Ngân sách oằn mình do Nghị định có “lỗ hổng”?

(PLO) - Lý giải thực trạng trên 90% địa phương cố thủ kéo dài cơ chế bao cấp trong quản lý khai thác các công trình thủy lợi, nhiều ý kiến cho rằng là do Nghị định 130/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng dịch vụ công ích vẫn còn nhiều quy định dễ dãi và bất hợp lý. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Có thể nói thực trạng quản lý yếu kém, gây lãng phí ngân sách, thậm chí tiêu cực thì ai cũng nhìn thấy nhưng để thay đổi căn bản công tác quản lý khai thác các công trình thủy nông hiện nay đòi hỏi phải có bước đột phá với một hành lang pháp lý hữu hiệu và quyết liệt.  
Đặc quyền Nhà nước
Như PLVN đã phản ánh, trong chưa đầy một năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lần lượt ban hành 2 văn bản pháp lý quan trọng là Nghị định (NĐ) số 130 ngày 16/10/2013 và Quyết định số 37 ngày 18/6/2014, đủ cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ thủy lợi. 
Cụ thể, NĐ 130 quy định sản phẩm dịch vụ thủy lợi là một trong những sản phẩm dịch vụ công ích được phép thực hiện theo cơ chế thị trường, tức là được thực hiện theo phương thức đặt hàng, đấu thầu. Điều này có nghĩa, dù là các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hay đó là công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, cá nhân, tổ chức hợp tác dùng nước tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi có đăng ký kinh doanh…  thì về mặt tư cách là có quyền ngang nhau khi tham gia đấu thầu để cung ứng dịch vụ này. 
Thế nhưng trên thực tế, 96 tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi là doanh nghiệp trực thuộc cấp tỉnh, 3 doanh nghiệp trực thuộc Bộ NN&PTNT, 7 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh và 4 chi cục thủy lợi kiêm nhiệm hiện nay vẫn gần như độc quyền, hầu như các thành phần kinh tế khác không có “cửa” để tham gia để cung ứng. 
Lý giải thực trạng vẫn còn trên 90% các địa phương cố thủ bám trụ thực hiện cơ chế cấp phát “xin – cho” hàng ngàn tỷ đồng ngân sách cấp bù thủy lợi phí hàng năm, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là trong NĐ 130 vẫn còn nhiều quy định bất hợp lý và thiếu thống nhất. 
“Mục đích là muốn thay đổi cơ chế bao cấp để vận hành theo cơ chế thị trường nhưng chính Nghị định lại tự mâu thuẫn khi quy định theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”: Đối với các công trình thủy lợi quy mô lớn  thực hiện theo cơ chế đặt hàng, trong trường hợp không đáp ứng yêu cầu đặt hàng thì vẫn thực hiện giao kế hoạch, đối với các công trình thủy lợi quy mô nhỏ thực hiện theo phương thức đấu thầu, nhưng trường hợp không đáp ứng yêu cầu đấu thầu thì lại được phép thực hiện theo phương thức đặt hàng. Như vậy làm sao mà đổi mới được khi tư duy cấp phát vẫn còn hiện diện trong chính sách” - một chuyên gia am tường về lĩnh vực thủy nông nói.   
Tư nhân gần như không có “cửa”
Quy định dễ dãi, thiếu nhất quán cộng thêm Chính phủ còn cho phép UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư toàn quyền quyết định phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và toàn quyền lựa chọn giao cho đơn vị trực thuộc thực hiện việc cung ứng dịch vụ thủy lợi dẫn đến thực trạng hầu như các địa phương vẫn cứ thực hiện theo cơ chế cũ là lựa chọn phương thức giao kế hoạch. Số địa phương chuyển sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu đối với các công trình thủy lợi, dù chỉ hạng vừa và nhỏ, chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. 
Ví như ở Hà Nội, dù đã có quyết định phân cấp quản lý từng loại công trình thủy lợi khá chi tiết và ngân sách thành phố cũng hoàn toàn tự cân đối (gần 1.000 tỷ đồng) để chi cho cấp bù thủy lợi phí, nhưng “bầu sữa” này cũng chỉ dành cho mấy doanh nghiệp thủy nông “con cưng” của thành phố, các thành phần kinh tế khác có khả năng đáp ứng muốn tham gia cung ứng để cạnh tranh hầu như không có “cửa” vì chưa có động thái nào từ chính quyền ở đây trong việc thu hút, mời chào họ.    
Đáng nói hơn, số tiền gần 1.000 tỷ đồng lại được thành phố giao toàn quyền cho Ban Quản lý dịch vụ thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT TP.Hà Nội) làm đại diện để trực tiếp ký hợp đồng đặt hàng, kiểm tra giám sát việc thực hiện hợp đồng đặt hàng, nghiệm thu thanh lý hợp đồng đặt hàng với 5 công ty thủy nông do thành phố thành lập, trong khi số lượng cán bộ thực hiện chức năng của Ban này chỉ được bố trí vỏn vẹn có 14 người. 
Liên quan vấn đề này, trao đổi với PLVN, PGS.TS Đoàn Thế Lợi, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi cho rằng: “Đổi mới cơ chế là đổi mới 2 vấn đề: “luật chơi” và “sân chơi”. Nếu anh chỉ đổi luật mà sân chơi chỉ có một người thì luật này chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi cảm thấy không ổn chút nào khi ban hành chính sách ra nhưng không ai thực hiện, không thực hiện cũng chẳng bị làm sao. Lộ trình là phải đấu thầu. Đấu thầu mới có cạnh tranh. Vì sao các địa phương không chịu thay đổi cơ chế? Có thể  làm như thế sẽ tốt hơn cho họ trong việc tiêu tiền Nhà nước?”.
Chiểu theo quy định hiện hành về mức cấp bù thủy lợi phí hiện nay đã tăng lên từ 1,5 đến 2 lần so với trước, tức là ngân sách chi tiêu cho lĩnh vực này sẽ ngày càng đội lên theo cấp số đó. Thực tế ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác đã cho thấy, chỉ khi mạnh dạn “mở cửa” cho cạnh tranh, phá thế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước thì  khi đó mới có sự cải thiện vượt trội về chất lượng và giá cả dịch vụ. Vì thế, chậm sửa đổi NĐ 130 ngày nào thì ngày đó ngân sách vẫn phải tiếp tục oằn mình để gánh. 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi phối hợp thông tin với PLVN
“Sau khi PLVN đăng tải loạt bài nói trên, hôm qua (4/6), từ Bến Tre, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết ông đã yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi phối hợp với PLVN để cung cấp thông tin và làm rõ thêm những vấn đề mà báo đặt ra trong loạt bài “Tư nhân hóa quản lý khai thác công trình thủy lợi: Tại sao không?”. Những thông tin liên quan đến cuộc trao đổi với đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy lợi về chủ đề nói trên, chúng tôi sẽ chuyển đến bạn đọc trong số báo gần nhất”. 

Đọc thêm