Bỏ túi 500 triệu mỗi năm nhờ “cộng sinh” thả bèo, nuôi gà, trồng keo

(PLO) -Nhờ mô hình cộng sinh thả bèo, nuôi gà, trồng keo mà nhiều năm nay trang trại của lão nông Nguyễn Chừ (70 tuổi, ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đem lại lợi nhuận cao. Mỗi năm, ông Chừ bỏ túi hơn nửa tỷ đồng.
Ông Chừ tự nuôi bèo làm thức ăn cho gà.
Ông Chừ tự nuôi bèo làm thức ăn cho gà.

Khởi nghiệp từ trồng dưa

Chúng tôi gặp ông Chừ ở trang trại của ông tại thôn Thọ Trung khi ông đang loay hoay vớt mớ bèo dưới ao lên để chuẩn bị cho gà ăn. Trò chuyện với chúng tôi, giọng ông Chừ rắn rỏi cùng phong thái nhanh nhẹn, gần gũi.

Nhìn trang trại rộng gần 15ha với đàn gà, ao cá, vườn keo, ông Chừ chậm rãi kể về bước ngoặt trong cuộc đời mình. Theo đó, năm 1997, ông có một quyết định đầy mạo hiểm đó là thuê hơn 40ha đất ở chính mảnh đất Tịnh Phong nơi mình sinh ra và lớn lên để trồng dưa. Thời điểm ấy, trồng dưa phủ bạt là nghề mới mẻ, nhưng ông không ngần ngại đầu tư với số lượng lớn. 

Năm đầu tiên “đánh cược” với dưa, ông Chừ dường như mất trắng vì lỗ nặng. Một phần vì thời tiết không thuận lợi, một phần vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Đến năm thứ hai, sau khi đã rút được kinh nghiệm từ vụ đầu tiên, cùng với thời thiết thuận lợi, dưa chín tới đâu thương lái đánh xe tải mua tới đó. Cứ 2 sào dưa, ông bán được 1 lượng vàng, trừ tất cả chi phí ông còn được 50%. 

Ông Chừ vẫn còn nhớ như in, năm đó 1 chỉ vàng có giá 400.000 đồng, nhờ dưa mà ông “tậu” cho anh con trai thứ vừa đỗ đại học 1 bộ máy tính trị giá 2,4 lượng vàng; cho anh con trai đầu vừa tốt nghiệp đại học chiếc xe Dream Thái giá 8 lượng vàng. 

Ông Chừ vui vẻ cho biết: “Hồi ấy, nhà nào có xe Dream Thái là oách lắm. Còn sinh viên mà có bộ máy vi tính là thuộc dạng xịn nhất xã. Tôi thì không phải giàu có gì nhưng mình sắm cho con mình để làm phương tiện học hành, làm việc thì có lỗ đâu mà sợ”.

Trồng dưa được vài năm, đất đai dần cằn cỗi, cộng với người dân ồ ạt trồng theo nên ông Chừ bắt đầy suy nghĩ rẽ hướng khác để làm ăn. Cùng thời điểm đó, nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Thấy “cơ hội vàng”, dù đã gần 60 tuổi, nhưng ông không ngại tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch làm giàu. Ông dùng toàn bộ số vốn có được sau mấy năm trồng dưa đầu tư mua 30 con bò cỏ thả nuôi trên diện tích đất đã trồng dưa. 

Bí quyết nuôi gà

Sau mấy năm phát triển đàn bò, ông Chừ chưa thu được lợi nhuận thì năm 2004, ông quyết định thuê của UBND huyện Sơn Tịnh 15ha đất rừng ở thôn Thọ Trung để thành lập trang trại. Việc đầu tiên là ông chuyển toàn bộ 30 con bò ấy về trang trại, trồng cỏ, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng cây keo. Vợ chồng ông tối ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên trang trại hẻo lánh với đàn bò.

Những năm đầu, mỗi năm, đàn bò mang về cho gia đình cả trăm triệu đồng. Cuộc sống gia đình đã có của ăn, của để, ông lại nghĩ cách chuyển sang nghề khác, bởi vợ chồng ông giờ đã có tuổi, không đủ sức để quần quật suốt ngày với đàn bò. Sau khi bàn đi tính lại, ông quyết định đầu tư nuôi gà thả vườn ở đất rừng này.

Ngồi trò chuyện, lão nông ngoài 70 tuổi tâm sự, nuôi gà là nghề không xa lạ với nông dân ở đây và ông cũng là người đến sau. Tuy nhiên, số người làm giàu từ nó chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi dịch bệnh thường xuyên hoành hành, giá cả bấp bênh. Năm đầu nuôi gà, cũng giống như trồng dưa, ông lỗ “chổng vó”. Nhưng rồi, với ý chí của người đã từng trải qua thất bại trong làm ăn nên ông bình tĩnh tìm hiểu kỹ thuật nuôi, học hỏi thêm kinh nghiêm để làm lại.

Đến nay, với 2 trại gà, mỗi lứa ông Chừ nuôi khoảng 10.000 con/2 trại, một năm ông nuôi 3 lứa, tỉ lệ chết chỉ khoảng 5 - 6%. Gà con nuôi đến khi xuất bán có giá thành phẩm khoảng 80.000 đồng/con, với giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, ông thu lãi được 30.000 đồng/con, trừ chi phí thuê nhân công hơn 20 triệu đồng/tháng, ông bỏ túi hơn nửa tỷ đồng. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trang trại gà của ông Chừ là 1 trong 2 trang trại ăn nên làm ra nhất huyện Sơn Tịnh và được lọt vào 52 trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Gà thả trong vườn keo của ông Chừ.
Gà thả trong vườn keo của ông Chừ.

Để có được thành công như ngày hôm nay, ông Chừ cũng có bí quyết riêng của mình. Trò chuyện với chúng tôi, lão nông này chẳng ngần ngại tiết lộ bí quyết phòng dịch tổng hợp cho gà mà ông đúc kết được từ một lần đàn gà bị dịch bệnh. Lần ấy, ông chăm sóc gà rất kỹ lưỡng, đảm bảo mọi tiêu chuẩn, ở địa phương cũng không xảy ra dịch bệnh nhưng đàn gà của ông lại chết hàng loạt không rõ do đâu. 

Sau nhiều ngày tìm hiểu, ông Chừ phát hiện gà chết là do ăn bèo vớt dưới lòng kênh Thạch Nham. Có thể nguồn nước ở lòng kênh này bị ô nhiễm bởi người dân thường vứt súc vật chết, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật xuống lòng kênh nên bèo bị nhiễm chất độc hại, sức đề kháng của gà yếu nên sau khi ăn bèo liền ngã ra chết. Từ đấy, ông “đoạn tuyệt” với bèo trôi nổi, thuê người đào ao rộng 600m2 thả cá trê lai, nuôi bèo làm thức ăn cho gà.

Ông Chừ lý giải: “Tôi cho cá trê lai ăn bánh dầu. Phân của cá trê làm tốt cho bèo và lấy bèo cho gà ăn. Gà thả rông ra vườn keo có chỗ chơi, vừa ăn được côn trùng cộng với ăn bèo có hàm lượng rau xanh nên vừa tăng sức đề kháng, lông vừa đẹp, thịt ngon, ít dịch bệnh, phân gà lại bón ra cho keo. Một mô hình như vậy sẽ đem lại lợi nhuận rất cao”. 

Nhờ mô hình cộng sinh mà từ đó đến này trang trại gà của ông Chừ chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh. Nói ra, nhiều người sẽ bảo ông nói “phét”, nhưng khi nghe ông phân tích lại thấy có lý.

Vườn keo “kỷ lục”

Ngoài nuôi gà, ông Chừ còn đầu tư trồng keo trên diện tích đất rừng thuê này. Ông Chừ bảo, giai đoạn đầu trồng keo cùng với nuôi gà biết bao nhiêu khó khăn, vất vả ông phải đương đầu. Giống phải tự mua, tự vận chuyển, đất đai cằn cỗi, pha đá sỏi, nhiều chỗ cỏ gianh cũng không mọc được, tưới nước không biết bao nhiêu cho đủ, rồi do ở khu vực miền núi nên hay gặp mưa gió, đất bị rửa trôi, thời tiết thất thường... Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, ông đã “phủ xanh” và làm giàu trên mảnh đất khô cằn này.

Chỉ tay vào rừng keo của mình, ông chừ khoe mới là năm thứ hai nhưng cây keo được chăm bón kỹ nên phát triển rất tốt, thân cây đều, chỉ năm tới là cây sẽ khép tán. 

“Sau nhiều năm trồng rừng, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm nên bây giờ việc chăm sóc cũng không gặp khó khăn, chủ yếu mất nhiều công vì đường đi lại trắc trở, tiền thuê nhân công làm cỏ cũng cao hơn so với những khu rừng địa thế thuận lợi hơn”, ông Chừ chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Chừ không phải là người trồng keo nhiều ở địa phương, nhưng lợi nhuận thu lại thì cao gấp nhiều lần. Bởi nguyên tắc của ông là không bao giờ đốt thực bì sau khi thu hoạch keo mà để nguyên hiện trạng như thế. Thực bì vừa giúp đất giữ được độ ẩm, vừa ngăn chặn không cho cỏ mọc, như thế, lợi cả đôi đường.

Theo tính toán của ông Chừ, cứ 1ha keo từ 4 - 5 năm tuổi thường bán chỉ thu được 65 - 70 triệu đồng, riêng 1ha keo của ông lập “kỷ lục” 250 triệu đồng bởi ông “nuôi” chúng đến 7 năm mới thu hoạch. “Chỉ cần thêm 1/2 thời gian mà đổi lại thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần. Một gốc keo của tôi trung bình nặng tới 500kg, khi thu hoạch phải dứt ra thành 7 khúc, mỗi khúc dài 2m, phải vài người mới có thể di chuyển được lên xe”, ông Chừ thổ lộ.

Ngoài thu nhập từ nuôi gà, từ khi thành lập trang trại đến nay, ông đã thu hoạch được 2 lứa keo, bỏ túi được nửa tỷ đồng. “Tôi vẫn còn tham vọng nuôi dế, heo rừng, trồng cà gai leo, cây sắn dây, nhưng nghẹt nỗi 4 đứa con của tôi không ai theo nghiệp mình. Vợ chồng tôi thì già rồi nên không làm tràn lan nữa. Làm bấy nhiêu đây cũng đủ vất vả rồi. Được cái, con cái của tôi đều ngoan hiền, thành đạt nên vợ chồng tôi rất mãn nguyện”, ông Chừ tâm sự.

Đọc thêm