Lâu dài phải sửa luật
Trước thực tế doanh nghiệp chây ỳ, trốn tránh, Cục THADS TP. Hồ Chí Minh nhiều năm nay đã có giải pháp “bêu” tên doanh nghiệp trong danh sách “đen” tại trụ sở cơ quan THA và trên trang web của Sở Tư pháp thành phố. Giải pháp này tỏ ra hữu hiệu giúp doanh nghiệp, khách hàng trong việc cân nhắc, lựa chọn đối tác.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, khi doanh nghiệp “mất tích”, THA như “nắm kẻ trọc đầu”, án tồn đọng ngày càng dày thêm.
Theo Cục THADS TP. Hồ Chí Minh, cần bổ sung Luật Doanh nghiệp với quy định những người thuộc hội đồng quản trị (hoặc hội đồng thành viên), thành viên sáng lập, ban giám đốc và kế toán trưởng không được quyền thành lập hoặc đảm nhiệm chức vụ trong doanh nghiệp mới nếu không thi hành dứt điểm bản án, quyết định mà doanh nghiệp cũ đang có nghĩa vụ. Mặt khác Luật Doanh nghiệp cũng cần quy định doanh nghiệp phải khai báo đầy đủ với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và các tài khoản đã mở tại các ngân hàng và quy định chế tài nếu không khai báo đầy đủ.
Cũng vấn đề này, Cục THADS đề nghị “phải kiên quyết xử lý những trường hợp người phải THA có điều kiện mà không chấp hành án theo điều 304 Bộ luật Hình sự”.
Một số cơ quan THA khác cho rằng, cần bổ sung điều 304 Bộ luật Hình sự về tội danh không chấp hành án đối với các pháp nhân, cụ thể là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 304 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. |
Huy Hoàng