Người làm “sống dậy” thương hiệu bánh Bảo Ngọc vang bóng một thời

(PLVN) - Sau rất nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng gặp được Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc – Doanh nhân Lê Đức Thuấn. Nhìn vẻ ngoài thân thiện, dung dị, cởi mở của ông, không ai nghĩ đó lại là một nhà kinh doanh đã từng “làm mưa làm gió” trên thương trường và là ông chủ thương hiệu bánh Bảo Ngọc nổi tiếng ở Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc – Doanh nhân Lê Đức Thuấn.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc – Doanh nhân Lê Đức Thuấn.

Khởi nguồn từ… đam mê

Thừa hưởng “máu” kinh doanh từ người bố, nên từ nhỏ Lê Đức Thuấn đã rất thích kinh doanh (Bố ông có một cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm may mặc, vật liệu xây dựng và đồ gỗ nội thất nổi tiếng ở Tân Hồng, Ba Vì, Hà Tây cũ) và mơ ước trở thành một doanh nhân thành đạt. Ngay từ lúc học cấp hai, ông đã biết kiếm tiền từ việc bán lại các bộ đồ do bố mình thiết kế và may.

Lên cấp ba, Thuấn có thêm nghề mua bán đồ gỗ nội thất, xe đạp cũ để lấy tiền trang trải thêm cho sinh hoạt cá nhân. Khi bước chân vào đại học, ông đã trở thành một doanh nhân “bán chuyên nghiệp” kinh doanh đủ thứ, trong đó có nhập bánh kẹo từ làng nghề Xuân Đỉnh đi giao khắp phố phường Hà Nội. Đây cũng là tiền đề dẫn dắt ông đến với thương hiệu bánh Bảo Ngọc sau này.

Để hiện thực hóa ước mơ trở thành doanh nhân, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh và văn bằng 2 Thương mại Quốc tế, Thạc sỹ điều hành cao cấp (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), Lê Đức Thuấn tiếp tục sang các quốc gia có nền kinh tế phát triển như: Mỹ, Nhật Bản… để học tập các khóa ngắn hạn về kỹ năng lãnh đạo, chiến lược đầu tư, mua bán sát nhập doanh nghiệp (M&A)...

Khi được lĩnh hội các kiến thức nâng cao, chuyên sâu và tham quan các mô hình quản trị doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới như: Toyota, Panasonic… ông mới hiểu vì sao ngày xưa bố mình lại kinh doanh theo kiểu “chẳng giống ai” như thế (Không cần nhà xưởng, không cần công nhân…, mà chỉ lên ý tưởng, thiết kế rồi đi mua nguyên liệu và thuê các cơ sở sản xuất trong làng gia công). Mô hình kinh doanh này không chỉ giúp tiết kiệm được thời gian, mà còn giảm được rất nhiều chi phí nhờ xã hội hóa công việc kinh doanh.

 

Kiến thức kinh doanh đã có rồi, nhưng nếu không có kinh nghiệm và biết vận dụng vào thực tế cũng chẳng có ý nghĩa gì. Và quá trình khởi nghiệp, với hàng tá mặt hàng (từ photocopy đến in ấn phong bì, mác quần áo, đề can, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy,  mũ bảo hiểm…), đã để lại cho ông một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú.

Thành công lắm nhưng thất bại cũng vô vàn, mỗi lần thất bại đều có những nguyên do riêng của nó. Trong rất nhiều lần rủi ro, thất bại đó, ông nhớ nhất dự án sản xuất vở đóng gáy xoắn do chính ông đưa ra ý tưởng và trực tiếp sản xuất. Dự án có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết kiệm diện tích giấy, viết chữ đẹp hơn, giá thành thấp…, đặc biệt là chạm tới trái tim của người tiêu dùng khi ông đưa hình ảnh các trường đại học nổi tiếng lên bìa vở.

Nhưng cuối cùng ông lại thất bại ê chề khi không tính đến bài toán về vốn. Do vốn đầu từ ít, trong khi các hàng tạp hóa lại chỉ nhận bán hàng ký gửi nên tất cả các hoạt động của ông bị đóng băng. Thất bại này cho ông một bài học sâu sắc: “Phải biết hoạch định nguồn vốn, bởi dù cho ý tưởng có hay và khả thi đến đâu mà không có vốn thì cũng sẽ hụt hơi!”.

 

Cùng với bài học về vốn, DN còn gặp vô vàn áp lực khác, trong đó có cả sự cạnh tranh không lành mạnh. Thực tế đó đòi hỏi người đứng đầu DN không chỉ có một trái tim nóng, mà phải có một cái đầu lạnh, bản lĩnh kiên cường và ứng phó linh hoạt để xoay chuyển tình thế.  Xác định rõ điều này và nhờ những yếu tố này, Doanh nhân Lê Đức Thuấn đã vượt qua ngàn vạn thách thức, khó khăn, rẽ sóng đưa DN đến bến bờ thành công…

Khát vọng lớn, thành công lớn

Kinh doanh rất nhiều lĩnh vực: Bất động sản công nghiệp, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, mũ bảo hiểm, trang thiết bị y tế… nhưng chàng doanh nhân tuổi Bính Thìn (1976) vẫn thầm ấp ủ, nuôi nấng khát khao từ hồi còn sinh viên: Đầu tư sản xuất bánh kẹo, nông sản thực phẩm vì ông phát hiện ra rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn về ngành nông nghiệp, đặc biệt là chế biến nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trên cơ sở này và với bề dày kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quan hệ quốc tế mà mình đã tích lũy bấy lâu nay, ông quyết định đầu tư (M&A) vào thương hiệu Bảo Ngọc vang bóng một thời và chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp tư nhân thành Công ty CP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc hiện nay.

Vực dậy một thương hiệu đang ngấp ngoải chết yểu, bản thân DN thì rơi vào tình thế bế tắc về thị trường, vốn... Nhưng với bản lĩnh và sự quyết tâm cao độ của mình, ông đã đưa DN bứt phá, với những cú lội ngược dòng đầy ngoạn mục…

 

Từ xuất phát điểm 13-14 cửa hàng (năm 2012), đến nay Bảo Ngọc đã phát triển mạng lưới rộng khắp ba miền Bắc, Trung, Nam với gần 40.000 điểm bán, qua các kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Không chỉ quốc gia hóa, Bảo Ngọc còn quốc tế hóa thông qua hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu bánh kẹo và nông sản hạt điều với trên 20 quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Đức, Tiệp, Bungari, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia… Và công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán BNA ngày 12/10/2020.

Chia sẻ với Pháp luật Việt Nam về những thành tựu “không tưởng” và đầy tự hào của DN, người đứng đầu thương hiệu Bảo Ngọc khẳng định: “Thành công ngày hôm nay của Bảo Ngọc là đóng góp của cả tập thể cán bộ công nhân viên công ty”.

Nói về đóng góp, kinh nghiệm của bản thân mình, ông khiêm tốn cho hay: “Những kết quả mà tôi đã đóng góp cho Bảo Ngọc đến từ tầm nhìn chiến lược và triết lý kinh doanh. Đối với khách hàng: Chúng tôi không ngừng đổi mới nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày một cao và đa dạng hóa của khách hàng thông qua các sản phẩm mang tính sáng tạo. Đối với nhân viên: Không ngừng đào tạo và tạo môi trường hấp dẫn để nhân viên có cơ hội phát triển trở thành các chuyên gia, các nhà quản lý, lãnh đạo cấp cao góp phần xây dựng công ty ngày càng phát triển. Đối với cổ đông: Không ngừng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận nhằm gia tăng giá trị cho công ty và thặng dư tài sản của các cổ đông.

Có thể nhiều người sẽ cho là ông quá tham vọng và mạo hiểm khi đưa ra những mục tiêu tăng trưởng lớn và tầm nhìn trở thành tập đoàn đa quốc gia. Nhưng chúng tôi tin nam doanh nhân sẽ làm được bằng trái tim ấm, cái đầu lạnh, khát vọng lớn, ham học hỏi, nhiệt huyết, quyết liệt và tài ứng biến của mình. Và thực tế đã chứng minh điều đó.

Trải qua hành trình hơn 30 năm hình thành và phát triển cùng danh mục trên 50 sản phẩm đa dạng về hương vị và mẫu mã, DN đã nhận được sự tin yêu và ủng hộ lớn từ người tiêu dùng. Nhiều năm liền, Bảo Ngọc được bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, được thị trường ghi nhận là “bánh của mọi nhà”...

Đọc thêm