Chàng thanh niên H’Mông làm kinh tế giỏi

(PLO) - Từ phong trào “thanh niên lập thân, lập nghiệp” của Đoàn thanh niên tỉnh Tuyên Quang đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu hiệu quả. Tiêu biểu là Bí thư Chi đoàn thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang). 
Lý Văn Tính bên đàn trâu có giá gần 1 tỷ đồng của mình.
Lý Văn Tính bên đàn trâu có giá gần 1 tỷ đồng của mình.

Tuy mới bước sang tuổi 25 nhưng Bí thư Chi đoàn thôn Khuổi Phầy Lý Văn Tính, dân tộc H’Mông đã là chủ nhân của mô hình nuôi trâu vỗ béo và sinh sản, giá trị gần 1 tỷ đồng. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Lý Văn Tính thấu hiểu nỗi khổ của sự nghèo khó nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh đã không ngừng cố gắng vươn lên học tập, tích lũy kiến thức để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. 

Sau khi xây dựng gia đình, không bằng lòng với cái nghèo, anh quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Anh Lý Văn Tính chia sẻ, nhận thấy địa hình của thôn Khuổi Phầy chủ yếu là đồi núi, nhiều đồng bãi tự nhiên rất thích hợp để phát triển nghề chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là việc chăn nuôi trâu nên anh đã bàn bạc cùng gia đình tập trung nhân lực, vật lực đầu tư để việc chăn nuôi trâu trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, anh đã tích cực tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ các mô hình và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc đàn trâu của gia đình. Đến nay, đàn trâu của gia đình anh đã có 27 con. Hiện giá trâu thành phẩm trên thị trường từ 20 - 35 triệu đồng/con, tổng giá trị tài sản của gia đình anh ước khoảng gần 1 tỷ đồng. 

Chia sẻ về kinh nghiệm để duy trì và phát triển quy mô đàn trâu, anh Lý Văn Tính cho biết: Ban đầu anh tiến hành xây dựng chuồng trại kiên cố đảm bảo “đông ấm, hè mát”, sau đó bắt tay vào nhân giống đàn trâu. Để có đàn trâu tốt, anh tiếp tục gây đàn bằng việc chọn lựa những con to khỏe và loại bỏ dần những con nhỏ, yếu.

Bên cạnh đó anh còn trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, đặc biệt anh còn chủ động tiêm phòng đầy đủ và theo dõi thường xuyên sức khỏe của đàn trâu. Chính vì vậy, vừa qua dù nhiệt độ xuống rất thấp nhưng nhờ có nguồn thức ăn dự trữ và chuồng trại được che chắn cẩn thận nên đàn trâu của gia đình anh vẫn khỏe mạnh. 

Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, anh Tính còn tích cực giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Ngoài giúp đỡ về kỹ thuật chăn nuôi, buôn bán trâu bò, những năm qua anh còn giúp các gia đình trong thôn thực hiện nuôi ghép, theo hình thức anh cung cấp trâu giống cho các gia đình không có điều kiện mua trâu để nuôi vỗ béo. Sau khoảng 3 tháng, khi trâu béo thì xuất bán, lợi nhuận sau khi trừ chi phí (con giống, thức ăn) sẽ được chia đôi. Với phương thức này, không ít gia đình trong thôn có thêm thu nhập giúp ổn định cuộc sống, dần thoát nghèo. 

Ông Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Phầy chia sẻ: Từ việc chăn nuôi trâu sinh sản, gia đình anh Lý Văn Tính đã trở thành một trong những hộ khá của thôn Khuổi Phầy. Qua mô hình nuôi trâu của anh Lý Văn Tính đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, giờ đây bà con đã quan tâm đến công tác thú y, biết cách chăm sóc trâu theo đúng kỹ thuật.

Thời gian tới, anh Tính mong muốn Nhà nước sẽ có thêm những chính sách ưu đãi về vốn để anh và người dân trong thôn có thể mở rộng quy mô chăn nuôi; bên cạnh đó, có thêm những lớp tập huấn hoặc chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân nắm rõ cách phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc đàn trâu bò, để có thể từng bước làm giàu một cách hiệu quả nhất. 

Với những nỗ lực, phấn đấu vươn lên vượt qua hoàn cảnh để thoát nghèo, anh Tính xứng đáng là tấm gương sáng cho người dân thôn Khuổi Phầy học tập, làm theo; từ đó giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp sức cho sự phát triển chung của vùng cao Hồng Thái.

Đọc thêm