“Doanh nghiệp phải xích lại gần báo chí hơn”

(PLO) - Nếu doanh nghiệp (DN) xa rời báo chí thì cho dù DN có thông tin tốt (nhà báo không tiếp cận được) cũng không thể được tuyên truyền. Mặt khác, nhà báo không tiếp cận được thông tin chính thống từ DN nhưng sẽ có nhiều nguồn tin khác nhau về DN nên có thể sẽ có những tuyên truyền không chuẩn xác, gây ảnh hưởng không tốt tới DN.
Doanh nghiệp cần phải minh bạch thông tin để tự bảo vệ mình. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp cần phải minh bạch thông tin để tự bảo vệ mình. (Ảnh minh họa)

Công bằng trong thông tin

Khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong việc giúp DN tạo dựng thương hiệu, Chủ tịch HĐQT Traphaco, bà Vũ Thị Thuận tỏ ra băn khoăn khi hiện nay đang có tình trạng báo chí nói về mảng sáng của DN ít hơn về mảng tối.

Lý giải vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Cty Dược Ích Nhân, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng, trong thực tế, tốc độ các tin xấu trên báo chí lan truyền nhanh hơn rất nhiều so với tin tốt. “Do đó, tôi nghĩ rằng, một bài báo xấu có thể làm một DN phá sản nhưng phải rất nhiều bài báo sắc bén mới vực dậy một DN…”- ông Nghĩa phát biểu.Theo doanh nhân này, các nhà báo, các tờ báo cần phải xem xét và viết bài phản ánh hoạt động DN làm sao được tốt nhất, góp phần hỗ trợ và phản ánh đúng thực trạng DN.

“Một bài báo đưa ra có sức ảnh hưởng rất lớn tới xã hội. Vì vậy, báo chí phải thể hiện được 2 mặt. Với những mảng tối, báo chí phải phanh phui phản ánh một cách chân thực để xã hội biết và tránh. Nhưng đối với những mảng sáng, phải được đề cao, tôn vinh…” - ông Nguyễn Văn Thành – Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Thạch rau câu Long Hải đề nghị.

Ông Thành cho rằng, bên cạnh việc DN hỗ trợ cung cấp thông tin cho báo chí thì báo chí cũng phải phản ánh những thông tin một cách chân thực, đầy đủ không bịa đặt. “Hiện nay, không thể không nói rằng có những hiện tượng báo chí phản ánh chưa chuẩn về hoạt động của DN do đó việc phản ánh chân thực những hoạt động của DN góp phần cho DN phát triển trong bối cảnh hội nhập hiện nay…”- Ông Thành phát biểu.

 Là tác giả đoạt giải Nhì Cuộc thi Báo chí viết về DN - doanh nhân lần thứ 3 do Báo Diễn đàn DN tổ chức, phóng viên Nguyễn Thiêm – Phó Trưởng ban Kinh tế – Văn hóa Xã hội, Báo Công an Nhân dân cho rằng nhận xét báo chí nói về mảng sáng của DN ít hơn về mảng tối là chưa chính xác.

Ông Thiêm cũng cho rằng bên cạnh những bài về mảng sáng của DN thì cần có cả bài viết về mảng tối của DN. Đơn cử như sau cơn trầm lắng của bất động sản vừa rồi, những bài viết về mảng tối đã giúp “lộ diện” những doanh nhân thực sự có tiền hay là kinh doanh trên tiền vay ngân hàng.

Ông Thiêm cũng chia sẻ: “Khi tiếp cận với DN, nhà báo chúng tôi cũng muốn xây dựng được những nhân vật điển hình, nhưng DN dường như là có “kháng sinh” với báo chí, nên có thực tế là DN đang né tránh báo chí…”.

Doanh nghiệp: Cần cởi mở và minh bạch thông tin

Là người chuyên tư vấn truyền thông cho các DN và xây dựng mối quan hệ với báo chí, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Bros cho rằng, quan hệ DN với báo chí hiện nay là mối quan hệ kỳ cục và phức tạp. Nó vừa là quan hệ cần đến nhau và phản biện với nhau; lại vừa là quan hệ cộng sinh vừa là tranh đấu.

 “Với những nhà báo chân chính lại muốn tạo cho mình hàng rào ngăn cách với DN vì sợ mang tiếng bị DN chi phối, trong khi đó DN sợ báo chí phản ánh không tốt với DN mình. Khi tôi đi tư vấn cho DN thì nhiều DN muốn tránh báo chí. Ngược lại, có rất nhiều đối tượng DN bị oan sai, hoặc bị đưa thông tin không chính xác…”- ông Vinh cho biết.

Theo ông trùm truyền thông này, bên cạnh một bộ phận nhà báo nghiệp vụ báo chí chưa được tốt thì cũng không loại trừ có một bộ phận nhà báo tâm chưa thực sự vì nghề, đã truyền thông không tốt ảnh hưởng tới DN.

“Hiện trạng hiện nay cho thấy sự không minh bạch trong mối quan hệ này đã tạo ra sự hỗn độn, hiểu lầm trong các bài viết. Thêm vào đó, có nhiều nhà báo hiện nay còn chia sẻ những thông tin cho nhau mà nhiều khi sự kiểm chứng rất hời hợt đã tạo nên sự phát tán thông tin của DN và nếu thông tin tốt thì không sao nhưng là thông tin xấu thì lại ảnh hưởng rất lớn cho DN…”- ông Vinh phát biểu.

Uỷ viên Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà báo  Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo, ông Nguyễn Thành Lợi  cũng thừa nhận một thực tế đã và đang có một bộ phận nhà báo vì lý do “cơm áo gạo tiền” hay “lương bổng” chưa đủ… đã phải tìm mọi cách kiếm thêm thu nhập khác. Và, một trong những cách “làm thêm” của họ đó là đến các DN có vấn đề, gây sức ép, thậm chí có thể đưa ra những yêu cầu bắt buộc như xin tài trợ, quảng cáo… “Thực tế đó đã và đang xảy ra ở một số ít nhà báo. Với DN, quan trọng họ ứng xử thế nào để dung hòa mối quan hệ này…”- ông Lợi đạt vấn đề.

Theo ông, để tự bảo vệ mình, DN cần phải xích lại gần hơn với báo chí. Nếu DN xa rời báo chí thì cho dù DN có thông tin tốt (nhà báo không tiếp cận được) cũng không thể được tuyên truyền. Mặt khác, nhà báo không tiếp cận được thông tin chính thống từ DN nhưng sẽ có nhiều nguồn tin khác nhau về DN nên có thể sẽ có những tuyên truyền không chuẩn xác, gây ảnh hưởng không tốt tới DN.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Bros, ông Lê Quốc Vinh  cũng cho rằng  bản thân  các DN cũng cần đề cao đạo đức trong chiến lược phát triển của mình thì sẽ tránh được những rủi ro về truyền thông. Theo ông, các DN cần có chiến lược minh bạch thông tin bởi thực tế cho thấy những sự hiểu lầm khủng hoảng truyền thông đều xuất phát từ sự thiếu thốn thông tin.

“Nếu DN minh bạch thông tin tốt, báo chí tiếp cận thông tin chỉ để tìm hiểu chứ không phải bới móc, tìm tòi, gây hiểu nhầm, hiểu sai về thông tin DN. Do đó, DN nên minh bạch thông tin trên những trang thông tin sẵn có của mình. Tất nhiên, bên cạnh đó chúng ta cần xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử của cả DN và báo chí…”- ông Vinh đề xuất.

Trước những nghi ngại của DN về minh bạch thông tin, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, cũng phải rất thông cảm với các DN bởi trong môi trường kinh doanh, việc không có đối thủ là rất khó nhưng khi chúng ta ở thế chủ động sẽ có bệ đỡ, khi đã minh bạch, có “vòng ánh sáng” rõ như vậy rồi thì những “con dơi” kiếm ăn sẽ không còn nữa. Ông cũng khuyên các DN hãy tích cực tìm đến những tờ báo chân chính bắt tay cùng với họ.

“DN phải lên kế hoạch truyền thông, cái gì được công khai, cái gì không? Chúng tôi hướng tới sự minh bạch và điều đó đã mang lại lợi ích cho DN. Đối với nhà báo chúng tôi luôn cởi mở và phân người chịu trách nhiệm trả lời báo chí và báo chí ủng hộ chúng tôi rất nhiều…”- bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco chia sẻ.

Đọc thêm