“Con người là vốn quý nhất của doanh nghiệp“

(PLO) - Trong con người của Tiến sĩ, doanh nhân Dương Quốc Thái luôn có sự cộng hưởng của hai cá tính hoàn toàn trái ngược. Đó là giữa tính quyết đoán, mạnh mẽ của một thủ lĩnh “làm mưa làm gió” trên thương trường và tính hài hước, lãng mạn, bay bổng của một tâm hồn nghệ sĩ. 

Tiến sĩ Dương Quốc Thái
Tiến sĩ Dương Quốc Thái

Vinh dự này không chỉ của riêng tôi

 

Thưa ông, được biết Pakistan vừa bổ nhiệm ông làm Tổng Lãnh sự Danh dự tại Việt Nam. Xin ông chia sẻ thêm về niềm vinh dự này?

Vinh dự này không chỉ của riêng cá nhân tôi mà là của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong thời điểm hiện nay, khi mà thể diện Quốc gia là điều thiêng liêng trong tiềm thức, trong hành động mà mọi công  dân Việt Nam đều có nghĩa vụ hướng đến. Là doanh nhân, chúng tôi luôn ý thức rất rõ việc này vì thế mọi hoạt động đều hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Với vai trò là Tổng lãnh sự Danh dự của Pakistan, ông đã đưa ra kế hoạch gì cho sự phát triển bền vững giữa hai quốc gia Việt Nam - Pakistan?

Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại, tôi luôn mong muốn mọi người sẽ xích lại gần và thân thiện với nhau hơn trên tinh thần hướng đến hòa bình, tiến bộ xã hội. Tôi đã đưa ra kế hoạch xúc tiến kinh tế, thương mại, văn hóa giữa hai quốc gia và minh chứng cho việc này là mở ra hai đầu cầu thương mại: Thành lập trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa tại TP.Hồ Chí Minh (Việt Nam) và TP.Karachi (Pakistan) nhằm tạo điều kiện cho doanh nhân, công dân hai nước có cơ hội tìm hiểu và phát triển giao thương một cách toàn diện nhất.  Đệ trình Chính phủ hai nước đồng ý và chấp thuận kết nghĩa các thành phố lớn và mở đường bay thẳng: TP.Karachi – TP.Hồ Chí Minh; Islamabad – TP.Hà Nội và ngược lại nhằm rút ngắn khoảng cách địa lý và thương mại giữa Việt Nam và Pakistan.

Bên cạnh đó, tôi cũng đã đưa ra chiến lược đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trên một số lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp nặng, y tế, giáo dục, môi trường, du lịch…. Phát triển du lịch đặc biệt là du lịch văn hóa – tâm linh vì Pakistan có nhiều di tích lịch sử về Phật giáo, Hồi giáo. Chúng tôi tha thiết mong muốn nhân dân, đặc biệt giới doanh nhân của hai nước ủng hộ, hợp tác nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế lên tầm cao mới.

Theo ông, chúng ta phải làm gì để đạt được thế win – win (đôi bên cùng có lợi)?

Tôi cho rằng tiềm năng kinh tế của Pakistan chưa được khai thác hết trong quan hệ thương mại song phương. Pakistan mạnh về cây công - nông nghiệp, dầu mỏ, nhất là bông vải. Doanh nhân Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, khai thác thế mạnh xuất – nhập khẩu, đồng thời thu thập thêm kiến thức, kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại giữa hai bên.
Yêu thích cả hai danh xưng

Doanh nhân Việt hiện nay vẫn “ăn không ngon, ngủ không yên” vì phải gồng mình chống chọi với những khó khăn của khủng hoảng kinh tế. Theo ông, làm cách nào để giúp các doanh nghiệp “vượt bão”?

Sự thật là các doanh nghiệp Việt vẫn đang phải nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách dù kinh tế đã bớt đi sự “ảm đảm”. Các chính sách vĩ mô của Nhà nước cũng luôn hỗ trợ sát sao, tiếp thêm niềm tin cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Còn câu chuyện doanh thu giảm hay tăng thì tùy bản lĩnh vượt khó của mỗi doanh nghiệp. Tôi muốn đề cập đến tính linh hoạt trong các chính sách bán hàng, đến sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong những thời điểm nhạy cảm. Đây là bài toán khó và nếu doanh nghiệp tìm ra được lời giải đáp thì đó chính là chìa khóa để doanh nghiệp tự tin “vượt bão”.

Các doanh nghiệp thì loay hoay cầm cự để tồn tại thì Công ty Bao bì Nhựa Sài Gòn do ông làm chủ lại liên tiếp tăng trưởng và mở rộng? Bí quyết của sự thành công này là gì, thưa ông?

Đó là nhờ sự nhạy bén, linh cảm và tiên liệu rủi ro tốt của chúng tôi. Tôi tin rằng sự nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, dự đoán đúng thời cơ kinh doanh chính là nền tảng để công ty Bao bì Nhựa Sài Gòn vượt qua giông bão của nền kinh tế thị trường.

Trong những năm sắp tới (từ năm 2015 đến năm 2020), tôi đã đưa ra chiến lược phát triển công ty Bao bì Nhựa Sài Gòn trở thành tập đoàn nhựa đa lĩnh vực. Điều tôi quan tâm nhất là việc làm thế nào để có thể liên kết được các doanh nghiệp đối tác, cùng họ đưa ra định hướng nhằm giúp cho thương hiệu Bao bì Việt Nam kiêu hãnh nhìn và tự tin trên thương trường.

Để tạo nên thành tích đáng ngưỡng mộ ấy, hẳn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ nhân viên. Đó có phải là nhân tố quan trọng để giúp cho ông giữ “vững tay chèo” hay không?

Theo tôi, con người là vốn quý nhất của doanh nghiệp, trong lúc kinh tế khó khăn thì điều này nghiệm ra càng đúng. Công ty Bao bì Nhựa Sài Gòn (Saplastic) có thể phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay chính là nhờ những con người lãng mạn trong hoài bão, kiên cường trong bản lĩnh, để sản sinh ra các ý tưởng và dự án hiệu quả.

Ngoài tính quyết đoán, mạnh mẽ của ceo, trong con người ông còn hội tụ sự lãng mạn, bay bổng của một tâm hồn nghệ sỹ. Ông có vui không khi được gọi bằng danh xưng nghệ sĩ, doanh nhân Dương Quốc Thái?

Theo tôi sự lãng mạn và thực tế là hai phạm trù nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực chất lại rất logic. Tôi đã nghe và hấp thụ âm nhạc từ bé, lớn lên trở thành doanh nhân, nên sự lãng mạn tự cân đối, hài hòa với thực tế. Âm nhạc thẩm thấu xuyên suốt quá trình “cân, đong, đo, đếm” và cả thời khắc phải quyết định đầu tư vào dự án lớn nào đó của tôi. Tôi yêu thích cả hai danh xưng, nghệ sĩ và doanh nhân Dương Quốc Thái.
Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm