Năm 2013 FLC lãi “khủng“

(PLO) - Ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC chia sẻ, năm 2014 sẽ là năm bản lề ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu hoạt động bất động sản của FLC sau giai đoạn tích lũy trước đó, với việc ra mắt hàng loạt sản phẩm đa dạng, ở nhiều phân khúc. Các mảng hoạt động kinh doanh mới của FLC cũng hứa hẹn mang lại hiệu quả cao.
Năm 2013 FLC lãi “khủng“
Lãi trên 110 tỷ đồng năm 2013 và tích lũy gần 20 dự án BĐS
Năm 2013 sắp kết thúc, ông dự kiến kết quả kinh doanh năm nay của FLC như thế nào?
- Những năm gần đây, kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, không ít DN phá sản, giải thể. Tuy nhiên, với FLC, công tác dự báo diễn biến thị trường trong những năm qua khá tốt, nên chúng tôi đã kịp thời xác định hướng đi phù hợp để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Thực tế, FLC luôn đặt mục tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, và hoàn thành tốt kế hoạch đó. Kết thúc năm tài chính 2013, lợi nhuận trước thuế của FLC ước đạt trên 110 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2012.
Trong năm nay, các khoản phải thu, phải trả trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giảm xuống mức thấp, không có dư nợ ngân hàng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn chúng tôi cũng nghiêm túc thực hiện đầy đủ việc nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.
Chế độ tiền lương, thưởng, bảo hiểm và các chế độ đãi ngộ khác của gần 400 CBCNV luôn được bảo đảm. Hiện tại mức lương bình quân của mỗi lao động tại FLC xấp xỉ 10 triệu đồng/ người/ tháng.
Trong năm 2013, FLC vinh dự được đón nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, giải thưởng Doanh nghiệp hội nhập và phát triển và Bằng khen từ Bộ xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vì những đóng góp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Trong bối cảnh khó khăn chung, thì những thành tích đạt được này có thể xem là thành công của FLC
Ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC
 Ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC
NĐT biết đến FLC nhiều hơn từ mảng BĐS, nhưng mảng này năm nay không thấy có sản phẩm mới?
- FLC là tập đoàn đa ngành nghề, trong đó then chốt là kinh doanh BĐS, đầu tư tài chính, khai thác khoáng sản, và thương mại dịch vụ. Tùy từng bối cảnh nền kinh tế và thị trường mà chúng tôi ưu tiên phát triển các lĩnh vực có lợi thế để đảm bảo khả năng sinh lời cao nhất cho đồng vốn của cổ đông. Nói vậy không có nghĩa là chúng tôi dừng hoặc từ bỏ các lĩnh vực kinh doanh chủ đạo.
Các năm qua, nhiều DN BĐS thua lỗ, mất thanh khoản, thậm chí là phá sản, phải bán rẻ hoặc cắt lỗ tài sản, dự án bằng mọi giá để thu hồi vốn, thì FLC vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, không chịu áp lực lãi vay ngân hàng.
Nhiều DN có quỹ đất sạch mời FLC liên doanh, liên kết thực hiện dự án, nâng tổng quỹ đất có thể triển khai dự án của FLC lên đến gần 1.000 héc-ta ở các vị trí đắc địa tại Hà Nội và các vùng phụ cận.
Bên cạnh đó, FLC cũng nhận được đề nghị tài trợ vốn cho các dự án từ một số ngân hàng và định chế tài chính; nhưng xét thấy nếu đẩy mạnh kinh doanh BĐS trong thời gian qua là quá rủi ro, nguy cơ thua lỗ rất lớn nên FLC không đầu tư xây dựng.
Dự án FLC Garden City có quy mô 8 héc-ta sẽ được FLC cho ra mắt trong năm 2014
 Dự án FLC Garden City có quy mô 8 héc-ta
sẽ được FLC cho ra mắt trong năm 2014
Đây là lý do, hai năm qua, khi thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, Tập đoàn không đưa sản phẩm ra thị trường. Ngược lại, chúng tôi tập trung thực hiện các thủ tục xin được giao làm chủ đầu tư dự án và mua, góp vốn vào các dự án tiềm năng để tích lũy, phục vụ cho chiến lược phát triển trong 5 năm tiếp theo của FLC trong lĩnh vực này.
Với sự chuẩn bị, năm 2014, khi thị trường BĐS hồi phục, FLC sẽ tung ra nhiều sản phẩm BĐS mới.
Nói như vậy để thấy, không phải chúng tôi không có hoạt động BĐS, mà đơn giản là chúng tôi có chiến lược để tối ưu hóa hiệu quả vốn, tài sản.
Vậy FLC làm cách nào để đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2013, thưa ông?
- FLC đã thực hiện toàn diện việc tái cơ cấu các hoạt động đầu tư, cơ cấu về tổ chức, nhân sự, ngành nghề và đẩy mạnh hoạt động thương mại, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề.
Đối với các đơn vị hoạt động không hiệu quả, FLC thoái vốn, giải thể, sáp nhập. Đối với các lĩnh vực tiềm năng, chúng tôi mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và áp dụng các chính sách đãi ngộ nhân sự, tạo môi trường làm việc lý tưởng để thu hút cả ê kíp có kinh nghiệm làm việc nhằm đẩy nhanh các hoạt động.
Ngoài ra, chúng tôi tập trung thu hồi nợ của khách hàng, đẩy mạnh hoạt động cho thuê văn phòng, cắt giảm đầu tư, chi phí hoạt động…
Quan điểm trong điều hành của FLC là linh hoạt.
Khi xây dựng kế hoạch bao giờ cũng có phương án dự phòng, nếu thị trường không diễn biến như dự báo thì lập tức chúng tôi đánh giá lại và thay đổi hướng đi. Chúng tôi sẽ không mạnh tay đầu tư nếu không thấy hiệu quả kinh tế, kể cả trong lĩnh vực BĐS, dù đây là mảng cốt lõi của FLC.
Bùng nổ hoạt động BĐS từ năm 2014
Tập đoàn định hướng kinh doanh như thế nào cho năm 2014?
- Năm 2014, quan điểm của tôi là tình hình kinh tế vĩ mô sẽ dần khởi sắc. Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đều có những nhận xét tích cực về vĩ mô Việt Nam, nhất là mảng BĐS. Thực tế thị trường cuối năm nay cũng đã cho thấy những dấu hiệu tích cực.
FLC hiện đang có hàng chục dự án BĐS, với tổng quỹ đất gần 1.000 héc-ta tại Hà Nội và các vùng lân cận. Trong năm 2014, Tập đoàn FLC sẽ chính thức đưa ra thị trường các sản phẩm BĐS rất đa dạng thuộc dự án FLC Garden City với quy mô gần 8 héc-ta tại Từ Liêm, Hà Nội; dự án nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ tư pháp tại Cầu Giấy, Hà Nội… phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng; với phân khúc đa dạng, từ căn hộ giá dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích đa dạng từ 50 m2 trở lên cho đến nhà liền kề, căn hộ cao cấp, biệt thự có giá bán từ 20 triệu đồng/m2 trở lên.
Năm 2014, chúng tôi xác định sẽ là năm bản lề ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu hoạt động BĐS của FLC cho các năm sau đó.
Ngoài mảng này, Tập đoàn còn tập trung vào các hoạt động thương mại, đào tạo, hiện đang hoạt động khá tích cực.
Các công ty con, công ty liên kết của FLC cũng dự kiến tăng trưởng tốt trong năm 2014, sẽ là một cơ sở vững chắc để FLC ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng.
Riêng với mảng thương mại, năm 2014, FLC sẽ không dừng ở việc tập trung kinh doanh nguyên vật liệu, mà mở rộng chuỗi phân phối hàng thực phẩm, nhập khẩu và phân phối độc quyền một số thương hiệu hàng tiêu dùng khác.
Bên cạnh đó, FLC đang nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không…
Ngoài ra, sau một thời gian tìm kiếm, đánh giá cơ hội thì năm 2014 cũng sẽ là năm Tập đoàn định hướng cho các công ty con, công ty liên kết đầu tư ra nước ngoài.
Trong năm qua, FLC nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức nước ngoài, với mong muốn trở thành cổ đông chiến lược. HĐQT đang nghiên cứu, xem xét, đánh giá cơ hội và có thể trình ĐHCĐ thông qua phương án trong cuộc họp tới.
BĐS, khoáng sản, thủy điện... đều là những lĩnh vực cần nhiều vốn, nhưng đến nay, FLC vẫn chưa phát hành tăng vốn. Ông đánh giá thế nào về khả năng thành công của đợt phát hành đã được ĐHCĐ năm 2013 thông qua?
- Cuối tháng 11/2013, FLC đã nộp hồ sơ tăng vốn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo phương án sử dụng vốn đã được ĐHCĐ thông qua từ đầu năm, việc tăng vốn lần này chủ yếu để đáp ứng một phần nhu cầu vốn cho 2 dự án là Sân Golf và khu vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao Hồ Cẩm Quỳ và Nhà máy bao bì carton. Với những hoạt động kinh doanh khác, chúng tôi sẽ có phương án huy động vốn riêng.
Giá trị sổ sách của FLC cuối quý III/2013 là trên 16.000 đồng/CP, nếu định giá tại thời điểm này sẽ lớn hơn nhiều, bởi có những dự án FLC mua lại với giá rất thấp so với giá có thể bán được hiện nay, trong khi giá giao dịch trên TTCK  của FLC hiện dưới giá trị sổ sách.
Thanh khoản của cổ phiếu FLC liên tục nằm trong Top 10 thanh khoản lớn của sàn HNX giai đoạn trước và sàn HOSE hiện nay chứng minh sự quan tâm của đông đảo NĐT đối với FLC. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của Công ty hiệu quả, minh bạch, bền vững, cổ tức chia cho cổ đông năm sau cao hơn năm trước là cơ sở để tôi tin là FLC sẽ thực hiện thành công đợt phát hành này.
3 yếu tố duy trì sự quan tâm của NĐT 
Theo ông, làm sao để FLC duy trì được sự quan tâm của công chúng đầu tư với Công ty?
- Theo tôi, có 3 yếu tố quan trọng nhất để duy trì được sự quan tâm của công chúng đầu tư với DN.
Thứ nhất, luôn có sản phẩm, dịch vụ ưu việt. Tất cả các NĐT đều muốn đầu tư vào những công ty mạnh, có sản phẩm dịch vụ ưu việt, độc đáo, nổi bật. Một trong những dấu hiệu về mặt tài chính để thấy được sản phẩm hay dịch vụ của DN vẫn còn chỗ đứng trên thị trường là tỷ lệ lợi nhuận cao.
Thứ hai là công khai, minh bạch trong mọi hoạt động. Tại FLC, chúng tôi coi minh bạch, giữ chữ tín với cổ đông là điều kiện quan trọng trong điều hành, ứng xử với cổ đông. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc này trong điều hành toàn bộ hệ thống Tập đoàn. Tôi cho rằng, sự quan tâm của NĐT, diễn biến giá cổ phiếu FLC thời gian qua cũng cho thấy, công chúng đầu tư đã ghi nhận nhiều hơn những nỗ lực đó của Tập đoàn.
Thứ ba là có đội ngũ quản lý giỏi. Không phải DN có triển vọng nào cũng có đội ngũ các nhà quản lý giỏi, nhưng HĐQT, Ban điều hành DN phải là những người có kinh nghiệm, có khả năng làm việc trên tinh thần hợp tác và có hiểu biết sâu sắc về ngành, thị trường, khách hàng. Điều này sẽ tạo ra sự an tâm cho các NĐT vốn ít liên quan trực tiếp đến quá trình hoạt động của DN.
Thực tế, nhiều người tin rằng, các nhà quản lý giỏi là những người biết được sự chuyển biến của thị trường và có khả năng đưa DN đi đúng hướng trong bất kỳ bối cảnh nào.

Đọc thêm