Doanh nhân nữ đổi mới sáng tạo vượt qua COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân Mastercard (MIWE) vừa được công bố cho biết, 87% nữ chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Đổi mới sáng tạo (ĐMST) chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ vượt qua khó khăn…
Tọa đàm Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo do NIC tổ chức.
Tọa đàm Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo do NIC tổ chức.

Khó thêm khó...

Khảo sát cho thấy, COVID-19 đã tạo ra nhiều trách nhiệm hơn với phụ nữ, nhất là khi con cái học tập tại nhà. 23% nữ lãnh đạo DN cho biết, mỗi ngày họ dành từ 6 giờ trở lên làm việc nhà và chăm sóc gia đình so với tỉ lệ 11% ở nam giới.

Các DN nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo có nguy cơ đóng cửa do tác động từ COVID-19 cao hơn 7% so với các DN do nam giới lãnh đạo. DN này chỉ nhận được 5% tổng khoản vay dành cho DN nhỏ. Những lý do khiến nữ giới ít có khả năng tiếp cận vốn hơn phản ánh những thành kiến cố hữu tồn tại trong việc huy động vốn và cho vay.

Theo bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN, có rất nhiều điển hình phụ nữ thành công trong lĩnh vực khoa học. “ĐMST chính là chìa khóa giúp DN nữ vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay!”, bà Vân khẳng định.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực ĐMST chính là thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, bởi họ phải xây dựng thị trường cho một sản phẩm mới, chứ không phải là thiết kế một sản phẩm cho phù hợp với một thị trường hiện hữu. Điều này càng khó khăn hơn trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Gen đổi mới sáng tạo..

“Phụ nữ có vai trò tiên quyết trong ĐMST, có ý nghĩa lớn giúp hoạt động ĐMST mang lại những giá trị thực sự cho cộng đồng…”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT nhận định tại cuộc Tọa đàm do NIC tổ chức ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2021).

Theo bà Bùi Thanh Duyên, đồng sáng lập Công ty công nghệ Genetica, thế giới ngày nay, tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, theo bà Duyên, xã hội ngày càng trân trọng phụ nữ, đó là “thời cơ lớn”, có thể gọi là “một xã hội vàng” khi phụ nữ được tạo điều kiện để theo đuổi ước mơ, chứng tỏ khả năng và cân bằng trong sự phát triển về giới.

Theo Phó chủ tịch YBA, bà Trương Lý Hoàng Phi, phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội. “Người phụ nữ nếu mang trong mình bộ gen đổi mới thì tác động rất mạnh đến người khác, vì vậy, khuyến khích phụ nữ ĐMST con đường rất đáng làm”, bà Phi quả quyết.

Nghịch cảnh sẽ tạo ra đột phá. COVID-19 là một nghịch cảnh lớn, nhưng cũng là cơ hội lớn buộc các chủ thể phải tìm ra cách thích ứng và vượt qua. “Giúp các ý tưởng ĐMST ngồi lại nhau, các bộ gen gần nhau, chắc chắn sẽ tạo ra những kết quả tốt. Có thể không phải bây giờ mà 1-2 năm nữa, nhưng công việc của người làm ĐMST đòi hỏi kích hoạt liên tục và sự kiên nhẫn”, bà Phi nhận định.

Tại Tọa đàm, nhiều nữ doanh nhân và nhà khoa học cũng chia sẻ quan điểm của họ về ĐMST và công việc thực tế họ đang theo đuổi. Phụ nữ có nhiều ý tưởng, không thua kém gì nam giới, nhưng động lực làm doanh chủ thì nữ giới thì ít hơn, chỉ chiếm khoảng 30%.

Các ý kiến cho rằng, nếu thay đổi cách nhìn, làm kinh doanh không hẳn là kinh doanh, không hẳn vì kiếm tiền, mà là làm để có thể đóng góp nhiều giá trị hơn cho cộng đồng, cho xã hội thì có thể sẽ giúp phụ nữ vượt qua những định kiến cũ, sẵn sàng hơn trong vai trò doanh chủ.

Các ý kiến cũng cho rằng, hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam rất tiềm năng và hai yếu tố cần tiếp tục xây dựng là tư duy đổi mới và nguồn nhân lực cho đổi mới.

Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nhân cần tăng cường hỗ trợ các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại hóa, phát triển thị trường trong và ngoài nước cho sản phẩm đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là tăng cường năng lực cho các đơn vị hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo.

"Phụ nữ đổi mới thì sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn!”

Theo bà Kim Ngọc Thanh Nga, Trưởng ban phát triển hệ sinh thái NIC, ĐMST cần nhất là bản lĩnh và khả năng gắn kết, trong khi bản năng của phụ nữ là gắn kết, nên phụ nữ rất phù hợp với công cuộc ĐMST. “Tôi tin rằng, người phụ nữ một khi đổi mới thì sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn!”, bà Nga quả quyết.

Trưởng ban phát triển hệ sinh thái NIC cũng chia sẻ, nhiệm vụ và khát vọng của NIC là xây dựng một hệ sinh thái ĐMST hoàn thiện hơn ở Việt Nam, có thể tương đương với khu vực và thế giới. Bà Nga cho biết, năm 2018, Bộ KH&ĐT chủ trì kết nối được 100 tri thức, nhà khoa học người Việt trên toàn cầu về Việt Nam, khởi đầu cho việc hình thành mạng lưới ĐMST tầm cỡ quốc tế. Cho đến nay, mạng lưới đã kết nối được trên 1.000 tri thức, nhà khoa học, doanh nhân Việt trên toàn cầu.

“Bằng bản lĩnh, sự bền bỉ kết nối và chia sẻ thông tin, chia sẻ ý tưởng và quan điểm, Mạng lưới ĐMST Việt Nam sẽ nhân rộng hơn nữa, không chỉ 1.000 người mà hướng đến 10.000 người, gắn kết và tạo lợi ích mới cho xã hội. NIC, với nhiệm vụ được Bộ KK&ĐT giao, đang và sẽ là cơ quan kết nối, lan tỏa các nỗ lực ĐMST đến cộng đồng, trong đó có một nửa là phụ nữ…”, bà Nga khẳng định.

Đọc thêm