Interserco phân trần về cơ chế đặc thù cảng ICD Mỹ Đình: Có “Lobby” chính sách?

(PLO) - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế (Interserco) cho biết, trong quá trình xin cơ chế đặc thù cho cảng ICD Mỹ Đình đúng là có chuyện “ông” Hải Phòng muốn ôm hàng, ôm việc, còn “ông” Hà Nội thì dứt khoát muốn bằng mọi cách phải đưa được hàng hóa của các doanh nghiệp Hà Nội từ cảng Hải Phòng về Thủ đô làm thủ tục nhằm tăng thu ngân sách. 
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2014 cơ quan chức năng sẽ sơ kết 6 tháng việc cho thí điểm cảng ICD Mỹ Đình
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2014 cơ quan chức năng sẽ sơ kết 6 tháng việc cho thí điểm cảng ICD Mỹ Đình
“Chúng tôi chỉ là “cửu vạn”
Như PLVN đã thông tin, Bộ Tài chính đã xin Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm cơ chế chuyển cửa khẩu đối với hàng tiêu dùng tại cảng ICD Mỹ Đình từ tháng 6/2014 đến hết 31/12/2016. Lần đầu tiên cảng nội địa này được cho phép hưởng một số đặc quyền xuất nhập khẩu bình đẳng như các cảng quốc tế đã dấy lên nghi ngại cơ quan chức năng có kiểm soát được việc lợi dụng chính sách ưu đãi để gian lận thương mại và có thực sự cần cơ chế đặc thù cho Cảng ICD Mỹ Đình?
Ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Interserco trấn an rằng, việc lợi dụng chính sách để gian lận thương mại sẽ khó xảy ra bởi việc vận chuyển hàng hóa khi chuyển cửa khẩu đang được cơ quan hải quan quản lý thông qua hệ thống điện tử rất chặt chẽ. 
Liên quan tới thông tin đưa nhóm hàng rượu và xe hơi về đây làm thủ tục là một trong những mục đích chính của việc xin thí điểm cơ chế đặc thù, ông Toàn thừa nhận hàng hóa tiêu dùng thông thường có sai lệch trong khai báo, thậm chí buôn lậu, nhất là rượu. Nhưng nhiệm vụ của Interserco là hàng ngày xem số liệu trên máy chạy bao nhiêu container, hàng gồm những gì ở các cửa khẩu, cước phí bao nhiêu, chi phí vận tải bốc xếp thế nào…, còn chất lượng hàng hóa ra sao là trách nhiệm của cơ quan khác. 
“Chức năng của chúng tôi như “cửu vạn” thôi, nhiệm vụ của Interserco là kiểm soát hành trình hàng đi, hàng đến, còn kiểm soát về chất lượng hàng hóa ra sao, có buôn lậu không là trách nhiệm của Hải quan, Quản lý thị trường” - ông Toàn nói.  
“Lobby” là chuyện thường?
Cơ quan này cho rằng, hiệu quả của cảng ICD Mỹ Đình có thể góp phần vào sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, lãnh đạo Interserco cho rằng, đề xuất cho cảng ICD Mỹ Đình được hưởng cơ chế đặc thù  đã làm Hải Phòng “không vui”. 
“Ông” Hải Phòng va chạm không chỉ Hà Nội mà va chạm khắp nơi. Cái gì “ông” cũng muốn giữ hết, ôm hết. Ngay cả khi có cơ chế đặc thù, số hàng về cảng ICD Mỹ Đình là rất nhỏ nếu so với số hàng của DN Hà Nội nằm ở cảng Hải Phòng. Vì sao họ lại làm vậy? Tôi nghĩ họ muốn giữ hàng, giữ việc dù biết như vậy là “bội thực”, nhưng suy cho cùng cũng vì lợi ích cuộc sống. Chúng tôi chỉ mơ được 5 - 10%  số lượng hàng hóa của Hà Nội nằm ở cảng Hải Phòng về đây đã là phúc lắm rồi” - ông Toàn nói. 
Liên quan tới quy định rượu và xe hơi chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế chứ không phải cửa khẩu nội địa trong Nghị định 154 ngày 15/12/2005 và Nghị định 94 ngày 12/11/2012 của Chính phủ, ông Toàn thừa nhận quy định hiện hành đúng là có hạn chế đối với hoạt động của cảng ICD Mỹ Đình nhưng cơ quan nào có thẩm quyền ban hành thì cơ quan đó có thẩm quyền sửa đổi. 
“Để hạn chế việc buôn lậu Hải Phòng mạnh, cố giữ nên mới ra đời một điều trong Nghị định 154. Việc “loppy” chính sách cũng là chuyện bình thường, chẳng qua cũng chỉ liên quan tới công ăn việc làm, số thu ngân sách của địa phương đó thôi” - lãnh đạo Interserco không ngại ngần bày tỏ.   
Cũng theo ông Toàn, trong câu chuyện xin cơ chế đặc thù cho cảng ICD Mỹ Đình có chuyện “ông” Hải Phòng muốn ôm hàng, ôm việc, “ông” Hà Nội thì dứt khoát muốn bằng mọi cách phải đưa hàng về Thủ đô để tăng thu ngân sách. Còn việc sai trái thế nào thì các cơ quan pháp luật căn cứ vào từng vấn đề để xử lý.

Đọc thêm