Thanh tra Chính phủ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 16/10 tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách với DN tại Hà Nội. Các đại biểu tham dự hội nghị tập trung làm rõ về tính minh bạch và nhất quán trong thực hiện các quy định liên quan tới lĩnh vực tín dụng – ngân hàng; đất đai; thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng.
|
Minh họa Internet |
Nguy cơ nảy sinh hối lộ
Theo thống kê của VCCI, hiện khá nhiều DN Việt Nam dường như vẫn còn xa lạ với khái niệm minh bạch, nhất quán. Trong khi đó, đối với các Cty đa quốc gia đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, khái niệm trên lại khá phổ biến. Các DN này coi thực hiện tính minh bạch, nhất quán là một đặc trưng trong phương thức kinh doanh, thậm chí xác định nó là giá trị cốt lõi của DN.
Tại hội nghị nhiều đại biểu cho rằng, chính sách nhất quán, minh bạch sẽ giúp chính DN xây dựng được hình ảnh, duy trì sự tin cậy của các đối tác, khách hàng, cổ đông… cải thiện năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và môi trường kinh doanh nói chung.
Tuy nhiên, không ít DN gặp phải nhiều hạn chế trong khả năng tiếp cận thông tin liên quan tới các lĩnh vực đất đai, tín dụng – ngân hàng, thanh tra, kiểm tra, chống gian lận trong kinh doanh và phòng, chống tham nhũng. Từ đó nảy sinh những bất cập trong chính sách, pháp luật có nguy cơ làm nảy sinh tệ hối lộ, tác động tiêu cực tới tính liêm chính và minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Theo ông Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Pháp lý và Tuân thủ, Cty TNHH ABB Việt Nam, nhất quán và minh bạch là những yếu tố vô cùng quan trọng để có thể giúp các tổ chức, DN giảm thiểu chi phí bất hợp lý. Về lâu dài, các đại biểu khuyến nghị cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tăng cường công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Thẳng thắn đối thoại cùng DN
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của các cơ quan quân đội và công an liệu có ảnh hưởng gì tới các DN khác, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Ngô Mạnh Hùng nhấn mạnh, quan trọng là chúng ta đã có các cơ chế thanh tra, giám sát các DN này để khi tham gia hoạt động kinh tế họ không có đặc quyền, đặc lợi.
Hơn nữa, chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay là đang “bóc tách” chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh của các cơ quan quản lý; đang xây dựng cơ chế để bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng như các chủ thể DN chứ không có chuyện “xin chính sách” để tạo thuận lợi hơn cho các DN đặc thù. Trên tinh thần ấy, Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cũng đang xây dựng cơ chế kiểm tra, thanh tra bình đẳng giữa các DN.
Về khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Bộ TN&MT) Bùi Sỹ Dũng, khiếu nại về đất đai chủ yếu là liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, trong đó phần lớn là giá đất bồi thường của Nhà nước khác xa so với giá thị trường. Vì vậy, để giải quyết căn bản vấn đề này, Luật Đất đai (sửa đổi) tới đây dự kiến sẽ đổi mới quy định khung giá được chi tiết hóa theo các tỉnh, so với trước đây là theo vùng, còn bảng giá được ổn định trong vòng 5 năm, so với trước đây là 1 năm…
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị đối thoại, Chánh Văn phòng Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (NHNN Việt Nam) Trương Ngọc Anh cho biết, vấn đề công khai, minh bạch trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng có 2 góc độ. Đối với các tổ chức tín dụng là các ngân hàng thương mại, lại là Cty CP đại chúng mà niêm yết cổ phiếu thì phải công khai theo Luật Chứng khoán. Nội dung công khai của tổ chức tín dụng bao gồm tài chính và một số nội dung khác. Đối với NHNN, trước hết công khai toàn bộ các quy phạm pháp luật. Riêng hoạt động thanh tra, kiểm tra thì cũng có yêu cầu về công khai kết luận thanh tra nhưng hiện nay kết luận thanh tra mới được công khai từng phần. NHNN cũng đang xây dựng Đề án công khai, minh bạch trình Thủ tướng Chính phủ và hy vọng là đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét phê duyệt Đề án này. |
Thục Quyên