Nhà đầu tư ngoại tháo chạy khỏi các dự án tỉ đô

(PLO) - Nhiều dự án trị giá hàng tỉ USD hứa hẹn sẽ vực dậy nền kinh tế ở các địa phương đã phá sản do nhà đầu tư ngoại rút lui vì nhiều lý do
Sau 7 năm khảo sát, Công ty Tata Steel thuộc Tập đoàn Tata (Ấn Độ) đã phát đi thông tin cho biết sẽ rút khỏi dự án thép có tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD ở Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
7 năm vẫn chưa có giấy chứng nhận đầu tư
Năm 2007, Tata Steel chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác dự án tổ hợp luyện cán thép 5 tỉ USD ở Khu Kinh tế Vũng Áng. Đến tháng 8-2008, biên bản hợp tác kinh doanh giữa các bên được ký kết. Theo đó, Tập đoàn Tata góp 65% vốn, Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tổng Công ty Xi măng Việt Nam góp 35% vốn. Theo thỏa thuận, liên doanh thép sẽ nắm 30% mỏ quặng sắt Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Dự án được chia làm 3 giai đoạn, hoàn tất năm 2018.
Việc ký kết biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác của dự án của Tập đoàn Tata hứa hẹn đem lại hiệu quả lớn cho tỉnh Hà Tĩnh cũng như ngành sản xuất thép trong nước. Tuy nhiên, sau 7 năm khởi động, trang web businessworld.in của Ấn Độ mới đây đưa tin Tata sẽ chính thức rút khỏi dự án.
Nhà thầu Trung Quốc rút lui nên Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn phải ngừng thi công trong thời gian dài Ảnh: HOÀNG DŨNG
Nhà thầu Trung Quốc rút lui nên Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn
phải ngừng thi công trong thời gian dài Ảnh: HOÀNG DŨNG 
Ông Nguyễn Đình Vân, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng, cho biết hiện ban quản lý dự án chưa nhận được văn bản chính thức nào từ Tata về việc chấm dứt dự án. Tuy nhiên, theo ông Vân, khái toán tiền giải phóng mặt bằng của dự án là khoảng 700-800 tỉ đồng, còn tổng các chi phí khác lên đến khoảng 5.000 tỉ đồng. Tỉnh không đủ kinh phí nên đã báo cáo trung ương xin hỗ trợ nhưng trung ương trả lời không có nguồn. Dự án đang trong thời gian khảo sát, nghiên cứu và hiện vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư. 
Trong khi đó, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: “Việc rút lui dự án là chủ đầu tư chủ động. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã làm việc và tạo mọi điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện dự án rồi”.
Vướng cơ chế
Tại tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) vừa đề nghị chấm dứt hợp tác với Công ty CP Ô tô Trường Hải trong dự án nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai - Trường Hải. Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, xác nhận nguyên nhân do thời hạn ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa 2 bên đã kết thúc trong khi nhà máy chưa hoàn thành. “Dự án chậm triển khai đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của họ nên họ không chấp nhận đầu tư nữa. Hiện tỉnh vẫn giữ quan hệ với tập đoàn để sau này yêu cầu được tiếp tục hợp tác” - ông Thu nói.
Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai - Trường Hải được xây dựng tại Khu Công nghiệp - hậu cần cảng Tam Hiệp (huyện Núi Thành) với diện tích 11,092 ha, tổng vốn đăng ký 2.643 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013, bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2014. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Dự án chậm triển khai ngoài một phần do khó khăn về tài chính còn vướng phải cơ chế. Theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg ngày 1-9-2011 về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cho việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô - xe máy mới, thời điểm áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 bắt đầu vào tháng 1-2017. Trong khi đó, do một số khó khăn về tình hình vay vốn, công ty dự kiến hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động tháng 12-2014. Vì vậy, thời gian áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 chỉ còn lại hơn 2 năm, quá ngắn so với tuổi đời của dự án.
Đừng quên bài học cũ
Theo GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thỉnh thoảng có dự án FDI không thực hiện đầu tư như cam kết thì phải xem xét ở cả 2 khía cạnh để làm rõ nguyên nhân.
Một là, phía Việt Nam thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư không kỹ lưỡng nên cấp phép cho nhà đầu tư không đủ năng lực; nhà đầu tư không có ý định thực hiện dự án mà chỉ muốn lợi dụng ưu đãi hấp dẫn trong chính sách thu hút FDI để đầu tư rồi bán “suất” kiếm lời. Trước đây, Việt Nam từng có nhiều dự án tỉ USD vào để “chiếm chỗ”, nhất là dự án bất động sản.
Về trường hợp của Tata, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã thẩm định và nhận thấy ý đồ của nhà đầu tư không phải là xây dựng nhà máy mới mà chỉ mua lại các nhà máy cũ. Tuy nhiên, phía Tata vẫn mong muốn đầu tư nên tỉnh Hà Tĩnh không thể từ chối. Do đó, việc Tata rút khỏi Việt Nam sau 7 năm làm thủ tục đầu tư cũng dễ hiểu vì dự án này không phải tiến hành theo chiến lược kinh doanh của họ. Với các địa phương, cần phải luôn nhớ bài học cũ là khi quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư, phải xem xét dự án có phù hợp với chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư hay không.
Hai là, cũng có dự án muốn đầu tư nghiêm túc nhưng chúng ta cấp phép chậm, không đúng thời hạn làm họ lỡ mất cơ hội đầu tư.
Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, TS Nguyễn Đình Cung, cho rằng Việt Nam từng tự hào khi thu hút được nhiều dự án FDI tỉ USD nên khi có những dự án lớn rút vốn, dư luận không khỏi lo ngại. Những dự án tỉ USD rút vốn gần đây là do giữa 2 bên (nhà đầu tư và Chính phủ hoặc địa phương tiếp nhận đầu tư) không tìm được tiếng nói chung để thỏa mãn quyền lợi của nhau. Đặc biệt là trong các dự án rút vốn gần đây, có những nhà đầu tư nhắm đến đất đai rẻ, môi trường tốt nhảy vào kiếm cơ hội đầu cơ nhưng khi thấy không còn cơ hội thì tháo chạy.
“Tôi cho rằng việc một số dự án lớn gần đây rút khỏi Việt Nam không ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của Việt Nam” - GS Nguyễn Mại đánh giá. 
Thiệt hại lớn vì nhà đầu tư dỏm
Trước đó, tại tỉnh Quảng Nam, nhà thầu - Tổng Công ty Thiết bị nặng Trung Quốc (CHMC) bất ngờ rút khỏi dự án Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn khiến công trình này bị “đắp chiếu” thời gian dài, gây thiệt hại đáng kể. Ông Mai Xuân Hạ, Chánh Văn phòng Công ty CP Than - Điện Nông Sơn, đơn vị trực tiếp quản lý Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn, cho biết sau khi CHMC thi công tổng thể dự án mới chỉ được 56% thì đến tháng 4-2012, nhà thầu này dừng thi công hẳn và rút toàn bộ trên 300 công nhân về nước. Sở dĩ CHMC dừng thi công do họ điều hành công việc không tốt, thiếu nỗ lực trong thi công và luôn trong tình trạng thiếu hụt về tài chính, do đó không thanh toán kịp thời cho các nhà thầu phụ, dẫn đến tranh chấp làm cản trở thi công.

Đọc thêm