Làm kinh doanh, cần tri thức và cái tâm chứ không phải là bằng cấp

(PLO) - “Gia tài bằng cấp” của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Thiết bị phụ tùng cơ điện Hải Phòng chỉ là tấm bằng cấp 3 nhưng ông vẫn miệt mài kinh doanh và đem những đồng lợi nhuận không lớn của mình đi giúp đỡ người nghèo, người khó. Với ông, bằng cấp cũng quan trọng nhưng người làm kinh doanh cần tri thức và một cái tâm tốt hơn vì đó mới thực sự là sức mạnh để tạo nên sự phát triển bền vững.
Bà Mây hạnh phúc trong căn nhà mới (ông Thành ngoài cùng bên phải)
Bà Mây hạnh phúc trong căn nhà mới (ông Thành ngoài cùng bên phải)

Vốn kinh doanh là chữ thiện

Những ngày đầu khó khăn của thập niên 70, tài sản để đi “kiếm cơm” của ông Nguyễn Văn Thành chỉ là chiếc xe đạp khung dựng đã cũ từ người cha làm công nhân gửi gắm lại. Xuất phát từ vị trí “thấp nhất” trong doanh nghiệp, ông đảm nhiệm vai trò làm bảo vệ. Bản tính thật thà lại chăm chỉ nên dần dần ông được “cất nhắc” lên làm phụ xe, rồi lái xe cho cơ quan.

“Có lần, tôi đang chở hàng cho công ty từ Hải Phòng lên Hà Nội thì gặp một nam thanh niên bị tai nạn giao thông khá nặng trên quốc lộ 5. Trời khuya, tối đen như mực, dọc đường chỉ thấy xe tải chạy hối hả mà chả ai mảy may để ý đến cậu này. Dù giờ giao hàng đã sát nút, nhưng tôi quyết quay đầu xe từ quốc lộ 5 để chở cậu ấy về Bệnh viện Việt Tiệp cấp cứu. Lần ấy, tôi bị công ty phạt vì trễ giờ giao hàng nhưng lòng vô cùng thanh thản, ông Thành kể lại những ngày đầu lập nghiệp của mình. Đó không phải là lần cuối cùng ông làm trễ giờ giao hàng vì cứu người gặp tai nạn, nhưng đơn vị không trách phạt ông nữa bởi “tính thương người đã ngấm vào máu thịt của ông, khó bề thay đổi”. 

Khoảng đến năm 1986, khi chế độ bao cấp bắt đầu được xóa bỏ cũng là lúc Công ty Thiết bị phụ tùng cơ điện (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trở nên rệu rã. Tại chi nhánh Hải Phòng, từ thời “hoàng kim” với 70 người lao động, nay doanh nghiệp “tinh giản” số nhân công xuống còn không nổi 10 người. Khi đó, cơ quan chỉ còn lại là những bức tường và một khoản nợ chưa biết “bấu víu” vào đâu để hoàn trả. 

Được công ty “mẹ” giao trọng trách Giám đốc chi nhánh, ông đã biến khu đất hoang đầy cỏ mọc của đơn vị thành kho bãi đỗ xe ô tô và bắt tay vào dịch vụ vận tải cho các doanh nghiệp khác. Trải qua thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” ấy, dần dần người lao động có công ăn việc làm. 

Nhắc đến ông Nguyễn Văn Thành, giới doanh nhân tại Hải Phòng cũng khó mà nhớ hết các chức danh mà ông đảm nhận, những chức danh mà nghe qua đã thấy rõ vai trò “người vác tù và hàng tổng”, như: Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân quận Hồng Bàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội văn hóa doanh nhân Hải Phòng, Chủ tịch chi hội Doanh nhân – Doanh nghiệp thuộc Liên hiệp phát triển nguồn nhân lực nhân tài TP, Chủ nhiệm CLB Văn hóa đất Cảng, Chủ tịch CLB nghĩa tình chợ Quán Toan, Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chủ tịch Hội nghĩa tình Bình Hải. Sở dĩ ông được tín nhiệm giao nhiều trọng trách như vậy bởi với bất kỳ vị trí nào, ông cũng nỗ lực hết sức để làm tròn vai.

Doanh nhân Nguyễn Văn Thành chia sẻ mất mát với đồng bào miền Trung
Doanh nhân Nguyễn Văn Thành chia sẻ mất mát với đồng bào miền Trung

Lan toả tình người…

Làm kinh doanh là công việc ông chọn nhưng điều ông muốn làm chính là giúp đỡ người khó hơn mình nên hàng năm, ông Nguyễn Văn Thành luôn dành thời gian và một phần lợi nhuận không lớn của mình để giúp đỡ người khác. Trong hàng loạt hoạt động từ thiện có thể nhớ được, ông Thành luôn khắc khoải hình ảnh các em nhỏ thuộc vùng núi của tỉnh Phú Thọ ngồi trước đống lửa nhỏ và co ro trong cái rét cắt da cắt thịt.

Vì thế, ông đã họp Ban Chấp hành Hội và đến từng quầy hàng để vận động tiểu thương giúp đỡ. Chỉ sau vẻn vẹn 1 ngày, chương trình “Tết vì người nghèo” của ông đã huy động được khoảng 250 triệu từ các mặt hàng gồm quần áo, bánh chưng, cặp sách của các quầy hàng. Đúng 26 Tết, chiếc xe chở những nhu yếu phẩm đó đã lăn bánh về xã Văn Lương và xã Xuân Quang, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ để tiếp thêm hơi ấm cho các em nhỏ. 

Có lẽ cái tâm của ông Thành đã lan toả trong bạn hữu và những người cùng kinh doanh với ông nên lần nào cũng vậy, khi có việc cần phải làm, có người cần giúp đỡ thì chỉ trong một thời gian ngắn, ông có thể kêu gọi nghĩa tình của vài trăm tiểu thương cùng chung tay làm việc thiện. Đơn cử, trong đợt lũ lụt lịch sử năm 2016 xảy ra tại Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung, ông Thành đã kêu gọi các tiểu thương tại CLB chung tay ủng hộ các mặt hàng với tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng cùng đủ loại vật phẩm sinh hoạt phục vụ người dân mất nhà và đồ đạc bởi lũ dữ.

Trong năm 2017, chỉ trong chưa đầy 4 tuần, ông đã vận động cộng đồng tiểu thương quận Hồng Bàng chung tay xây dựng lại một mái nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Mây (vợ liệt sỹ Lâm Văn Phụ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ) tại phường Quán Toan. Căn nhà nhỏ được xây dựng với hơn 80 triệu từ khoản tiền kêu gọi tài trợ và tiền túi bỏ ra, ông Thành đã mang “giấc mơ có thật” đến với gia đình chính sách còn rất nhiều khó khăn này.

Với nhiều hoạt động xã hội của Hải Phòng, nhờ có sự góp sức của ông Nguyễn Văn Thành mà nhiều chương trình xã hội từ thiện đã được những người làm kinh doanh khác quan tâm cùng tham gia giải quyết, để những việc xã hội tưởng lớn đã thành nhỏ, như: Dự án nhà tưởng niệm liệt sỹ cách mạng và nạn nhân chiến tranh Căng Máy Chai (quận Ngô Quyền), Chương trình “Màu hoa đỏ” kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ hay chương trình “Hội ngộ mùa hoa phượng”. Vậy là từ một cái tâm tốt đã nối những tấm lòng vàng để lan toả tình thương, trách nhiệm trong cộng đồng doanh nhân ở Hải Phòng.

Điều khiến người ta phải ngạc nhiên khi biết về ông Thành chính là doanh nghiệp của ông không lớn, lợi nhuận không nhiều và bằng cấp của ông không cao nhưng những việc ông làm được với tư cách là một doanh nhân thì có lẽ, không ít doanh nhân lớn cũng phải ngưỡng mộ. Bởi, như một doanh nhân đã ví von về sự giàu có, đó là cái giàu không nên tính bằng số tiền thu về hàng năm của một doanh nhân mà hãy tính bằng số tiền đã cho đi, bởi người thu về nhiều tiền chưa hẳn là người giàu, chỉ có người cho đi nhiều tiền mới là người giàu thực sự.

Với một doanh nghiệp nhỏ, doanh thu khiêm tốn nhưng với những gì đã cho đi thì có thể nói, ông Thành là doanh nhân giàu có bởi cái tâm của ông đã làm lan toả chữ thiện trong cộng đồng doanh nhân Hải Phòng, tạo nên một cái gốc vững chắc của sự phát triển bền vững và giàu có cho tương lai. 

Đọc thêm