"Được vạ thì má sưng" khi kiện Thanh tra Bộ Tài chính (kỳ 2)

(PLO) - Người xưa có câu “được vạ thì má đã sưng”, với Maseco thì điều này thấm thía hơn ai hết. Chừng ấy năm bị “gọi” là chừng ấy tháng ngày mệt mỏi, không chỉ mất thời gian, tiền bạc, còn mất uy tín với bạn hàng, cổ đông, mất cơ hội làm ăn. Cái giá này Thanh tra Bộ Tài chính đâu trả được. Cho nên nói doanh nghiệp (DN) thắng kiện, nhưng rồi suy cho cùng, cả hai phía đều thua.
"Được vạ thì má sưng" khi kiện Thanh tra Bộ Tài chính (kỳ 2)
Phiên tòa lịch sử
Sau khi nhận Quyết định 150/QĐ-TTr ngày 11/12/2012, Maseco lập tức làm đơn khiếu nại gửi đến Chánh Thanh tra Bộ Tài chính để khiếu nại hai nội dung: thứ nhất, qui trình thanh tra của Đoàn thanh tra vi phạm pháp luật, Quyết định 150 xử phạt công ty dựa vào qui trình này là không có cơ sở pháp lý; thứ hai, nội dung của Quyết định 150 cho rằng Maseco hết thời gian ưu đãi về thuế trong ưu đãi đầu tư là không đúng. 
Doanh nghiệp chứng minh như sau: Cty được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 4031/UB-CNN ngày 13/11/2001 theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sau này là Luật Đầu tư) do thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định 44 và Nghị định 64. Căn cứ vào Điểm 8 Thông tư 88/2004/TT-BTC, Điểm 5 Văn bản 11684 của Bộ Tài chính và Điểm 2 Phần I Thông tư 130/2008/TT-BTC thì Maseco được ưu đãi về thuế và thuế thu nhập DN phải nộp là 20%. 
Hơn nữa, theo Điểm 7 Phần I Thông tư 130 nói trên thì Maseco được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN cho đến hết năm 2011. Thời kỳ thanh tra theo Quyết định 106 nằm trong thời hiệu mà Maseco được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN ưu đãi, vậy không hiểu vì lý do gì mà Thanh tra ra Quyết định 150 truy thu hơn 7,1 tỷ đồng của Maseco? 
Ngày 24/12/2012, Maseco gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Bộ Tài chính để khiếu nại Quyết định 150. Ngày 30/1/2013 Chánh Thanh tra Nguyễn Kim Liên ký Quyết định 09/QĐ-TTr bác đơn khiếu nại của Maseco. Ngày 8/5/2013, Maseco khởi kiện Quyết định 150 của Thanh tra Bộ Tài chính ra Tòa án Hành chính  TAND TP.HCM. Vụ kiện được Tòa án thụ lý.
Đây là phiên tòa đầu tiên một DN dân doanh khởi kiện Thanh tra Bộ Tài chính nên thu hút dư luận. Đến dự khán có Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM Phạm Ngọc Hưng cùng đại diện các DN đang rơi vào hoàn cảnh tương tự như Maseco. Phiên tòa dự kiến khai mạc lúc 14 giờ ngày 7/3/2014 nhưng phải đợi  đại diện bị đơn -Trưởng đoàn Thanh tra  Đặng Ngọc Tuyến - đến 15 giờ 45 phút mới có thể tiến hành… vì máy bay đến muộn.
Trước tòa, ông Tuyến lý luận: Theo Giấy phép ưu đãi đầu tư thì Maseco chỉ được ưu đãi trong 6 năm (miễn 2 năm, giảm 4 năm) và như vậy ưu đãi của DN đến năm 2006 là hết. Tuy nhiên, lý lẽ này không thuyết phục được chủ tọa vì sau quy định miễn 2 năm, giảm 4 năm ông Tuyến không dẫn ra được điều khoản nào nói chấm dứt ưu đãi thuế.
Quyền lực nhà nước bị lạm dụng
Như đã đề cập trong số báo trước, không đồng tình với cách hành xử của Đoàn thanh tra, Maseco đã làm đơn khiếu nại lần đầu lên Chánh Thanh tra Bộ Tài chính. Nhưng điều bất thường là người trực tiếp giải quyết khiếu nại của Maseco tại trụ sở của Bộ này ở Hà Nội không ai khác chính là Trưởng đoàn Thanh tra Đặng Ngọc Tuyến! Người đang bị khiếu nại lại được giao giải quyết khiếu nại nên việc bác đơn của Maseco là chuyện đương nhiên.
Còn ngạc nhiên hơn khi Maseco khởi kiện Quyết định 150 ra Tòa Hành chính TAND TP.HCM, lập tức Phó Chánh Thanh tra Đặng Ngọc Tuyến liền ký Công văn 418/TTr (ngày 26/7/2013)  gửi Tòa, tuyên bố: “Thanh tra Bộ Tài chính truy thu thuế thu nhập DN tại Công ty Maseco là đúng với Nghị định 124/2008/NĐ-CP  và một số điều của Luật Thuế thu nhập DN. Đây là hành vi trốn thuế của Nhà nước, do vậy Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị TAND TP.HCM nghiên cứu chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM làm rõ hành vi gian lận trốn thuế đối với Công ty Maseco và các cá nhân liên quan”. Công văn này đồng gửi đến TANDTC  và VKSNDTC “để chỉ đạo” đồng thời gửi các cơ quan tố tụng địa phương “để phối hợp”. 
Cuộc chiến pháp lý xem ra được đẩy lên cao trào khi xuất hiện Công văn 418. Vậy là người bị kiện lại còn được trao quyền ký công văn “chỉ đạo” Tòa án chuyển hồ sơ người đi kiện mình cho Công an. Giới quan sát phát hiện: theo luật định, khi Đoàn thanh tra phát hiện đối tượng bị thanh tra có dấu hiệu  vi phạm hình sự thì sau 5 ngày phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra, tuy nhiên trong trường hợp này, ông Trưởng Đoàn thanh tra đã “ngâm tôm” vụ việc tới gần 8 tháng. Vậy, hoặc là thời gian qua ông đã bao che cho “đương sự”, hoặc nay ông cố tình vu vạ nhằm gây bất lợi cho nguyên đơn trước tòa?.
Một dấu hiệu khác về sự lạm quyền thể hiện qua việc ông xử lý số tiền hơn 7,1 tỷ mà Maseco đã  nộp vào tài khoản tạm giữ. Bất chấp DN đã tiến hành khiếu nại hành chính, rồi khởi kiện ra  Tòa và được Tòa thụ lý, hơn 7,1 tỷ đồng “nghi” trốn thuế vẫn được Đoàn thanh tra chuyển nộp vào tài khoản ngân sách nhà nước mà không cần bất cứ quyết định xử lý nào.
Ngày 11/3/2014, sau ròng rã mấy năm trời “họa vô đơn chí”, DN rồi cũng tìm được công lý. Hội đồng xét xử TAND TP.HCM tuyên án: Hủy Quyết định 150 của Thanh tra Bộ Tài chính, trả lại cho Maseco hơn 7,1 tỷ đồng. Người xưa có câu “được vạ thì má đã sưng”, với Maseco thì điều này thấm thía hơn ai hết. Chừng ấy năm bị “gọi” là chừng ấy tháng ngày mệt mỏi, không chỉ mất thời gian, tiền bạc, còn mất uy tín với bạn hàng, cổ đông, mất cơ hội làm ăn. Cái giá này Thanh tra Bộ Tài chính đâu trả được. Cho nên nói DN thắng kiện, nhưng rồi suy cho cùng, cả hai phía đều thua.

Đọc thêm