QTV - Vào một trong những ngày tuyển dụng nhộn nhịp nhất năm, Yang Guowei đến từ công ty New Happiness ngồi thu mình phía sau một chiếc bàn nhỏ tại hội chợ việc làm ở Nghĩa Ô thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).
Thu hút lao động đang là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải đau đầu. Ảnh: Chinadaily |
Ông Yang đang cố gắng tuyển dụng lao động nhập cư sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết cho công ty chuyên sản xuất phụ kiện cho tóc của ông. Ông đưa ra mức lương hằng tháng từ 1.800 đến 3.000 nhân dân tệ (tương đương 274 – 456 USD) và định sẽ thuê 10 công nhân. Thế nhưng vẫn không có ai đăng ký cho dù mức lương đó đã cao hơn 30% so với năm ngoái.
Kể từ khi lao động nhập cư quay trở lại làm việc sau Tết thì tình trạng thiếu hụt lao động trong các nhà máy cũng trở thành chủ đề được nhắc tới nhiều trên báo chí Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, chính quyền các địa phương đã nâng mức lương tối thiểu. Tháng sau, Quảng Đông – tỉnh có nhiều nhà máy lớn ở Trung Quốc – sẽ nâng lương tối thiểu lên 18%. Ở thành phố Đông Quản (thuộc Quảng Đông), để thu hút công nhân, các chủ doanh nghiệp còn hưa hẹn sẽ có tiền thưởng hàng năm, được nghỉ phép và thậm chí là cả quà trong sinh nhật.
“Giờ thì người lao động mới là thượng đế”, ông Yang nhận xét.
Nhưng Quảng Đông không phải là địa phương duy nhất phải đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động. Ở những tỉnh nghèo như An Huy – từng là nguồn cung cấp lao động nhập cư, ngày càng có nhiều lao động lựa chọn làm việc gần nhà với mức lương cao hơn thay vì phải lặn lội tìm việc ở nơi xa.
Li Weining (23 tuổi) đã bỏ việc tại một nhà máy của Honda tại Quảng Châu để làm việc ở Trạm Giang vì gần quê nhà của anh và chi phí sinh hoạt cũng rẻ hơn. “Tôi kiếm được 1.600 nhân dân tệ, tương đương với lương ở Honda”, anh nói.
Thực tế trên cho thấy một sự thay đổi to lớn về nhân khẩu học đang diễn ra ở Trung Quốc. Nguồn lao động một thời dồi dào của họ có vẻ như không phải là vô tận. Trung Quốc quan niệm nhóm dân cư gia nhập lực lượng lao động là từ 15 đến 24 tuổi. Nhóm này đã đạt đỉnh 227 triệu người vào năm 2005. Theo dự đoán, con số đó sẽ giảm xuống còn 150 triệu vào năm 2024.
William Fung, Giám đốc chuỗi cung cấp hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới Li&Fung, cho rằng thế giới cần sẵn sàng cho một cuộc chiến với lạm phát do chi phí đẩy. Bên cạnh lạm phát hai con số về giá nhân công ở Trung Quốc trong năm 2010 và 2011, giá đầu vào cũng leo thang. Chẳng hạn, giá bông vải đã tăng hơn 150% trong năm ngoái.
Tuy nhiên, khi so sánh giá cả sản xuất giữa các nước, đa số các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ không chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác như Ấn Độ hay Bangladesh. Hơn thế nữa, những ngành như lắp ráp thiết bị điện tử hay chuỗi cung cấp hàng hóa sẽ khó mà chuyển cơ sở sang nơi khác.
Theo công ty tư vấn Dragonomics, năng suất lao động ở Trung Quốc đã tăng 13% một năm trong ngành may mặc từ năm 2003 đến 2010, bù lại được phần lớn chi phí gia tăng cho trả lương. Tỷ lệ gia tăng năng suất lao động của Trung Quốc dễ dàng bỏ xa Brazil, Việt Nam, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngân hàng Thế giới cho biết cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tương đương với Hàn Quốc. Theo Dragonomics, điều đó có nghĩa Trung Quốc là sự kết hợp giữa lương của một nước đang phát triển với cơ sở hạ tầng của một nước phát triển.
Theo VnExpress