Loay hoay… thoái vốn nhà nước

(PLO) - Việc bán một phần vốn DN nhà nước sẽ bù được khó khăn, thế nhưng, thoái vốn thế nào để không bị lỗ là bài toán chưa có lời giải.
Không thoái được vốn, không cơ cấu được DN
Tình trạng kiểu “con kiến mà leo cành đa” này được dùng để mô tả tình trạng của nhiều DN nhà nước trong tiến trình cổ phần hóa: chậm, do thoái vốn ngoài ngành gặp nhiều khó khăn, cơ chế chính sách còn một số bất cập… Ví như ở Bộ Công Thương, năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện đề án tái cơ cấu, kết quả cho thấy một số DN có tiến độ cổ phần hóa nhanh, điển hình như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến nay cổ phần hóa 18 tổng công ty. 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 20% tại Cty CP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC), thu về 26 tỷ đồng. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng hoàn thành thoái vốn ở 7 đơn vị, thu được hơn 200 tỷ đồng… Tính đến nay, Bộ Công Thương đã sắp xếp được 447 DN, trong đó cổ phần hóa 348 DN. 
Thế nhưng, kết quả đó vẫn còn là khá nhỏ so với mong đợi. Ngoài nguyên nhân khách quan là thị trường chứng khoán ảm đạm, khủng hoảng kinh tế trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản… thì chính các văn bản hướng dẫn như xác định giá trị đất đai, giá trị DN còn bất cập.  
Không những thế, một số cơ chế chính sách ban hành chưa phù hợp với DN như thoái vốn, chuyển vốn, quy định việc thoái vốn đầu tư không được thấp hơn giá trị sổ sách, quy định chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị trên 10 tỷ đồng phải đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán… ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thoái vốn của DN. 
Ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - đề nghị: “Nhà nước sớm có chính sách, cơ chế cụ thể; Bộ, ngành có hướng dẫn chi tiết để chúng tôi có thể thoái vốn, đặc biệt là những đơn vị đang bị thua lỗ”. 
Sẽ cho phép DN nhà nước thoái vốn dưới mệnh giá
Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF 2013), đại diện Nhóm Công tác thị trường vốn cho rằng, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay, thay vì giảm lương tối thiểu hay tận thu những nguồn khác, Nhà nước nên xem xét việc bán một phần vốn của các DN nhà nước trong các Cty CP thuộc diện không nhạy cảm, sẽ dễ dàng bù đắp được khó khăn của ngân sách. Trước mắt, có thể giảm bớt sở hữu nhà nước tại các công ty niêm yết về dưới 50% nhưng vẫn trên 35%; đồng thời đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa (CPH) các công ty 100% vốn nhà nước. 
Theo tính toán của Nhóm này, tổng giá trị thị trường của phần vốn nhà nước tại 11 công ty trong nhóm 20 công ty lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh (theo tiêu chí vốn hóa) là 14,8 tỷ đôla Mỹ, riêng phần sở hữu trên 50% của nhóm 11 Cty này có giá trị 4,4 tỉ đô la Mỹ.
Đáp lại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Tài chính cũng đã và đang tập trung triển khai một số giải pháp cơ bản, trong đó quan trọng nhất là Bộ đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý DN nhà nước, như xây dựng Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước, hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu với DN nhà nước, sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý nợ DN nhà nước. Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP để hoàn thiện cơ chế chính sách về chuyển đổi và cổ phần hóa DN nhà nước, đồng thời sẽ ban hành tiêu chí DN 100% vốn nhà nước, làm cơ sở cho các Bộ, ngành phân loại và triển khai thực hiện. 
“Vướng mắc lớn nhất hiện nay khi thoái vốn DN nhà nước là không được thoái vốn lỗ. Do đó, Bộ Tài chính đang xem xét đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc thoái vốn dưới mệnh giá của các DN nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn. Ngoài ra, sắp tới Bộ cũng sẽ có các quy định về chuyển nhượng các khoản đầu tư, quy định chào bán cổ phần ra công chúng của các Công ty cổ phần chưa niêm yết” – bà Mai cho biết.

Đọc thêm