Khi các tỷ phú chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp

(PLO) - Sau cú “bẻ lái” quyết đoán của “bầu” Đức chuyển dòng tiền từ bất động sản sang nông nghiệp, ngày càng có nhiều tỷ phú khác tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, mới nhất là trường hợp của “bầu” Long.
Ngày càng nhiều “đại gia” quan tâm vào nông nghiệp
Ngày càng nhiều “đại gia” quan tâm vào nông nghiệp
Xu hướng kinh doanh… mới
Ngày 9/3, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ra mắt Cty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát, công ty con 100% vốn của Tập đoàn này. Ông Trần Tuấn Dương là người đại diện quản lý vốn của Hòa Phát tại công ty con. Ông Nguyễn Việt Thắng giữ chức Giám đốc.
Nhà máy Sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên của Tập đoàn được đặt tại Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) với công suất 300.000 tấn/năm, dự kiến vào đầu năm 2016 sẽ chính thức đi vào hoạt động và phấn đấu đạt doanh thu khoảng 3.000 tỉ đồng trong vòng 3 năm tới. Sau nhà máy đầu tiên, dự kiến sẽ có chuỗi các nhà máy tiếp theo ra đời trên quy mô lớn.
Ngoài sản xuất thức ăn chăn nuôi, thành viên mới của Hòa Phát còn đăng ký các ngành nghề từ chăn nuôi lợn, gia cầm, hoạt động dịch vụ chăn nuôi, chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt… đến sản xuất phân bón và hợp chất ni-tơ, bán buôn máy  móc, thiết bị và phụ tùng máy nông nghiệp.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát được dẫn lời cho rằng, áp lực cạnh tranh trong ngành sản xuất, phân phối thức ăn chăn nuôi “thậm chí lớn hơn ngành thép”, song với kinh nghiệm hơn 20 năm kinh doanh trên thương trường và với tiềm lực tài chính được tích lũy chắc chắn, ông này tin rằng sẽ thành công.
Như vậy, sau khi rất nhiều “đại gia” đầu tư vào nông nghiệp, đến nay Hòa Phát cũng chính thức bước vào lĩnh vực này. Nhưng quyết định của ông chủ giàu nhất ngành thép định vị rõ nét hơn xu hướng kinh doanh mới. Nói là mới như vậy thì cũng không chính xác vì tự bao đời nay Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp, phát triển trên nền tảng một nền văn minh lúa nước.
Nhưng nói vậy cũng không sai, vì sau rất nhiều làn sóng đầu tư, từ bất động sản đến tài chính, ngân hàng, thì gần đây người ta mới chứng kiến nhiều “tay to” rót vốn vào nông nghiệp đến vậy.
“Dĩ nông vi bản”
Trước khi Hòa Phát công bố tham gia đầu tư vào nông nghiệp, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC) cũng vừa chào mua công khai cổ phiếu SSC của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam - Công ty liên kết của NSC. 
Hiện đang nắm giữ gần 6 triệu cổ phần SSC (40,16% vốn điều lệ), NSC đăng ký chào mua công khai 3,2 triệu cổ phần công ty này nằm mục đích nâng tỷ lệ sở hữu lên 61,4%. Với mức giá chào mua 59.000 đồng/cổ phiếu, NSC chi khoảng 189 tỷ đồng để thực hiện thương vụ này. 
Điều không nhiều người biết là bản thân đơn vị đang đi thâu tóm này cũng lại chính là đối tượng vừa bị một “đại gia” thâu tóm. Đó là PAN Pacific – Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình, do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch HĐQT. Ông Hưng không ai khác chính là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) - công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam. 
Trong năm ngoái, PAN đã mua lại cổ phần NSC và biến công ty này thành công ty con. Mới nhất, hôm 10/2, PAN đã mua thêm 183.000 cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu tại NSC lên 57,86%. 
Không chỉ hai ông chủ thành đạt nhất của ngành thép và ngành chứng khoán chuyển hướng “tham chiến” vào nông nghiệp, trong dịp đầu năm mới một nguồn tin của chúng tôi còn tiết lộ, tỷ phú đô la Việt Nam cũng đã âm thầm mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực này và có thể sẽ sớm công bố một dự án chăn nuôi bò trong thời gian tới.
Từ xa xưa cha ông ta đã có câu “dĩ nông vi bản”. Thực tế cạnh tranh khốc liệt trên thương trường có lẽ ngày càng minh định triết lý này. Thời gian qua doanh nghiệp Việt Nam đã chứng kiến không biết bao nhiêu giấc mơ tan vỡ, rõ nét nhất như ngành công nghiệp “mũi nhọn” sản xuất ô tô.
Cuộc chạy đua công nghệ trước những nền kinh tế hùng mạnh trong thời hội nhập toàn cầu quả là không cân sức. Trong ngành dịch vụ, những “nghĩa địa” bất động sản hay cuộc “tháo chạy” của nhân lực trình độ cao trong ngành ngân hàng cũng có thể là những ví dụ. 
Trong bối cảnh như vậy, đầu tư vào nông nghiệp có thể coi như cuộc trở về, đánh thức những tiềm năng của đất nước mà không phải quốc gia nào cũng sẵn có, như nhận định xác đáng của GS Nguyễn Ngọc Bích: “Cách sản xuất đắp dần (3-D printing) không tạo ra được một hạt gạo. Robot cộng sự (collaborative robot) không nhặt được một hạt thóc ra khỏi rổ. Cho nên, doanh nghiệp của chúng ta còn mảng nông sản rộng mênh mông và không bị cạnh tranh bởi công nghệ mới. Vậy chúng ta nên đi vào khu vực sản xuất nông sản.
Việc tái cơ cấu nền kinh tế nên chuyển theo hướng này. Sản xuất công nghiệp mà không mở rộng được thì doanh nghiệp sẽ bị mua bán theo kiểu “anh làm không được thì để tôi”. Nhưng sản xuất nông sản thì khó lòng bị ai sáp nhập vì có “hậu phương” là nông dân”./.

Đọc thêm