Bị miễn nhiệm thành viên HĐQT, vẫn không rời ghế Tổng Giám đốc

(PLO) - Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, mặc dù bị cổ đông ra Nghị quyết miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị nhưng ông Trần Văn Thành, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Cty CP Du lịch Đồ Sơn vẫn giữ con dấu và điều hành doanh nghiệp.
Biệt thự Bảo Đại, cơ sở do Công ty Cổ phần Du lịch Đồ Sơn quản lý
Biệt thự Bảo Đại, cơ sở do Công ty Cổ phần Du lịch Đồ Sơn quản lý
Nhiều bất thường trong điều hành
Cty CP Du lịch Đồ Sơn (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn) vốn là doanh nghiệp nhà nước, quản lý khu nhà nghỉ Bảo Đại, hai khách sạn, ba nhà hàng tại Khu 2 - những địa điểm đắc địa tại Khu du lịch Đồ Sơn.
Theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, liên tiếp trong các năm 2012 – 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, dưới sự điều hành của ông Trần Văn Thành, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc (TGĐ), hàng loạt nhà hàng, khách sạn của  doanh nghiệp được ông Thành quyết định sửa chữa, nâng cấp với số vốn đầu tư lên tới hơn 9,3 tỷ đồng, lớn hơn cả số vốn điều lệ của doanh nghiệp này. 
Ngược lại với số tiền được đầu tư lớn, hiệu quả kinh doanh tại những địa điểm tự doanh của doanh nghiệp tại các cụm khách sạn Hải Âu, khu biệt thự, khách sạn Hoa Phượng, khách sạn Vạn Thông, nhà hàng Biển Đông, khu biệt thự Bảo Đại liên tiếp bị giảm dần từ hơn 1 tỷ đồng/năm (năm 2012) đến gần 2 tỷ đồng (năm 2014).
Chưa hết, những chi phí giá vốn bán hàng năm sau luôn cao hơn năm trước khiến lợi nhuận sau thuế của Cty từ chỗ đạt gần 5 tỷ đồng/năm (năm 2011) đã giảm xuống còn hơn 1,3 tỷ đồng/năm (năm 2014). Điều bất thường trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được nhiều nhóm cổ đông đặt vấn đề, việc giá vốn bán hàng tăng trong khi doanh thu giảm; cơ sở vật chất được đầu tư lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu không tỷ lệ thuận với việc được đầu tư, liên tục bị giảm do chính người quản lý, điều hành đã chủ động đội giá vốn đầu vào của hệ thống nhà hàng để hưởng lợi cá nhân, cố tình buông lỏng quản lý để “hưởng riêng” những khoản thất thoát trong mảng kinh doanh phòng khách sạn.
Cụ thể, việc chi hơn 9,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản vượt cả số vốn điều lệ của doanh nghiệp bị các cổ đông nghi ngại khi báo cáo tài chính của đơn vị không thể hiện các nguồn vốn đầu tư trung, dài hạn cho khoản đầu tư này. Nhiều nhóm cổ đông cho rằng, người điều hành doanh nghiệp đã dùng nguồn vốn ngắn hạn hoặc huy động từ nguồn vốn lưu động để đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng. 
Ngoài ra, theo các cổ đông, việc đầu tư hơn 9,3 tỷ đồng chủ yếu nằm tại các điểm tự kinh doanh của doanh nghiệp; số tiền đầu tư này thậm chí còn lớn hơn số lãi thu được. Việc thu không đủ bù đắp chi phí, đầu tư không hiệu quả, không có khả năng thu hồi vốn là trách nhiệm của người quản lý. Sở dĩ trong những năm qua, doanh nghiệp này vẫn có lãi và chi trả cổ tức là do hàng năm vẫn cho thuê địa điểm kinh doanh, thu về từ 5,9 - 6,8 tỷ đồng mỗi năm.
Không rời ghế Tổng Giám đốc
Ngoài các vi phạm trên, đối với các địa điểm cho các hộ dân thuê kinh doanh, theo các báo cáo từ Ban Kiểm soát (BKS), trong giai đoạn cuối năm 2014, đầu năm 2015, với tư cách là TGĐ, ông Thành đã cho một loạt nhà hàng xây thành phòng nghỉ, tự ký hợp đồng sửa chữa, cải tạo hàng loạt hạng mục tại các nhà hàng, khách sạn khi chưa có nghị quyết của HĐQT khiến BKS không thể kiểm soát được.
Trước hàng loạt biểu hiện bất thường trong điều hành như thực hiện việc đầu tư xây dựng cơ bản chưa tuân thủ Điều lệ doanh nghiệp, ký hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh không đúng Luật Đất đai, kết quả kinh doanh qua các năm bị giảm sút, có nguy cơ mất vốn, các thành viên HĐQT và BKS Cty CP Du lịch Đồ Sơn đã có các báo cáo gửi Chủ tịch HĐQT Cty CP Du lịch Đồ Sơn, gửi Tổng Cty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước - cổ đông nhà nước nắm giữ 56,53% số cổ phần tại doanh nghiệp này để kiến nghị tổ chức đại hội  cổ đông, miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT và chức danh TGĐ đối với ông Thành.
Ngày 3/7/2015, Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 Cty CP Du lịch Đồ Sơn được tổ chức. Các cổ đông nắm giữ 73,42% cổ phần có quyền biểu quyết đã biểu quyết, thông qua chương trình nghị sự, bàn việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Thành. Theo Điều 115 Luật Doanh nghiệp, các cổ đông nắm giữ 73,28% cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội cổ đông đã bỏ phiếu miễm nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Thành. HĐQT cũng đã ra Nghị quyết miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Thành.
Mặc dù đã có Nghị quyết miễm nhiệm theo luật định nhưng ngày 5/7/2015, ông Thành vẫn lấy dấu của doanh nghiệp đóng lên tờ thông báo để thông báo tới toàn thể cán bộ nhân viên trong Cty với nội dung “mọi thông báo mang tích chất cá nhân của Chủ tịch HĐQT không có Nghị quyết, không thông qua HĐQT đều không có giá trị và không được thi hành”.
Ông Hoàng Gia Nhuệ - Bí thư Đảng ủy, thành viên HĐQT chuyên trách, người có tên trong thông báo của ông Thành cho rằng, hành vi của ông Thành là giả mạo trong công tác, giả danh HĐQT, vi phạm Luật Doanh nghiệp. Để giải quyết dứt điểm việc ông Thành dù đã bị ĐHCĐ miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT nhưng vẫn giữ chức TGĐ, các ông Nguyễn Văn Thành, thành viên BKS; Hà Kim Long, Hoàng Gia Nhuệ thành viên HĐQT cùng các nhóm cổ đông nắm giữ trên 10% cổ phần đã kiến nghị Chủ tịch HĐQT, người đại diện phần vốn nhà nước khẩn trương họp HĐQT để bãi miễn chức danh TGĐ đối với ông Trần Văn Thành.
Theo ông Hà Kim Long, căn cứ Luật Doanh nghiệp, Quy chế doanh nghiệp, hành vi của ông Trần Văn Thành đã vượt khỏi tầm kiểm soát của HĐQT, BKS. Vì vậy, để ổn định kinh doanh, ông Trần Văn Thành phải bị bãi nhiệm chức danh nhằm tránh không gây thêm thiệt hại cho Cty và các cổ đông. 

Đọc thêm