“Chúng tôi tự hào về những điều ngành điện đã làm được”

(PLO) - Là một người kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo ngành năng lượng như nguyên Bộ trưởng Năng lượng (cũ), nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, nguyên phái viên Thủ tướng Chính phủ về các dự án công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu,  Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), ông Thái Phụng Nê  đã có cuộc trao đổi với Pháp luật Việt Nam về việc EVN được đề xuất nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
“Chúng tôi tự hào về những điều ngành điện đã làm được”
Theo ông, những thành quả lớn nhất mà EVN đã đóng góp được cho nền kinh tế  qua nhiều thời kỳ phát triển là gì?
- Tôi cho rằng cái lớn nhất mà EVN đạt được là đã hoàn thành một cách toàn diện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao là cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Chúng tôi là những người làm điện rất tự hào về thành quả này.
Trước đây, năm 2014, điện có lúc vẫn thiếu nhưng sau năm 2014, EVN đã chính thức công bố việc hệ thống điện đã đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Điều đáng nói là có dự phòng 20%. Từ năm trước, tổng công suất hữu dụng của hệ thống đã đạt được 26.000-28.000 MW. Trong khi phụ tải, công suất yêu cầu cao nhất là chỉ 24.000-25.000 MW. 
Ông thấy EVN đáng ghi nhận ở cố gắng nào trong việc xây dựng, phát triển được một hệ thống điện như hiện nay?
- EVN đã xây dựng được một hệ thống điện thống nhất toàn quốc, được liên kết bằng mạng lưới cao áp 500kV và đột phá vào năm 1994 khi đã tự lực xây dựng, hoàn thành đường dây 500kV Bắc - Nam  trong 2 năm, kịp thời đưa điện ở vùng thừa phía Bắc về phía Nam và miền Trung đang rất thiếu điện lúc đó. Cũng có khi điện phía Bắc thiếu (như khoảng năm 2000-2005), điện phía Nam lại đưa ra. Ta rất tự hào có hệ thống điện thống nhất để đưa hệ thống điện Việt Nam xếp thứ 2 Đông Nam Á. Về thành quả này, tôi nghĩ toàn thể cán bộ, công nhân ngành điện cũng lấy làm tự hào.
Một điểm lớn đáng ghi nhận nữa là việc  ngành điện đã đưa điện về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… để đến năm 2020, có khả năng tất cả sẽ có điện lưới quốc gia. Việc đột phá nữa là ngành điện đã đưa lưới điện quốc gia đến các đảo như Phú Quốc, Cô Tô, Lại Sơn, Cù Lao Chàm… Cho đến nay, 98% hộ nông thôn có điện. Cái này, tôi tin là  không có mấy nước trên thế giới đạt được tỷ lệ đưa điện về nông thôn như Việt Nam. 
Theo ông, đạt được những sự phát triển có tính nền tảng, hệ thống như vậy, EVN dựa vào những điều gì?
- Tôi cho rằng, về nguồn nhân lực và trình độ khoa học công nghệ, EVN là một trong số ít tập đoàn kinh tế của Nhà nước đã dựa trên 2 yếu tố cơ bản này để phát triển. Đội ngũ  cán bộ kỹ sư, vận hành hệ thống điện…của EVN là chuyên nghiệp, tiếp cận được trình độ thế giới.  Ở nhiều thời điểm quan trọng, EVN đều biết ứng dụng khoa học, công nghệ rất kịp thời. Với nhiều công trình, dự án, EVN đã tự lực thiết kế, xây dựng với một trình độ hiện đại, có thể  cạnh tranh được cả với Trung Quốc và Thái Lan. Nhiều thiết bị điện ta đã tự sản xuất, chế tạo được  không chỉ cho trong nước mà còn xuất khẩu. 
Tôi cho là nhân lực, trình độ cán bộ, kỹ sư toàn ngành điện có trình độ khá cao vì qua nhiều thế hệ, rất nhiều cán bộ, kỹ sư  được đào tạo tốt ở trong nước và được đưa đi đào tạo ở nhiều nước. Toàn bộ việc quản lý, vận hành có trình độ cao. Trình độ thiết kế, chế tạo cũng tiệm cận trình độ thế giới dần dần.
Tôi nghĩ rằng, việc EVN mạnh dạn báo cáo Đảng, Chính phủ và Nhà nước về danh hiệu Anh hùng Lao động thì đó là nguyện vọng của toàn thể cán bộ, công nhân của toàn ngành điện Việt Nam, trong đó EVN đóng vai trò chủ đạo. Họ mong muốn như vậy cũng là nguyện vọng chính đáng trong suốt thời gian dài có nhiều thành quả đáng tự hào. 

Đọc thêm