Với một địa phương chiếm đến 1/3 số lượng doanh nghiệp của cả nước, quyết định điều chỉnh tỷ giá tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế TP.HCM.
Áp lực cộng dồn
UBND TP.HCM vừa chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp Sở Tài chính, UBND các quận, huyện, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra tình trạng giá cả hàng hóa “tát nước theo mưa”. Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm theo dõi sát thị trường trên địa bàn mình, báo cáo thông tin kịp thời để trên cơ sở điều phối, phối hợp và tăng cường bố trí điểm bán hàng bình ổn giá trong chợ truyền thống, nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng chủ trương để tăng giá vô thưởng , vô phạt.
Theo Sở Công Thương TP. HCM, đợt điều chỉnh tỷ giá vào ngày 10/2 vừa qua đã tác động làm tăng chi phí đầu vào của một số ngành sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhiều nguyên vật liệu nhập khẩu, như sắt, thép xây dựng, dệt may, da giày, cáp điện, nhựa, cao su, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, phân bón, đồ gỗ, sản xuất thức ăn gia súc...
|
Trước đó, từ tháng 10/2010, doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận ngoại tệ theo giá niêm yết của ngân hàng, buộc doanh nghiệp phải mua ngoại tệ theo giá thỏa thuận, gần bằng hoặc xấp xỉ tỷ giá công bố như hiện nay.
Cũng do ảnh hưởng biến động cung cầu, tỷ giá dẫn đến chi phí đầu vào tăng, kéo theo chi phí sản xuất tăng khoảng 8 đến 10% (nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm 70 đến 80% giá thành sản xuất). Cũng do biến động tỷ giá, một số nguyên, nhiên liệu như: điện, xăng dầu, than, ga... còn có khả năng tiếp tục tăng giá.
Sở Công Thương cũng “đồng cảm” với các doanh nghiệp, lãi suất vay vốn từ 18 đến 20% như hiện nay là quá cao, cao hơn lợi nhuận bình quân các ngành sản xuất. Lãi suất cao như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước tình trạng đó, số lượng doanh nghiệp mạnh dạn vay tiền để đầu tư sản xuất đã giảm hẳn. Lãi suất tăng cao làm tăng chi phí, giá thành sản xuất và giá bán sản phẩm, đồng thời làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam so với hàng ngoại nhập.
Cần sự “đồng tâm, hiệp lực”
Để các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2011 TP.HCM kiến nghị Chính phủ hạ lãi suất vốn vay xuống 13 – 14%/năm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - bà Quách Tố Dung cho biết, Sở Công Thương cũng đang tổng hợp thông tin từ các đơn vị đang làm công tác xuất nhập khẩu liên quan đến tỷ giá, lãi suất để báo cáo với Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo đối với các ngân hàng thương mại xem xét, ưu đãi…
Hiện nay trên địa bàn TP.HCM, để thu hút doanh nghiệp đến vay tiền trở lại, một số ngân hàng cũng đã tung ra nhiều hình thức tiếp thị, như: rút ngắn thời gian làm thủ tục, rút thăm may mắn..., nhưng điều mà doanh nghiệp quan tâm nhất, là giảm lãi suất cho vay thì vẫn chưa có câu trả lời.
“Tâm nguyện” của các doanh nghiệp vẫn là: Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét hạ lãi suất cơ bản (còn khoảng 7%), hạ lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh ở mức khoảng 13 đến 14%/năm, đồng thời đảm bảo đủ nguồn cung ngoại tệ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như giữ ổn định tỷ giá trong năm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét, giữ ổn định giá các nguyên, nhiên liệu thiết yếu như than, xăng dầu, ga, điện... ít nhất đến cuối năm nay thì doanh nghiệp mới phần nào bớt khó khăn.
Thúy Lan