Doanh nhân Châu Á và hành trình mang 'vương quốc hang động' Quảng Bình ra thế giới

(PLO) - Vài năm trở lại đây, nhắc đến du lịch khám phá hang động ở Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung, người ta nhớ đến Tổng Giám đốc Nguyễn Châu Á và Cty TNHH MTV Oxalis (Chua Me Đất) - đơn vị lữ hành quốc tế khai thác tour khám phá hang động có quy mô, chuyên nghiệp và thành công nhất Việt Nam hiện nay.
Nguyễn Châu Á (trái) ân cần thăm hỏi Đại sứ Ý Cecilia Piccioni khi đoàn đại sứ đến Quảng Bình chinh phục Sơn Đoòng. Ảnh: T.N.Phong
Nguyễn Châu Á (trái) ân cần thăm hỏi Đại sứ Ý Cecilia Piccioni khi đoàn đại sứ đến Quảng Bình chinh phục Sơn Đoòng. Ảnh: T.N.Phong

Đứa con làng Phong Nha trở về

Sinh ra và lớn lên ở làng Phong Nha, một ngôi làng nghèo bên dòng sông Son, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Châu Á cho biết: “Nửa đầu những năm 1980 và nhiều năm sau, làng nhỏ Phong Nha luôn đối phó với nạn đói, lũ lụt và bệnh sốt rét. Rồi cả bom đạn sau chiến tranh sót lại gây thương tật...

Đến những năm đầu 1990, giao thông kết nối giữa TP Đồng Hới bây giờ và Phong Nha tuy chỉ dài 50 cây số nhưng phải mất gần cả ngày để đi vì đường sá quá khó khăn. Không những thế, mỗi tuần duy nhất có vài chuyến xe đò, trường cấp 3 gần Phong Nha nhất cũng phải đi bộ đến 15 cây số. Tôi quyết định vào TP Hồ Chí Minh học tập và quay lại Phong Nha vào năm 1995”, Châu Á nhớ lại.

Cũng thời gian này, động Phong Nha mở cửa cho khách tham quan và anh chính là một trong những người đầu tiên tham gia đưa khách vào Phong Nha.

“Năm 2010, tôi tình cờ gặp lại anh Hoàng Hải Vân (nay là Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - PV) và anh ấy nói, hãy về Phong Nha làm du lịch, cơ hội đến rồi! Cũng tháng 10 năm đó, Phong Nha hứng chịu cơn đại hồng thủy lịch sử. Người dân gần như mất sạch hết của cải, tiền bạc vì không nghĩ lũ lớn đến vậy. Tôi cũng về ứng cứu và khi ngồi trên nóc nhà nhìn cảnh tượng quê hương chìm trong lũ dữ, mất mát đau thương chất chồng, tôi đau đáu một câu hỏi:

Vì sao Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới với hệ thống hang động tuyệt đẹp mà cái nghèo cứ bám riết lấy người dân? Quyết tâm phải làm gì đó cho quê lại thôi thúc tôi hơn bao giờ hết...” - Châu Á tâm niệm.

Lúc này, Châu Á đang là Giám đốc điều hành OneStep Vietnam - công ty chuyên về kiểm toán xã hội và phát triển bền vững ở Việt Nam và Đông Nam Á. Anh quyết định tạm bàn giao công việc ở Sài Gòn cho đồng sự để trở về Phong Nha với mong muốn người dân quê hương sớm chia tay với nghèo khó, có công ăn việc làm bền vững. Chỉ 1 tháng sau chuyến khảo sát đầu tiên vào hang Én thì Oxalis ra đời chỉ với 3 nhân sự (bao gồm cả giám đốc) vào tháng 7/2011.

Oxalis có nghĩa là “chua me đất” - một loại rau mọc tự nhiên ở Phong Nha được người dân dùng để nấu canh chua. Kể ra để biết, Châu Á nặng lòng với quê hương xứ sở, nơi chôn nhau cắt rốn đến thế nào.

Người con của Phong Nha này đã mạnh dạn chọn loại hình du lịch mạo hiểm là sản phẩm chính để phát triển vì đây là tiềm năng lớn chưa được khai thác tại Quảng Bình và hơn nữa, loại hình này thì có thể sử dụng lao động địa phương và khách sẽ lưu trú dài ngày. Lúc ấy, chưa có khái niệm loại hình tour này rõ ràng nên Oxalis gặp nhiều khó khăn, kể cả tổ chức đến hậu cần và nhiều thứ khác... Tour đầu tiên vào hang Én 2 ngày 1 đêm thành công, mở đầu cho hành trình làm nên thương hiệu Oxalis và “vương quốc hang động” Quảng Bình nức tiếng khắp 5 châu.

Đưa những hang động tráng lệ, kỳ vĩ ra thế giới 

Quảng Bình được mệnh danh là “vương quốc hang động” với hơn 200 hang động đã được khảo sát với chiều dài 200km sẵn sàng làm say đắm những ai muốn khám phá những giá trị địa chất, địa mạo kỳ vĩ, tráng lệ nơi đây… Nổi bật nhất là hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới.

Nói đến Sơn Đoòng, hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Hồ Khanh và Howard Limbert - những người khám phá ra hang động này. Nhưng không hẳn nhiều người biết, trong hành trình đưa Sơn Đoòng ra thế giới còn có sự góp sức thầm lặng, bền bỉ và lớn lao của người đàn ông mang tên Nguyễn Châu Á.

Gần 16 năm qua, người đàn ông này đã từng làm việc cho nhiều đơn vị, công ty, từ hướng dẫn viên du lịch đến kiểm toán viên cao cấp tại Pricewaterhouse Coopers (PwC), rồi chuyên viên CSR cho Nike Inc., Việt Nam và cả giám đốc điều hành. Những kiến thức, kỹ năng tích lũy sau nhiều năm làm việc và du lịch vòng quanh thế giới đã được Châu Á vận dụng tốt vào các sản phẩm của Oxalis, để du khách luôn có được những trải nghiệm ấn tượng nhất. Kiến thức tiếng Anh và kỹ năng sử dụng thành thạo, khiến Châu Á được xem là một trong những người nói tiếng Anh hay và duyên nhất trong giới làm du lịch.

Năm 2012, với sự giúp đỡ của Sở VH-TT&DL Quảng Bình, Oxalis tiếp tục khảo sát hệ thống hang động Tú Làn, thuộc địa phận xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa - khu hang động mới cách Phong Nha khoảng 70km. Lúc này nhân sự của công ty này đã lên 7 người. Tour lớn nhất vào năm đó là Big Game - một công ty điện thoại từ Nga với 73 khách. Chỉ 1 năm sau đó, nhân sự đã là 35 người và gần 50 người địa phương là những porter (người khuân vác, vận chuyển hậu cần phục vụ du khách suốt thời gian trong hang động - PV).

Sự kiện lớn đã diễn ra trong lòng hang Én vào năm 2014. Hãng phim Wanner Bros đã thực hiện thành công những cảnh quay tuyệt đẹp và ấn tượng trong bộ phim “bom tấn” Perter Pan mà việc hỗ trợ gần như được thực hiện hoàn toàn từ nguồn nhân sự của Oxalis. Một sự kiện gây ấn tượng mạnh mẽ hơn nữa đối với thế giới là vào chiều tối 13/5/2015. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp vượt rừng nhiệt đới Phong Nha vào hang Sơn Đoòng và giới thiệu trên chương trình truyền hình trực tiếp Chào buổi sáng (Good Morning America) của Hãng ABC (Mỹ). 

Từ đầu năm 2016 đến nay, dưới sự điều hành trực tiếp của Châu Á, Oxalis đã hoàn thành xuất sắc sự kiện lớn là thực hiện hậu cần và bối cảnh hang động ở Tú Làn cho bộ phim “bom tấn” Kong: Skull Island (King Kong) và tổ chức thành công mỹ mãn cho đoàn thám hiểm đặc biệt gồm đại sứ các nước và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chinh phục thành công hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Hiệu ứng quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch miễn phí từ điện ảnh và các chính trị gia sẽ mang lại kết quả lớn như thế nào? Điều này hẳn chẳng mấy ai nghi ngờ nữa.

ảnh đẹp tráng lệ trong lòng hang Tiên - tuyến khai thác khám phá mạo hiểm mới của Oxalis. Ảnh: Oxalis cung cấp
ảnh đẹp tráng lệ trong lòng hang Tiên - tuyến khai thác khám phá mạo hiểm mới của Oxalis. Ảnh: Oxalis cung cấp

Oxalis - cầu nối “trả nợ” rừng xanh

Khi vợ chồng ông Howard Limbert - hai chuyên gia thám hiểm hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCA) quyết định ở lại Phong Nha từ tháng 11/2012 để giúp Oxalis về an toàn và đào tạo porter, ai cũng bất ngờ và nể phục khả năng của Tổng Giám đốc Nguyễn Châu Á. Bởi để BCA giúp đỡ trong việc khai thác du lịch mạo hiểm trong lòng hang động, mà nhất là Sơn Đoòng là điều không hề dễ dàng.

Anh bộc bạch: “Phải mất hai năm để chứng minh cho BCA rằng tôi muốn tạo việc làm cho dân địa phương và sẽ nỗ lực bảo tồn hang động ở trạng thái tốt nhất. Để chứng minh, tôi đã phải cung cấp cho họ cả phiếu trả tiền cho porter để họ kiểm tra có phải người dân địa phương hay không. Theo tôi, chính định hướng khai thác du lịch bảo tồn bền vững và sự chân thành của tôi đã thuyết phục được ý chí của họ”.

Người dân Phong Nha và các khu vực xung quanh vùng rừng núi Phong Nha - Kẻ Bàng từ bao đời vốn quen với tập quán đạp cội bám rừng, khai thác lâm sản để duy trì cuộc sống khiến phần nào đó công tác bảo vệ tài nguyên rừng gặp rất nhiều khó khăn. Cũng bởi vậy, với định hướng sử dụng nhân lực tại địa phương của Oxalis hướng đến việc bảo tồn rừng một cách gián tiếp từ lao động có nguồn thu nhập ổn định, giảm dần việc chặt cây hay săn bắn trái phép trong khuôn viên rừng.

“Hướng vậy nhưng không hề dễ dàng, bởi việc tìm người, đào tạo mất rất nhiều thời gian. Phía BCA thường xuyên giám sát các hướng dẫn điều hành bởi yêu cầu porter phải hội tụ đủ các yếu tố như: tiếng Anh, thói quen sống, cách tư duy, làm việc…”, anh cho biết. Ban đầu, chính Châu Á vừa làm giám đốc, vừa trực tiếp đào tạo họ.

Và bây giờ, Oxalis hội tụ đủ một nguồn nhân sự hùng mạnh, tươi trẻ, dồi dào năng lực và đầy nhiệt huyết với 127 nhân viên và 160 porter, 90% trong số đó đều là người địa phương. Từ việc mưu sinh bằng khai thác sản vật rừng thì nay “mỗi một porter khi hút thuốc hay ăn kẹo xong lập tức nhét vỏ và tàn thuốc ngay vào túi và ý thức bảo vệ rừng gần như tuyệt đối” - Châu Á khoe.

Tâm sự với chúng tôi, vị “thuyền trưởng” chèo lái “con tàu” Oxalis tiếp tục vươn ra biển cả ngành du lịch bộc bạch rằng, mong mỏi lớn nhất của anh là những con người địa phương sẽ tiếp tục có thu nhập ổn định để đảm bảo cho sự bảo tồn bền vững tài nguyên rừng và du lịch Quảng Bình sẽ là điểm đến hấp dẫn, phát triển mạnh, vươn xa hơn nữa...

Ít khách để bảo tồn và phát triển cộng đồng bền vững

Sự phát triển bền vững ở khía cạnh văn hóa - xã hội cũng được Nguyễn Châu Á tập trung thông qua các hoạt động của Quỹ Oxalis (Oxalis Foundation). Được thành lập từ năm 2014, Quỹ đã hoàn thành một số hoạt động bao gồm việc hỗ trợ tài chính cho dân bản địa tự làm kinh doanh, hỗ trợ kiến thức và tư vấn cho các doanh nghiệp địa phương, trao tặng học bổng, xây dựng các trường học, sửa chữa thư viện, hỗ trợ sách cho học sinh và nhiều hoạt động từ thiện khác...

Đọc thêm