Doanh nghiệp hại nông dân

(PLO) - Nông dân vay vốn ngân hàng, nai lưng làm ra sản phẩm để rồi bị mấy doanh nghiệp xuất khẩu bắt tay ép giá hoặc buộc phải ký gửi hay bán chịu cho mình. Khi xuất được, tiền thu về doanh nghiệp lại chiếm dụng, đầu tư vào bất động sản, xây dựng, xoay đồng vốn của nông dân tạo lợi nhuận cho riêng mình... 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đấu trộn nhiều loại gạo xuất khẩu
Đối với mặt hàng lúa gạo, nhiều năm qua cách làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” đã gây ra nhiều tai hại. Dù ở vị trí nước xuất khẩu gạo thứ 2 toàn cầu nhưng giá gạo của Việt Nam thuộc loại áp chót. Áp lực tồn kho lớn, nhu cầu giải phóng hàng cao dẫn đến tình trạng “xé rào” chào bán giá thấp. 
Ông Huỳnh Thế Năng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhìn nhận: “Đối với mặt hàng gạo, khó khăn vẫn ở gạo cấp thấp thôi. Còn gạo thơm, chất lượng cao vẫn ổn nếu mình làm tốt. Do đó, việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn là rất cần thiết. Các địa phương đề nghị nhiều lần là phải hình thành vùng nguyên liệu bắt buộc cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhưng đến nay vẫn chưa được”. 
Đồng quan điểm, ông Phạm Kiêm Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp đánh giá: “Nhiều năm qua, chúng ta xuất khẩu gạo nhưng không có thương hiệu. Tình trạng trộn lẫn gạo phẩm cấp thấp vào gạo chất lượng cao với tỷ lệ rất lớn đang phổ biến. Vì thế, việc mất uy tín là không tránh khỏi… Nhất thiết Việt Nam phải xây dựng thương hiệu gạo, làm ăn căn cơ, bài bản hơn”.
Về tình trạng này, ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang từng  nói thẳng: “Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất chảnh, chơi trò ú tim với nông dân trồng lúa, nhất là lúa phẩm cấp thấp (IR50404). Vì khi nào xuất được thì mua nhiều về trộn lẫn với gạo chất lượng cao, bán với giá cao. Còn khi không xuất được thì không thèm mua, đổ thừa hết cho nông dân và khuyên nông dân để dành… cho vịt ăn!”. 
“Phá giá” cá tra
Ông Hồ Văn Vàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam  phải thốt lên rằng: “Không thể chấp nhận được khi có những trường hợp trong 1 tấn cá tra phi lê xuất khẩu mà chứa tới 500kg là nước. Điều này đã được đối tác nước ngoài cảnh báo tới Hiệp hội Cá tra Việt Nam”. Đau đầu với vấn đề này, ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) bức xúc: “Tình trạng chất tăng trọng, nước trong cá nguyên liệu, sản phẩm phi lê hiện nay đáng báo động. Các ngành chức năng kiểm tra ngay các lô hàng bất thường với giá dưới 2 USD/kg thì sẽ biết, trong khi các lô hàng khác giá 3,1 - 3,2, thậm chí 3,6 USD/kg”. 
Theo ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng giám đốc Công ty Cafatex (có thâm niên xuất khẩu cá tra từ năm 1996 đến nay), chính sự tăng trưởng nóng của ngành cá tra những năm qua đã dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung. Sản lượng cá tra tăng 10 lần chỉ trong vòng 10 năm, từ 120.000 tấn năm 2002 đến gần 1,3 triệu tấn vào năm 2012. Trong khi đó, số lượng nhà máy cũng tăng đột biến. Hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ra đời. Cả đồng bằng hiện có 70 nhà máy, nhưng có lúc có hơn 400-500 đơn vị xuất khẩu trong khi chỉ có 300-400 nhà nhập khẩu. 
“Vì thế, làm sao không xảy ra chuyện tranh mua - tranh bán, hạ giá. Việc chúng ta bị áp thuế chống phá giá có xuất phát từ nguyên nhân này.  Suy cho cùng, tình trạng này cũng có phần trách nhiệm từ ngành ngân hàng. Hàng loạt doanh nghiệp không có kinh nghiệm, không tâm huyết với ngành này lần lượt ra đời từ các nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng, làm ăn theo kiểu “mì ăn liền”, “mượn đầu heo nấu cháo…”, vị này nhìn nhận. 
Hậu quả là, ngành cá tra hiện đang lâm vào khủng hoảng, giá xuất khẩu hạ thấp nhất từ trước đến nay. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, phá sản. Thiệt thòi nhất vẫn là người nuôi cá, vì giá bán dưới giá thành từ 1.000-4.000 đồng/kg…
Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Huỳnh Minh Đoàn sốt ruột: “Việc cạnh tranh không lành mạnh thời gian qua thể hiện đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp chúng ta chưa tốt, cần phải sớm chấm dứt”. 
Thực trạng này đã được phản ánh trực tiếp đến Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc mới đây ở Cần Thơ trong bối cảnh sản phẩm nông - thủy sản nhìn chung đều bí đầu ra, tồn đọng nhiều, gây khó khăn cho hàng triệu hộ nông dân. 
Cung cách làm ăn như thế thì chính doanh nghiệp đã gây hại cho người nông dân… Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Lúa gạo, thủy sản là 2 mặt hàng chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long, tác động lớn đến đất nước. Vì thế, làm thế nào cũng phải theo nguyên tắc thị trường, quy định của các tổ chức quốc tế mà ta đã tham gia. Không để tự do, bừa bãi, cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay được. Về lâu dài phải tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với cung - cầu thị trường. Quy hoạch phải theo vùng và liên kết vùng; liên kết giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp và người dân…”.
Dư luận Đồng bằng sông Cửu Long vẫn xôn xao chuyện một đại gia thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản thuộc loại lớn nhất nhì tỉnh Sóc Trăng bỏ trốn sang Mỹ vì vỡ nợ 1.800 tỷ đồng. Trước khi bỏ trốn, vị đại gia này “mạnh dạn” được vay thêm ngân hàng 42 tỷ để trả hết tiền cá còn nợ nông dân. Hành vi này được người dân đồng bằng cho rằng “hảo hán” hơn những đại gia khác, bởi dù ông ta đi trốn nhưng còn chút “tình thương mến thương” với bà con nông dân. Nhiều đại gia khác đi xe hàng hiệu, sống vương giả trong những biệt thự sang trọng được xây bằng chính mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của những người “một nắng hai sương”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Đọc thêm