Khi cổ đông nhà nước bỏ mặc nhà đầu tư

(PLO) - Nhìn lại quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước, có thể nói là hiếm có trường hợp nào cổ đông nhà nước lại “hóa thân” thành lực cản, gây khó cho doanh nghiệp nhiều như trường hợp tại Công ty cổ phần Thiết bị Giáo dục 1 (Cty CP TBGD 1). 
Đây không chỉ đơn thuần là những khác biệt phát sinh trong quá trình kinh doanh hậu CPH, mà từ ngay khâu CPH, khi những thông tin ban đầu được đưa ra để mời gọi nhà đầu tư bỏ vốn thì đã có nhiều nội dung không minh bạch. Xin được nhắc lại đôi chút về tiến trình CPH ở doanh nghiệp này - một tiến trình nói không quá lời rằng đúng là có một không hai. 
Sau 6 năm CPH, Cty CP TBGD 1 thua lỗ khoảng 40 tỷ đồng
Sau 6 năm CPH, Cty CP TBGD 1 thua lỗ
khoảng 40 tỷ đồng 
Năm 2007, Cty Thiết bị giáo dục 1 thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo tiến hành CPH. Đây lẽ ra là một công việc bình thường khi thực hiện theo đúng chủ trương của Nhà nước và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngay từ bước khởi đầu này đã nảy sinh một vấn đề không ai ngờ tới, đó là doanh nghiệp nhà nước triển khai CPH mà lại bỏ qua khâu quan trọng nhất, đó là thẩm định giá trị doanh nghiệp. 
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty giai đoạn 2007-2011) thì việc Ban Chỉ đạo CPH của Bộ Giáo dục và Đào tạo “bỏ qua việc thẩm định giá trị doanh nghiệp đã dẫn đến việc xác định giá trị doanh nghiệp để CPH sai, không phản ánh đúng thực trạng tài chính của công ty và gây ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến công ty”. Sai sót nghiêm trọng này, nói như một nhà đầu tư thì “chẳng khác gì lừa chúng tôi bỏ tiền mua một thứ không biết rẻ hay đắt”. 
Và chua chát là, những người bỏ tiền mua cổ phần ở công ty này đã không phải mất quá nhiều thời gian để nhận ra giá trị món hàng mình đầu tư là rẻ hay đắt. Sau 6 năm CPH thì công ty lỗ khoảng 40 tỷ đồng. Và quan trọng hơn, là từ năm 2011, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển phần đại diện quản lý vốn nhà nước về nhà xuất bản (NXB) Giáo dục thì tình hình ngày càng bê bối. 
Về hình thức thì NXB Giáo dục được giao đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại công ty. Tuy nhiên, có điều trớ trêu là do chưa xác định được giá trị tài sản ban đầu khi CPH cũng như chưa bàn giao được tài sản cho công ty cổ phần nên tính chính danh của cổ đông chi phối nắm giữ 51% chưa được thừa nhận. Điều này được thể hiện rõ rệt nhất qua đại hội cổ đông bất thành của công ty diễn ra vào tháng 5 năm nay. Tại đây, các cổ đông tư nhân đã đồng loạt đề nghị dừng đại hội vì không có căn cứ xác định NXB Giáo dục là đại diện nắm giữ 51% vốn công ty. 
Nhìn lại sự việc thì đây đúng là trường hợp hy hữu vì sau chừng ấy năm CPH, sau nhiều chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền nhưng tài sản nhà nước vẫn không được bàn giao đầy đủ sang công ty cổ phần. Mặt khác, đại diện phần chủ sở hữu vốn nhà nước lúc đầu là Bộ Giáo dục và Đào tạo và hiện tại là NXB Giáo dục dường như vẫn làm ngơ trước những đòi hỏi chính đáng của cổ đông. 
Bà Hoàng Thị Kim Loan - một cổ đông lớn của công ty cho biết, bà cùng nhiều cổ đông khác đã nhiều lần đề nghị NXB Giáo dục xử lý dứt điểm tình trạng này nhưng kết quả vẫn không có gì biến chuyển. Và nói như một cổ đông lớn khác thì hiện nay, NXB Giáo dục như đang lờ đi những sai sót trước đây, bỏ mặc những cổ đông ngoài nhà nước cứ loay hoay tìm kiếm lối thoát cho mình và công ty.
Tất nhiên, cái gì đến thì cũng sẽ phải đến, để đòi hỏi quyền và lợi ích chính đáng, mới đây bà Hoàng Thị Kim Loan đã khởi kiện vụ việc ra Tòa án TP.Hà Nội. Khi các bên không ngồi lại được với nhau tìm tiếng nói chung thì cơ quan tư pháp sẽ là phương thức giải quyết hữu hiệu nhất. Nhưng một lần nữa việc tìm kiếm một kết quả hợp pháp và thỏa đáng cho vụ việc này tiếp tục gặp khó khăn khi trong những buổi làm việc tại tòa, đại diện Cty CP TBGD 1 (hiện nay là nhân sự của NXB Giáo dục nắm quyền điều hành) cũng không tham dự.  
Trước thực tế này, nhiều nhà đầu tư mà chúng tôi tiếp xúc rất bất bình. Có người rất thẳng thắn khi cho rằng lúc đầu bỏ tiền mua cổ phần đã bị lừa, đến nay muốn giải quyết dứt điểm ở tòa cũng không được, như vậy phải chăng NXB Giáo dục đang tiếp tay cho việc lừa đảo cổ đông?.
Tất nhiên vụ việc cuối cùng rồi sẽ được minh định. Nhưng rõ ràng rằng, với những cổ đông nhà nước mà lại nắm cổ phần chi phối như ở trường hợp Cty CP TBGD 1 thì CPH không phải là nấc thang phát triển mà chỉ là khúc quanh dẫn đến sự thua lỗ và rất có thể là phá sản.

Đọc thêm