Doanh nghiệp dân doanh đang “đội thuyền thúng” ra khơi?

(PLO) - Người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc ví von khu vực doanh nghiệp (DN) dân doanh chính là “đội thuyền thúng”. Với 500 ngàn công ty đang hoạt động, “đội thuyền thúng” này chiếm 96% cộng đồng DN, thế nhưng  lại đang đứng trước hàng loạt  thách thức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Hội nghị Thủ tướng với DN được tổ chức hôm qua (28/4) tại Hà Nội tập trung bàn thảo làm sao để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN dân doanh có thể “ra khơi”. 
Bài phát biểu mở đầu Hội nghị của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã gây sự chú ý lớn khi đưa ra hàng loạt con số thống kê cho thấy bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn đang “vẫy vùng” trong tình trạng được đánh giá là chưa mấy sáng sủa. 
Khu vực bị “tổn thương”
Chỉ tính trong quý I năm 2014, đã có thêm 16.745 DN “khai tử”, tăng 9,6% so với cùng kì năm 2013. Để đạt được tốc độ tăng GDP khoảng 5,8%, tức khoảng 4,22 nghìn tỷ đồng theo như kế hoạch đặt ra thì yêu cầu đặt ra cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phải đạt tới con số 2,08 nghìn tỷ đồng. Trong khi khu vực này đang gặp nhiều khó khăn. 
Bộ này cũng đưa ra một con số cho thấy khu vực kinh tế dân doanh đang chịu nhiều “tổn thương” do khủng hoảng kinh tế và điều đó đang ảnh hưởng trực tiếp lớn đến việc đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực này: “Khu vực DNNN vẫn giữ ổn định ở mức 35% qua các năm 2010-2012. Trong khi khu vực DN ngoài nhà nước giảm đáng kể từ 40,35% năm 2010 xuống 32,76% năm 2012”.
Bà Phạm Thị Ngọc Thái, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ tỉnh Nghệ An mạnh dạn bày tỏ: “Ở địa phương tôi, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, có những cơ quan nhà nước nợ DN tới 40 tỷ, trong khi họ phải đóng thuế cho Nhà nước là 4 tỷ. Số tiền đó DN lại phải vay ngân hàng với lãi suất cao. Rơi vào câu chuyện như vậy DN chỉ có đường đi tới chỗ phá sản. Tôi đề nghị với Thủ tướng cho các DN lấy tiền mà Nhà nước nợ để gán vào chỗ thuế mà DN phải đóng để gánh bớt khó khăn cho họ” – bà Thái đề xuất. 
Ông Nguyễn Văn Đệ, đại diện cho 170 bệnh viện tư nhân trên cả nước than thở về thái độ “ghẻ lạnh” của cơ quan nhà nước đối với các DN đang hoạt động ở lĩnh vực an sinh xã hội này. “Một số quy định của các Bộ, ngành làm cản trở đến hoạt động của khối bệnh viện ngoài công lập,  như quy định về phân thẻ BHYT, thanh quyết toán BHYT, chuyển tuyến, xếp hạng bệnh viện, mua thuốc, vật tư y tế tập trung… Hơn thế, khối bệnh viện tư nhân còn không được khấu trừ thuế đầu vào làm ảnh hướng rất lớn đến hoạt động của khối bệnh viện tư nhân. Cứ đà này chúng tôi chỉ còn cách tự giải thể”- ông Đệ phân trần.    
Sẽ xem xét miễn phạt chậm nộp thuế
Theo VCCI, chuẩn bị cho cuộc đối thoại hôm nay giữa Thủ tướng và DN, đơn vị này đã tập hợp và gửi báo cáo lên Thủ tướng 300 kiến nghị cụ thể của cộng đồng DN trong cả nước.
Trả lời những vấn đề “nóng” đang đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ năm 2008 đến nay cũng đã ban hành nhiều chính sách về thuế, chính sách tài chính về đất đai, hỗ trợ tín dụng của Nhà nước để miễn giảm, gia hạn thuế, tháo gỡ khó khăn cho khối DN này. 
Trước những hỏi đáp trực tiếp trong hội nghị, Bộ trưởng Dũng cam kết sẽ xem xét miễn phạt chậm nộp thuế cho DN do bị tồn kho cao, hoặc vay ngân hàng lãi suất cao (trên 10%). Ngoài ra, đối với DN xây dựng cơ bản, giá trị đầu tư trên 100 tỷ đồng mà phải nhập máy móc thiết bị để hình thành tài sản cố định phải nộp thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu thì kiến nghị cho DN thông quan nhanh, và giãn nộp thuế trong vòng 60 ngày. 
Liên quan tới đề xuất cho DN “gán” khoản mà Nhà nước nợ vào khoản thuế DN phải đóng để giảm bớt khó khăn, ông Dũng cho biết: “Đây là chuyện nan giải nhưng Bộ Tài chính ủng hộ hướng đề xuất này. Về nguyên tắc chúng tôi ủng hộ nhưng phải bù trừ trong số vốn đã được dự toán hàng năm nếu không thì không có nguồn”.
Nếu có cơ hội sẽ giảm lãi suất ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận rằng, thời gian qua khả năng tiếp cận nguồn vốn của khối DN nhỏ và vừa là có khó khăn. Thống đốc Bình nhất trí với ý kiến cần xây dựng, phát huy hiệu quả quỹ hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa cũng như quỹ bảo lãnh tín dụng cho khối DN này để giúp DN khu vực này dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn.
Với ý kiến lãi suất cho vay đã có giảm nhưng vẫn còn cao so với khu vực và trên thế giới, nhiều DN đề nghị được tiếp tục giảm lãi suất cho vay, Thống đốc Bình giãi bày: “Đến nay chúng ta đã có một mặt bằng lãi suất thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Mặc dù muốn nhưng điều chỉnh giảm hơn nữa phải phụ thuộc vào điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu cứ hạ thì liệu dân có gửi tiền vào ngân hàng nữa hay không thì cần phải tính. Chúng tôi sẽ theo dõi hết sức sát sao, cứ 10-15 ngày sẽ phải tính toán lại, nếu có bất kỳ cơ hội nào mà có thể giảm được lãi suất được thì chúng tôi tiến hành ngay. Nhưng cũng phải đảm bảo tính ổn định của chính sách không để rơi vào tình trạng chính sách “giật cục”.
Thủ tướng Chính phủ: Làm doanh nghiệp bây giờ khó lắm!
“Cũng có lần tôi nói rất chân thành, có phân công tôi làm Thủ tướng tôi có thể nghiêm túc chấp hành, sẵn sàng làm, chứ phân công làm DN là tôi từ chối. Làm không được đâu, tôi muốn nói như thế là bây giờ các anh chị làm chủ tịch, tổng giám đốc khó lắm, muốn thành công không dễ dàng trong điều kiện cạnh tranh như thế, năng lực quản trị phải nâng lên trong điều kiện cạnh tranh hết sức quyết liệt”.

Đọc thêm