Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh): Niềm tin trở lại với các nhà đầu tư

(PLO) - Sau sự cố môi trường biển tháng 4/2016, tình hình thu hút đầu tư vào có nhiều khó khăn. Sự cố môi trường đã tác động trực tiếp đến tâm lý của các nhà đầu tư đang và sẽ đầu tư, tiến độ triển khai thực hiện hầu hết các dự án chậm lại. Tuy nhiên với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự cầu thị của Công ty Formosa, sự đồng thuận của nhân dân và đặc biệt là nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ, xử lý kịp thời của Ban quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) Vũng Áng, đến nay tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đã ổn định, KKT Vũng Áng đang dần khởi sắc.
Tàu nước ngoài vào cảng Vũng Áng trong ngày khai trương xuân Mậu Tuất 2018
Tàu nước ngoài vào cảng Vũng Áng trong ngày khai trương xuân Mậu Tuất 2018

Một năm khó khăn

Hơn một năm từ khi sự cố môi trường diễn ra tháng 4/2016, tình hình thu hút đầu tư và tiến độ các dự án tại Hà Tĩnh thật ảm đạm. Nhiều khó khăn khác như công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp trình độ phát triển công nghiệp, còn nhiều vấn đề sai sót cần được chấn chỉnh, khắc phục; một số quy hoạch trong KKT đã bộc lộ sự bất cập so với hiện tại cần phải điều chỉnh; chưa có các dự án giải quyết nhiều việc làm cho lực lượng lao động phổ thông tại địa phương.

Dự án của Công ty Formosa đang là dự án FDI lớn nhất, có quy trình sản xuất phức tạp, sử dụng công nghệ cao và nằm ở vị trí chiến lược và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, đáng tiếc lại xảy ra sự cố môi trường biển.

Tập trung cao độ cho công tác xử lý sự cố môi trường 4/2016, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho nhân dân cũng như triển khai nhiều biện pháp chủ động nắm bắt tình hình để xử lý kịp thời các sự việc; tổ chức công khai các thông số giám sát, quan trắc môi trường tại Dự án trên các phương tiện truyền thông.

Các cấp ủy đảng, chính quyền…chỉ đạo quyết liệt đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ban, ngành Trung ương để đưa ra các giải pháp và triển khai thực hiện các biện pháp có hiệu quả nhất nhằm sớm ổn định tình hình; chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp hướng dẫn, đôn đốc, giám sát Công ty Formosa triển khai thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường đối với Chính phủ Việt Nam như: Khắc phục 53 lỗi vi phạm; Lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tài nguyên - Môi trường để theo dõi, giám sát; phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường để kiểm tra, giám sát Công ty Formosa trong việc xử lý, khắc phục các vấn đề về môi trường theo nội dung Công ty đã cam kết; Kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất, tiến độ thi công các hạng mục công trình bảo vệ môi trường của Dự án, tiến độ, lộ trình, kế hoạch thực hiện các cam kết với Chính phủ Việt Nam về công tác đảm bảo môi trường... Đến nay, các hạng mục công trình bảo vệ môi trường cải thiện, bổ sung của FHS đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Được sự chấp thuận của Chính phủ, ngày 29/5/2017, Công ty Formosa đã tiến hành chạy thử Lò cao số 1. Trong quá trình vận hành thử nghiệm có xảy ra lỗi kỹ thuật ở Lò vôi. Tuy nhiên, đến nay đều đã khắc phục xong và đưa vào vận hành ổn định. Đến tháng 7/2017, Lò cao số 1 của Công ty Formosa đã tạo ra 945 nghìn tấn sản phẩm, đến thời điểm này đã có 497.675 tấn gang lỏng và 431.820 tấn phôi, các sản phẩm thép cuộn, thép dây đã được xuất khẩu.

Sau khi Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh được cấp phép, triển khai xây dựng, đến nay đi vào hoạt động đã kéo theo nhiều dự án phụ trợ, dự án cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào dự án chế tạo sau thép vào đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Những tín hiệu vui

Nhìn lại bức tranh đầu tư tại Hà Tĩnh, trước năm 2010, trong các KKT, KCN chỉ mới có hơn 50 dự án đầu tư và gần 100 doanh nghiệp thì từ 2011 trở đi số dự án đầu tư vào KKT, KCN và doanh nghiệp ĐKKD hoạt động ngày càng tăng. Đặc biệt, KKT Vũng Áng có 118 dự án còn hiệu lực, gồm có 69 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 48.279,8 tỷ đồng và 49 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 11,6 tỷ USD) và hơn 800 doanh nghiệp ĐKKD hoạt động trên địa bàn. Hiện nay, các nhà đầu tư từ một số nước công nghiệp phát triển như CHLB Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã bắt đầu quan tâm, sang khảo sát, làm việc và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào KKT Vũng Áng.

Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động Hà Tĩnh, đặc biệt là lao động tại các địa phương có KKT, KCN cũng là một hiệu quả thiết thực của công tác đầu tư, phát triển. Tại KKT, KCN hiện có có hơn 12 nghìn lao động có việc làm ổn định, lâu dài trong các doanh nghiệp (số liệu đến hết tháng 6/2017), với thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng; ngoài ra còn một lực lượng lớn lao động địa phương làm việc thời vụ (thời điểm cao nhất có đến hơn 20 nghìn người).

Cùng với sự phát triển công nghiệp, dịch vụ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong mấy năm qua các địa phương KKT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lao động trong xã hội theo hướng tăng tỷ lệ lao động tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ lệ lao động tham giao trong lĩnh vực nông nghiệp; người dân đã thay đổi tư duy, nhận thức để dần dần trở thành những công nhân làm chủ máy móc, thiết bị công nghiệp, trở thành chủ các doanh nghiệp sản xuất-thương mại-dịch vụ.

Đặc biệt, trên thực tế với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Khu kinh tế Vũng Áng trở thành Khu kinh tế trọng điểm của cả nước và tạo tiền đề hình thành nên Thị xã Kỳ Anh đầy tiềm năng phát triển và đang từng bước phấn đấu trở thành đô thị loại III.

Với mục tiêu đưa vào khai thác các dự án đúng tiến độ đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.Tạo cơ chế, chính sách hút đầu tư được các sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt quan tâm lĩnh vực cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các lĩnh vực hỗ trợ ngành gia công sau thép, các ngành dịch vụ sửa chữa, cơ khí...  Trước tiên, cần xác định lại rõ lợi thế của KKT Vũng Áng và xây dựng danh mục các dự án phù hợp với sự phát triển của KKT để cho các nhà đầu tư tiếp cận. Đây là việc làm cần thiết, đảm bảo cho việc lựa chọn được nhà đầu tư có tiềm lực, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh
Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: để khắc phục tồn tại, hạn chế trong thu hút vốn FDI, cần triển khai một số nội dung sau:

"Ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng, coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở địa phương còn kém phát triển.ngoài việc coi trọng thu hút FDI từ các DN vừa và nhỏ thì cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế  lớn có uy tín, kinh nhiệm  để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đồng thời điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án FDI theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế - xã; kiên quyết không chọn dự án FDI thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.

Coi trọng chính sách kết nối DN FDI với DN trong nước để khắc phục nhược điểm tác động lan tỏa của DN FDI còn yếu kém. Để khắc phục tồn tại trên, cần có sự nỗ lực từ cả hai phía, đó là, các DN FDI cần có chủ động giúp DN nâng cao năng lực, đáp ứng đúng nhu cầu của mình và tìm ra mô hình hợp tác phù hợp với từng sản phẩm. Thay vào đó, cần lựa chọn và đầu tư giới hạn để hình thành một số ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần đề cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu UBND các tỉnh, thành và các sở, ban ngành khi lựa chọn dự án và nhà đầu tư trên căn bản lợi ích địa phương và tỉnh nhà.

Quyết tâm xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành đầu tàu kéo Hà Tĩnh từ một tỉnh nghèo vươn lên thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế trong cả nước. Điều đó trở thành hiện thực khi Hà Tĩnh luôn xác định tầm quan trọng và đầu tư nguồn lực cho sự phát triển của KKT Vũng Áng; nội tại năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng mà đặc biệt là Công ty Formosa, cũng đã đóng góp một phần quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh nhà trên các phương diện tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Tĩnh trong những năm qua."

Đón tín hiệu vui sau sự cố môi trường 4/2016, hi vọng KKT Vũng Áng một ngày không xa sẽ trở thành KTT trọng điểm của cả nước, tạo tiền đề để hình thành nên một thị xã Kỳ Anh tiềm năng và phát triển, từng bước phấn đấu trở thành đô thị loại III thời gian tới.

Đọc thêm