Người phụ nữ biến “vùng đất chết” thành “thiên đường dược liệu”

(PLO) - Ít ai ngờ, một vùng cát cháy, đầy bom mìn, nơi pháp trường chết chóc lại biến thành một “thiên đường dược liệu”. “Thiên đường” ấy đã bảo tồn những nguồn gen dược liệu quý và sản phẩm dược liệu sạch made in Phú Yên “chu du” khắp các nước châu Âu... “Thiên đường” đầy hoa thơm cỏ lạ đã giúp hàng ngàn nông dân thoát nghèo. Người đã biến “vùng đất chết” thành “thiên đường dược liệu” không ai khác đó chính là “Bà tiên dược liệu”- Lê Thị Tuyết Anh. 
“Bà tiên dược liệu”- Lê Thị Tuyết Anh.
“Bà tiên dược liệu”- Lê Thị Tuyết Anh.

Trồng dược liệu tại “mảnh đất ít người, nhiều ma”!

Sinh ra trong gia đình đại tư sản, từ nhỏ, cô tiểu thư Lê Thị Tuyết Anh, quê Lâm Đồng, sinh năm Giáp Ngọ (1954) đã yêu thích cỏ cây hoa lá. Tuyết Anh có thể ngồi hàng giờ ngắm những bông hoa xinh, bàn tay nhỏ bé tưới tắm, vun trồng, nâng niu khóm cây trong vườn. 

Muốn biến đam mê thành hiện thực, Tuyết Anh đã thi vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh khoa sinh học.  Sau khi “kinh qua” tại một số Viện nghiên cứu ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, cô Tuyết Anh nhận thấy, dược liệu Việt Nam vô cùng phong phú và rất có ích cho cuộc sống con người. Cô nung nấu ý định sẽ trồng vùng dược liệu sạch và chất lượng. 

Một quyết định táo bạo khiến mọi người choáng váng khi một kỹ sư trẻ một mình lập nghiệp tại vùng… “đất chết”. Không phải ngẫu nhiên, thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam (Phú Yên) bị coi là vùng “đất chết” vào những năm 1990 trở về trước. Bởi đây là vùng đất nắng bỏng rát chỉ toàn cát bay, cát chạy tấp thẳng vào mặt người. Ngoài thời tiết khắc nghiệt, vùng đất này đầy bom mìn do chiến tranh để lại. “Kinh dị” hơn đây từng là pháp trường với nhiều người bị xử bắn. Nhắc tới “mảnh đất hiếm người, nhiều ma”, hoang lạnh, gió hun hút, người dân ở đây vẫn còn sởn gai ốc. Ấy vậy mà, cô tiểu thư gia đình đại tư sản một mình “chinh chiến” với dự án trồng dược liệu. 

Theo nghiên cứu, vùng đất này rất hợp trồng cây dừa cạn. Dừa cạn trồng nơi đây có chứa hoạt chất alkaloid, dược tính cao hơn các vùng khác trong nước. Hoạt chất dừa cạn được sử dụng làm nguyên liệu bào chế thuốc điều trị nội tiết, tim mạch, máu và đặc biệt ung thư rất hiệu quả.  Năm 1987, Trại nghiên cứu cây dừa cạn (trực thuộc Công ty Dược liệu Trung ương 2, Tổng Công ty Dược Việt Nam) được thành lập.

Cô kỹ sư nhờ đội phá bom mìn rồi thuê người dân nơi đây vừa trồng cây dừa cạn, vừa cải tạo đất. Biết bao khó khăn chồng chất lên đôi vai của cô gái nhỏ bé. Rất nhiều người khuyên cô tiểu thư bỏ “vùng đất chết” về TP. Hồ Chí Minh làm tại một số viện nghiên cứu với mức lương hấp dẫn, nhàn hạ, không bao giờ phải lo có thể bị thương tật, chết người khi vô tình chạm phải bom mìn hay cô đơn, lạnh lẽo với những câu chuyện liêu trai, chí dị mà người dân đồn đại. “Đã vậy, những lời đồi đại ác ý rằng, tôi chỉ trồng cây để làm bức bình phong để làm việc phi pháp, trong đó vượt biên là nghi vấn lớn ở thời điểm đó”- kỹ sư Tuyết Anh chậm rãi kể lại tháng ngày “chân ướt, chân ráo” lập nghiệp tại vùng đất xa lạ. Nhưng tình yêu cây dừa cạn cũng như dược liệu quý đã níu chân cô gái ngoài đôi mươi, vượt qua gian khó với những thị phi bủa vây. “Làm khoa học là xác định gian khổ, trồng cây dược liệu lại càng gian khổ hơn. Nhiều khi đuối sức định buông bỏ, nhưng tình yêu, sự đam mê đã níu và cho tôi sức mạnh để tôi vượt qua chông gai”.

Không phụ lòng người- một năm lao lực, những cây dừa cạn lớn và cho ra những hoạt chất quý. Những cây dừa cạn đã được một số tổ chức y tế Nga, Pháp thu mua. Có đầu ra, có ngoài tệ, “thừa thắng xông lên”, cô kỹ sư cùng người dân nơi đây mở rộng diện tích trồng cây dừa cạn. 

Khâm phục đam mê, sự nỗ lực và “liều mình như chẳng có” với cây dược liệu của cô kỹ sư trẻ, kỹ sư Hoàng Xuân Lâm từng học cùng Trường Đại học đã yêu Tuyết Anh lúc nào không hay. Và họ quyết định nắm tay nhau đi chung đường đời và cùng vun xới vùng đất dược liệu. Kỹ sư Hoàng Xuân Lâm là chuyên viên điều tra sưu tầm các loại cây dược liệu và tổ chức chiết tách hoạt chất rất tài tình, giúp công việc của Tuyết Anh càng thêm thuận lợi.

Đôi vợ chồng Xuân Lâm- Tuyết Anh “song kiếm hợp bích”, sau gần chục năm kiên trì, họ đã biến vùng cát cháy thành “nông trại dược liệu” với nhiều loại dược liệu: dừa cạn, bụp dấm, phan tả diệp, gừng Nhật Bản, mã đề… Năm 1995, Trại nghiên cứu cây dừa cạn đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung. Năm 2007, Công ty Dược liệu Trung ương 2 cổ phần hóa, Trung tâm được chuyển đổi trực thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Đài Việt.  Trung tâm do kỹ sư Tuyết Anh làm Giám đốc được Bộ Y tế giao nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen của 40 loại cây thuốc quý hiếm tại Phú Yên và ven biển miền Trung và thực hiện nhiều dự án khoa học của Phú Yên như: dự án phát triển nông thôn, miền núi trồng diệp hạ châu; đề tài khoa học nghiên cứu phát triển sâm Phú Yên và bảo tồn, nhân giống nhiều loài dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng như: xáo tam phân, mật nhân. 

 

Hơn 10 ha toàn bom mìn, cát trắng được phủ một màu xanh tươi

Sau 30 năm, “vùng đất chết” ngày nào trở thành một “thiên đường dược liệu” với nhiều loại dược liệu quý được bảo tồn và cung ứng cho thị trường dược liệu trong và ngoài nước. Hơn 10 ha toàn bom mìn, cát trắng được phủ một màu xanh tươi rợp bóng cây hoa lá. 

“Bí kíp” của Giám đốc Tuyết Anh thu hút được nhiều dự án và tìm được đầu ra cho sản phẩm đó là: sản phẩm sạch 100%, đảm bảo đúng quy trình, sạch theo tiêu chuẩn quốc tế như GACP-WHO hay ISO 22000 và hơn hết là sản phẩm mang những giá trị xã hội nhân văn như bảo tồn và phát triển bền vững cây thuốc quý, chia sẻ lợi ích với người nông dân với sự đồng hành của dự án BioTrade - là một dự án về phát triển dược liệu sạch do do tổ chức phi chính phủ HELVETAS của Thụy Sỹ và Liên minh Châu Âu tài trợ với mục đích hỗ trợ trong việc xây dựng các vùng dược liệu sạch. Trung tâm của cô Tuyết Anh và BioTrade cộng tác và gặp gỡ nhau như những người đồng chí hướng. Để sạch 100%, dĩ nhiên, những loài dược liệu tuyệt đối cấm kỵ dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Nhiều xí nghiệp dược phẩm GMP-WHO, các bệnh viện y học cổ truyền, các công ty dược liệu tới tấp ký hợp đồng với Trung tâm. 

“Bà Tiên dược liệu” đã giúp rất nhiều nông dân có công ăn việc làm với mực lương ổn định. Nếu như tổng sản lượng thu mua diệp hạ châu tươi đã ký với nông dân là 150 tấn năm 2009 thì tới năm 2015 là 860 tấn. Người trồng có mức thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm. Nếu so với mục tiêu ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt cánh đồng 50 triệu/ha thì việc trồng cây dược liệu của Giám đốc Tuyết Anh mang lại cho người nông dân gấp 3-4 lần.

Dành cả đời gắn bó dược liệu, Giám đốc Tuyết Anh không khỏi trăn trở đó là trong khi các nước châu Âu chọn dược liệu sạch của Việt Nam thì người dân Việt lại thờ ơ thuốc nam. Ngay cả ở bệnh viện trong nước, dược liệu sạch Việt bị “loại từ vòng gửi xe” bởi giá thành cao, chiết khấu thấp trong khi dược liệu trôi nổi (hầu hết xuất xứ Trung Quốc) lại tràn ngập bệnh viện bởi giá rẻ, chiết khấu cao. Việc dược liệu Trung Quốc không nhãn mác tung hoành dễ dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe cho người dân Việt.

Hơn ai hết, “Bà tiên dược liệu” Tuyết Anh mong muốn người dân Việt được dùng dược liệu Việt sạch như Hải Thượng Lãn Ông nói: “Thuốc nam Việt chữa người Nam Việt”.  

Trong sự nghiệp khoa học, nghiên cứu và trồng cây dược liệu của mình, kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh và Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất Dược liệu miền Trung nhận được nhiều bằng khen, kỷ niệm chương của địa phương, các bộ, ngành Trung ương như: Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (tháng 7/2011); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (9/2011); Bằng khen của BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thành tích nêu gương lao động sáng tạo trong phòng trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc năm 2000; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho thành tích xuất sắc trong công tác Bảo tồn nguồn gen cây thuốc (tháng 2/2014). Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ” của Bộ trưởng Bộ KH-CN (năm 2000); Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ trưởng Bộ Y tế (năm 2006)…

Đọc thêm