Lưu Đức Khang: “Không thỏa hiệp với số phận”

(PLO) - Vẫn giữ được phong thái trẻ trung của một chàng thư sinh 8X nhưng sâu sắc, chín chắn và quyết đoán trong từng suy nghĩ, vị thạc sĩ quản trị kinh doanh này khiến bất kể ai khi tiếp xúc đều có thể đặt niềm tin vào thế hệ doanh nhân trẻ của Việt Nam.
Lưu Đức Khang: “Không thỏa hiệp với số phận”

Câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra vào một buổi chiều muộn tại quán cafe Sài Gòn chỉ sau vài giờ anh Lưu Đức Khang - Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công Ty CP Đầu tư Giáo dục VietHure (VietHure), đáp chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam

Nếu có người nói nhìn anh giống như một chàng thư sinh hơn là một doanh nhân thì anh sẽ nói gì?

(Cười lớn). Tôi sẽ rất vui và vô cùng biết ơn họ! Vì như chúng ta thấy, ở Việt Nam khi nhắc tới ông chủ hay doanh nhân người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh một lớp người đã đứng tuổi, nghiêm nghị, đầu bù tóc rối. Trong khi lẽ ra, đây phải là sứ mạng và trách nhiệm của giới trẻ như chúng tôi ở xã hội này. Đồng thời, đối với tôi kinh doanh cũng là một môn nghệ thuật mà qua đó, người doanh nhân có thể tận dụng hết khả năng của mình để cống hiến giá trị cho xã hội. Và nhờ đó họ được sống với đúng tiềm năng, đam mê của mình chứ không nhất thiết phải tạo ra vỏ bọc nghiêm nghị, cứng nhắc.

Anh vừa nhắc đến trách nhiệm của lớp người trẻ trong xã hội, vậy cụ thể là trong vai trò là Chủ tịch của VietHure, anh đang gánh trên vai trọng trách gì?

Từ khi là sinh viên Khoa quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, tôi đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Câu lạc bộ Việt Tỏa Sáng với sứ mệnh là hỗ trợ các bạn sinh viên ở khu vực Hà Nội định hướng cuộc sống và nghề nghiệp. Và thời gian đó, tôi vô cùng trăn trở khi thấy hầu hết sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành mình mong muốn. Vì vậy, tôi cho rằng mình cần phải có những giải pháp hiệu quả để giúp các bạn trẻ tìm được cơ hội nghề nghiệp phù hợp và phát triển bản thân. Từ đó, VietHure ra đời với các giải pháp toàn diện về du học và tư vấn giới thiệu việc làm dành cho các bạn trẻ Việt Nam tại Nhật Bản.
Như anh vừa chia sẻ, các bạn sinh viên trên ghế nhà trường thường chỉ được trang bị lý thuyết, anh cũng không ngoại lệ. Vậy khi thành lập VietHure, anh lấy kinh nghiệm ở đâu để điều hành và phát triển công ty?

Thực ra, trước khi thành lập VietHure, tôi đã có một “mớ” kinh nghiệm từ những công việc kinh doanh thất bại thời sinh viên. Tôi từng góp chung tiền với một người bạn để mở quán cơm bình dân cho sinh viên. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, hai người bất đồng quan điểm nên  quán cơm phải đóng cửa dù vẫn ăn nên làm ra. Rồi tôi hào hứng bắt tay mở một quán cơm mới. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức về thị trường, điều hành nhân sự, nguồn hàng, các món ăn... nên quán rất ế ẩm. Tôi đã phải ngậm ngùi đóng cửa quán và chịu mất 150 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, sau 2 lần thất bại, vốn liếng chỉ còn 50 triệu trong tay, tôi lại “dại dột” đi vay thêm tiền của người thân để cho một người bạn kinh doanh đá quý mượn đáo hạn ngân hàng. Rồi bạn tôi phá sản. Vậy là, chỉ trong vài tháng, tôi đã mang 300 triệu đổ sông đổ bể. Từ một người đầy đam mê nhiệt huyết kinh doanh, sau những thất bại liên tục, tôi mất niềm tin vào chính mình và cảm thấy cuộc sống vô cùng nặng nề, bế tắc. Tôi chỉ nằm lì ở nhà và không dám đối diện với mọi người xung quanh cho đến khi có một cơ duyên đưa tôi qua Nhật.

Nhiều bạn trẻ bây giờ rất sợ thất bại, nhưng đối với anh có vẻ như chúng là lợi thế? Cái ngưỡng nào giúp anh chuyển từ thất bại đến thành công?

Khi tôi đang trong hoàn cảnh thất bại ê chề và tuyệt vọng thì một người bạn cũ từ Nhật về chơi, tôi rất ngạc nhiên vì anh khác hoàn toàn so với một người nghiện game trước đó: Từ thần thái, khả năng tài chính cho đến khả năng ngoại ngữ, vốn hiểu biết... Anh khuyên tôi hãy sang Nhật tìm kiếm một cơ hội và sau khi tìm hiểu thông tin về đất nước này, tôi quyết định xin bố mẹ cho sang đó du học và làm việc. Tất nhiên là bố mẹ không còn tin vào những quyết định hay lựa chọn của tôi nữa. Vì vậy, để thể hiện quyết tâm, tôi đã quỳ trước bàn thờ tổ tiên suốt một đêm. Cuối cùng, bố mẹ tôi cũng phải đồng ý!    

Tôi phát hiện ra rằng, cái ngưỡng để giúp con người chuyển từ thất bại thành chiến thắng chính là lòng quyết tâm và sự kiên trì. Bởi vì, trong khi con người có hàng “mớ” lý do để biện hộ cho thất bại thì họ cũng có vô số lý do để biện hộ cho chiến thắng. Vấn đề là chúng ta chọn lý do nào để biện hộ cho mình và tôi chọn lý do thứ 2.
Anh chấp nhận quỳ gối trước bàn thờ tổ tiên cả đêm để thuyết phục bố mẹ, xin hỏi thật là có khi nào anh “quỳ gối” trước vấn đề  khó khăn của cuộc sống không?

Tôi thấy như thế này, các bạn trẻ ngày nay rất năng động, họ khao khát được khẳng định và chứng tỏ mình trước xã hội nhưng rồi khi gặp khó khăn thì lại dễ dàng đầu hàng. Chính vì vậy, họ để tuột khỏi tay nhiều cơ hội quý giá trong cuộc sống.

Tôi rất thích một câu nói của Donal Trump: “Đằng nào cũng phải nghĩ thì hãy nghĩ lớn”, nó không có nghĩa rằng chúng ta để suy nghĩ của một cái tôi quá lớn trong việc nhìn nhận và xử lý các vấn đề trong cuộc sống. Trong quá trình cống hiến giá trị của mình cho xã hội, nếu bạn phải “quỳ gối” để thử thách và rèn luyện ý chí, nhân cách cao đẹp thì hãy cứ làm. Để rồi sau đó, mỗi lần đứng trước những khó khăn bạn sẽ có đủ nội lực ngẩng cao đầu đối mặt và giải quyết chúng. Một người lãnh đạo sáng suốt đôi khi phải biết lùi lại một bước để tiến thêm vài bước và họ không bao giờ thỏa hiệp với số phận.

Sau 2 năm học tập và công tác tại Nhật, điều lớn nhất anh trải nghiệm được ở nơi đây là gì? Anh đã áp dụng những yếu tố đó vào việc điều hành và phát triển Viet Hure như thế nào?

Để tìm hiểu kỹ hơn về Nhật Bản làm tiền đề cho giấc mơ kinh doanh mà tôi đã ấp ủ sẵn sau này, đồng thời để có tiền trang trải chi phí học Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Học viện quốc tế Wellness và trả món nợ cho gia đình, tôi đã vừa học vừa làm bất kể công việc lương thiện nào như: Làm công nhân trong phân xưởng cơm hộp, phân hàng cho siêu thị, nhân viên chạy bàn nhà hàng, nhân viên văn phòng... Và chỉ sau một năm, tôi đã hoàn trả hết số nợ cho gia đình, thành lập được VietHure và giúp hàng trăm bạn trẻ có cơ hội đổi đời, học tập và làm việc ở một quốc gia phát triển như Nhật Bản.    

Chính những trải nghiệm này khiến tôi càng tin tưởng rằng VietHure chắc chắn sẽ góp phần giải quyết được phần nào trong 72.000 cử nhân đang thất nghiệp tại quê hương mình. Tôi cũng tin rằng Nhật Bản là một môi trường rất tốt để giải quyết nạn thất nghiệp tại Việt Nam. Bởi vì, đây không chỉ là quốc gia có hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, bằng cấp quốc tế có giá trị toàn cầu; Nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới với những thành tựu khoa học công nghệ tuyệt vời; Đặc biệt Nhật Bản đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng vì vậy các du học sinh sau khi tốt nghiệp đều có cơ hội làm việc tại đây.

Hiện tại, VietHure đang liên kết với hàng trăm Trường Nhật ngữ như: Học viện Quốc tế Nitto, Nhật Ngữ 3H, Nhật Ngữ Ken... cùng với hàng trăm Trung tâm giới thiệu việc làm trên đất nước Nhật Bản, đảm bảo các bạn học viên khi qua Nhật sẽ được nhà trường và các trung tâm giúp đỡ tận tình, nhanh chóng ổn định cuộc sống và bắt đầu đi học, đi làm ngay lập tức.

Để tương thích với một môi trường đối tác tốt như vậy, bản thân VietHure cũng cần xây dựng một hệ thống giá trị, triết lý kinh doanh, đội ngũ nhân viên phát triển nhân văn và bền vững để tiếp tục thực hiện hoài bão của mình.
Khi thành lập VietHure anh vẫn còn ở bên Nhật, việc điều hành doanh nghiệp từ xa có khó khăn gì không, thưa anh?

Rất nhiều khó khăn! Thời gian đầu mới mở công ty tôi phải liên tục di chuyển giữa Nhật Bản và Việt Nam để giải quyết công việc cần thiết. Tôi đi nhiều tới nỗi mà cảnh sát Nhật họ nghĩ là... tôi buôn lậu! (Cười lớn). Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất may mắn khi có được những cộng sự rất tuyệt vời như anh Văn Đảo - Phó TGĐ VietHure, người đã đồng hành với tôi từ những ngày đầu tiên. Nếu không có những cộng sự như vậy thì cũng không có VietHure như ngày hôm nay. Vì vậy, tôi muốn gửi lời cám ơn chân thành và lòng biết ơn sâu sắc tới họ vì đã tin tưởng đồng hành cùng tôi trong chặng đường đã qua và sắp tới.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh!

Đọc thêm