Khi doanh nghiệp “chia sẻ quyền làm chủ” với nông dân

(PLO) - Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), doanh nghiệp đầu tiên ở phía Nam quyết định bán cổ phần ưu đãi cho nông dân - trò chuyện đầu xuân xung quanh  chuyện “chia sẻ quyền làm chủ” với bà con trồng lúa.
Hình minh họa (internet)
Hình minh họa (internet)
- Thưa ông, vì mục đích nào AGPPS quyết định bán hơn 2,48 triệu cổ phần cho bà con nông dân?
- Là một công ty gắn bó với nông dân, nông nghiệp, triết lý kinh doanh của AGPPS là “Phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý và đạo lý”. Tôi tin rằng không có một chia sẻ nào ý nghĩa và có giá trị hơn việc chia sẻ quyền làm chủ. Thông qua việc mua cổ phiếu, bà con nông dân sẽ “hùn vốn” với Công ty để cùng kinh doanh và được chia lợi nhuận, đồng thời sẽ trở thành những người chủ sở hữu  thực sự của công ty. 
Không chỉ giúp bà con gia tăng thu nhập, tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, chương trình này còn đem lại cho người nông dân một vị thế đặc biệt mà từ trước đến nay họ chưa từng có được: trở thành người chủ sở hữu của một công ty lớn trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ và sản phẩm nông nghiệp. 
Đây cũng là tiền đề để chúng tôi tiếp tục phát hành cổ phiếu của các nhà máy trong các vùng nguyên liệu đang hợp tác với bà con nông dân trong những năm sắp tới. 
- Trong điều kiện kinh tế hiện nay, liệu có thể kỳ vọng bán hết số cổ phiếu này cho 6.000 nông dân dự kiến tham gia?
- Đây chính là những nông dân đang tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của AGPPS, bắt đầu từ chương trình “Cùng nông dân ra đồng” được triển khai từ năm 2006 đến nay. Tham gia chuỗi giá trị, việc sản xuất của bà con đạt năng suất và hiệu quả cao. 
Bên cạnh đó, nông dân cũng là người hiểu rõ và gắn bó mật thiết với Công ty trong nhiều năm nên rất ủng hộ các chủ trương, đường hướng của Công ty. Khi được mua với giá ưu đãi, sự hưởng ứng của bà con nông dân với chương trình này rất tích cực, thậm chí nhiều người còn muốn mua thêm nhiều hơn nữa. Có nhiều cổ phiếu hơn nữa để phát hành cho bà con thì tôi tin rằng cũng bán hết.
Tiền thân là đơn vị thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, AGPPS được thành lập năm 1993 và được cổ phần hóa vào tháng 9/2004, với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Tháng 9/2010, Công ty tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ đồng lên 310,5 tỷ đồng bằng phương thức phát hành riêng lẻ cho đối tác lớn và phát hành cho cán bộ, nhân viên. Đến tháng 10/2010, Công ty này tăng vốn điều lệ từ 310 tỷ đồng lên 621 tỷ đồng. AGPPS có tốc độ phát triển rất nhanh, cổ tức từ năm 2008 trở lại đây thường đạt 30%/năm trở lên. 
- Nhưng thị trường chứng khoán hiện khá ảm đạm, kế hoạch của AGPPS có tham vọng quá không, thưa ông?
- Chiến lược kinh doanh của AGPPS là “Cùng người nông dân phát triển bền vững”. Phát hành cổ phiếu giá ưu đãi cho nông dân là một bước đi nằm trong chiến lược dài hạn của công ty và đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài. 
Là công ty dẫn đầu trong ngành nông nghiệp hiện nay, hoạt động kinh doanh của chúng tôi tăng trưởng ổn định qua từng năm và nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư, tuy nhiên chúng tôi muốn dành sự ưu đãi và gắn bó cho người nông dân - những người sẽ đồng hành lâu dài với Công ty. 
- Thưa ông, ngoài tiền ra, nông dân có thể góp lúa, góp đất để mua cổ phiếu không?
- AGPPS đang xem xét nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ tối đa cho bà con nông dân có thể tham gia chương trình này.  
- Bà con sẽ được hưởng quyền lợi cổ đông như thế nào khi họ tham gia mua cổ phiếu?
- Bà con nông dân sẽ có đầy đủ quyền lợi như những cổ đông của Công ty, họ có quyền bầu cử, quyền ứng cử và quyền biểu quyết đối với mọi hoạt động và chiến lược phát triển của công ty. Đối với chúng tôi, nông dân là những cổ đông nhỏ nhưng chiến lược. Một khi đã trở thành cổ đông của Công ty, bà con nông dân sẽ có tiếng nói quan trọng  đối với các hoạt động của Công ty.
- Cơ chế quản lý số cổ phiếu sẽ như thế nào, nếu nông dân muốn bán cổ phiếu đã mua thì sao?
- Chúng tôi có bộ phận chuyên môn và lực lượng “Kỹ sư 3 cùng” luôn sẵn sàng bên cạnh để hỗ trợ nông dân bất cứ khi nào bà con cần. 
- Nếu có nhà đầu tư có thế mạnh về tài chính sẵn sàng mua lại tất cả cổ phần đã bán cho nông dân, ông có cân nhắc việc đó, thưa ông?
- Tôi muốn nhấn mạnh là kế hoạch phát hành cổ phiếu lần này của AGPPS không nhằm mục đích huy động vốn của các nhà đầu tư. Đây không đơn thuần là để thu hút tài chính mà là chiến lược hướng tới người nông dân. Tập thể lãnh đạo Công ty đã rất kiên trì để thuyết phục các nhà đầu tư ở đại hội cổ đông 2013. 
Như tôi đã nói từ đầu, đây là một chương trình dành sự ưu đãi cho nông dân với mong muốn gắn bó chiến lược, lâu dài với bà con. Ngay cả cán bộ công nhân viên của AGPPS cũng hy sinh quyền lợi để nhường lại phần ưu đãi này cho nông dân, điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn của Công ty trong việc mong muốn cùng nông dân làm chủ và thay đổi vị thế của người nông dân. 
- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm