Chiến lược trở thành “ông lớn” về năng lượng tái tạo của Bầu Hiển

(PLVN) - Bầu Hiển đã hoạch định chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo để T&T Group trở thành “ông lớn” về lĩnh vực này trong tương lai không xa.
Bầu Hiển nhảy sang lĩnh vực năng lượng tái tạo và đang gặt hái được thành công bước đầu
Bầu Hiển nhảy sang lĩnh vực năng lượng tái tạo và đang gặt hái được thành công bước đầu

Ngoài nổi tiếng là ông Bầu có tâm cống hiến hết mình cho bóng đá Việt Nam, nhắc đến doanh nhân Đỗ Quang Hiển, thường gọi là Bầu Hiển, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group, người ta còn biết đến ông là ông chủ của ngân hàng uy tín SHB.

Đặc biệt, hai năm trở lại đây, ông còn nổi tiếng bởi đã đầu tư lớn vào các dự án điện mặt trời, điện gió và hàng loạt dự án năng lượng sạch khác với tham vọng sẽ trở thành “ông lớn” về năng lượng tái tạo.

Kế hoạch trở thành nhà phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu tại Việt Nam của Bầu Hiển đã được ông và các cộng sự chuẩn bị từ 10 năm trước đó. Để đến năm 2020, dấu ấn đậm nét của T&T Group là “trình làng” 4 dự án năng lượng tái tạo, hòa vào lưới điện quốc gia.

Cụ thể, tháng 6/2020, Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh do T&T Group làm chủ đầu tư được khánh thành, chính thức hoà lưới điện quốc gia. Dự án được khởi công xây dựng vào đầu tháng 3/2020 trên diện tích 65,2 ha; tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng. Nhà máy này cung cấp sản lượng điện khoảng 75 triệu kWh/năm.

Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 có công suất 100 MWp chính thức hòa lưới điện quốc gia vào ngày 31/12/2020.
Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 có công suất 100 MWp chính thức hòa lưới điện quốc gia vào ngày 31/12/2020.

Giữa tháng 12/2020, T&T Group đồng loạt vận hành thêm 2 nhà máy điện mặt trời là Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3. Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 nằm tại xã Phước Hà (H.Thuận Nam, Ninh Thuận) có công suất 100 MWp. Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.3 nằm tại xã Phước Vinh (H.Ninh Phước, Ninh Thuận) có công suất 50 MWp.

Cuối tháng 12/2020, tại Bình Thuận, T&T Group khánh thành thêm dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3 công suất 50 MW và hòa vào lưới điện quốc gia. Như vậy, trong năm 2020, T&T Group của bầu Hiển đã vận hành 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất lên tới 245 MWp.

Trao đổi với PLVN, đại diện Tập đoàn T&T Group cho biết: Không phải tới năm 2020 T&T Group mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực năng lượng. Trước đó, Tập đoàn đã có thời gian dài nghiên cứu thị trường, chuẩn bị các bước đi bài bản, sẵn sàng đón đầu khi cơ hội tới. Từ 10 năm trước, bám sát chủ trương của Chính phủ, T&T Group đã bắt tay vào việc hoạch định chiến lược cho sân chơi khi đó vẫn còn rất mới mẻ.

Rõ ràng vì sự chuyên nghiệp trong nghiên cứu thị trường và bám sát chủ trương của Chính phủ mà T&T Group không bị “mắc kẹt” như nhiều chủ đầu tư khác khi mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dừng đấu nối và ký hợp đồng bán điện mặt trời, khiến nhiều dự án điện mặt trời có nguy cơ "vỡ trận". Nguyên nhân do Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020 và đến nay vẫn đang phải chờ hướng dẫn mới.

Chưa dừng lại ở đó, theo T&T Group, đơn vị này đang nghiên cứu, có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án nhà máy điện gió ở các địa phương giàu tiềm năng trên khắp cả nước, với tổng công suất lên tới 530 MWp. Theo dự kiến, các dự án này sẽ hòa lưới điện quốc gia vào tháng 10/2021, góp phần đưa T&T Group trở thành “ông lớn” số 1 về đầu tư điện gió trong tương lai.

Thời điểm dự kiến hòa vào lưới điện quốc gia của các dự án điện gió của T&T Group được đánh giá là rất kịp thời tương tự các dự án điện mặt trời vì mức giá ưu đãi lên tới gần 2.000 đồng/kWh quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ áp dụng với dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được quy định tại Quyết định 37/2011/QĐ-TTg từ năm 2011 (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 cent).

Ngoài ra, T&T Group cũng đã hoạch định chiến lược phát triển các dự án điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia.

Dù đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cùng ồ ạt đầu tư vào điện mặt trời, điện gió và nỗi lo thừa điện, nhưng với đội ngũ làm việc chuyên nghiệp, nghiên cứu kỹ thị trường và các chính sách của Chính phủ, tin rằng T&T Group của Bầu Hiển sẽ tiếp tục thành công với chiến lược phát triển năng lượng xanh cho đất nước.

Đọc thêm