Nhà thầu chạy theo kinh tế, công trình xây dựng liên tiếp gặp sự cố

(PLO) - Nhà thầu xây dựng Việt Nam được đánh giá là thiếu quan tâm đến hệ thống quản lý chất lượng công trình. Đặc biệt, nhiều nhà thầu thờ ơ với việc kiểm định, kiểm tra máy móc, thiết bị trước khi vận hành… Đây là  những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng công trình tại Việt Nam gặp nhiều sự cố…
Hiện trường vụ sập giàn giáo đường sắt trên cao ở Hà Nội
Hiện trường vụ sập giàn giáo đường sắt trên cao ở Hà Nội
Nhiều công trình gặp sự cố
Sáng qua (18/12) tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Công trình xây dựng: Sự cố và giải pháp đảo bảo an toàn” do Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình xây dựng (CLCTXD) phối hợp với Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức.
GS.TS Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về CLCTXD (Bộ Xây dựng) cho biết, đầu tư các công trình xây dựng cơ bản nhằm phát triển kinh tế - xã hội ngày một phát triển. Mỗi năm có khoảng 50.000 công trình xây dựng được đầu tư, bao gồm bệnh viện, trường học, khách sạn, chung cư cao tầng, trung tâm thương mại; các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, hệ thống cầu, đường hầm giao thông; cảng biển, cảng hàng không; khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; hồ chứa nước; hệ thống cấp thoát nước trong đô thị, hệ thống xử lý chất thải rắn…
Theo Cục trưởng, trước đây các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trong quản lý chất lượng công trình chưa được phân định rõ ràng khiến chủ đầu tư tự thẩm định thiết kế, nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng mà không có sự kiểm tra của cơ quan nhà nước về xây dựng nên xảy ra nhiều tiêu cực, bất cập. Tuy nhiên, khi Nghị định 15/2013/NĐ-CP có hiệu lực, cơ quan nhà nước giám sát các công trình xây dựng nên chất lượng công trình xây dựng được cải thiện hơn. 
“Theo báo cáo của các địa phương năm 2014, có khoảng 6.500 công trình được tiến hành nghiệm thu thì 97% công trình đạt yêu cầu, 3% số công trình bị phát hiện không tuân thủ các quy chuẩn chất lượng, kỹ thuật”, Cục trưởng Hà cho biết.
Cục trưởng Hà thừa nhận thời gian qua xảy ra nhiều sự cố về chất lượng công trình ngay trong giai đoạn thi công gây thiệt hại về người và tài sản, bức xúc dư luận xã hội. Cục trưởng “điểm danh” một số vụ bê bối như sự cố thấm đập thủy điện sông Tranh 2, vỡ đập thủy điện IaKrel 2, vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, sập đổ giàn giáo tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dự án Fomosa Hà Tĩnh, khu phức hợp nam Sài Gòn, Khách sạn Thiện Trường Lạng Sơn…
Ngoài ra, một số công trình mới đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều khuyết điểm về chất lượng. Đặc biệt, một số công trình giao thông sau khi thông xe một thời gian ngắn đã bị lún, nứt mặt đường, hằn lún vết bánh xe; một số nhà ở xã hội, tái định cư bị xuống cấp nhanh; các chung cư, biệt thự cũ xuống cấp chưa được khắp phục kịp thời; một số công trình chưa đảm bảo về phòng cháy chữa cháy…
Giải thích về những tồn tại trên, nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng do nhà thầu, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa thật sự chú ý đến các biện pháp an toàn. Đặc biệt, nhiều công trình bị “rút ruột” khiến tình trạng công trình xuống cấp diễn ra nhanh chỉ qua vài năm sử dụng.
Thiết bị chưa đạt chuẩn vẫn đưa vào sử dụng
Ông Dương Việt Đoàn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình Giao thông cho biết, năm 2014, trong số gần 200 công trình giao thông do Bộ GTVT quản lý, có hai công trình xảy ra sự cố cấp 2, năm công trình xảy ra sự cố cấp 3. 
Một số sự cố lớn được ông Đoàn liệt kê là sập giàn giáo, đứt cáp cẩu tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, sập cần cẩu tại dự án cầu Rạch Chay (Hải Phòng) và dự án cầu Hồng Ngự 2 (Đồng Tháp), sập ván khuôn đổ bê tông cầu vượt Đồng Nai, sụt trượt tại dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai… “Ngoài một số yếu tố khách quan thì việc để xảy ra những sự cố trên hầu hết do ý thức, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng dự án” - ông Đoàn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đoàn, một số nhà thầu và thi công xây lắp chưa quan tâm đúng mức đến hệ thống chất lượng công trình.  Nhiều thiết bị xây dựng chưa đạt tiêu chuẩn an toàn vẫn được đưa vào sử dụng; thiếu sự kiểm tra, kiểm định máy móc, thiết bị trước khi đưa vào công trình vận hành. 
“Bộ máy tổ chức và nhân lực của nhiều nhà thầu chưa tốt. Họ thường chạy theo hiệu quả lợi nhuận kinh tế mà bỏ qua các yêu cầu về chất lượng thi công, năng lực công nhân và điều kiện làm việc của người lao động. Các nhà thầu sử dụng rất nhiều lao động phổ thông chưa qua đào tạo, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động…”, ông Đoàn cho biết.
Đối với nhà thầu tư vấn thiết kế, theo ông Đoàn, ý thức trách nhiệm của một số nhà tư vấn chưa cao dẫn đến kết quả còn hạn chế. Nhiều thiết kế không phù hợp với điều kiện thực tế, chưa dự tính đầy đủ các yếu tố rủi ro.
Để các công trình xây dựng có chất lượng tốt, theo nhiều đại biểu tại hội thảo, nhà thầu và các đơn vị liên quan đến công trình xây dựng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, không nên chạy theo lợi ích kinh tế mà bất chấp các yếu tố an toàn kỹ thuật và đảm bảo chất lượng công trình. Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, có cơ chế quản lý, xử phạt chặt chẽ hơn đối với các đơn vị liên quan đến xây dựng công trình. 
Theo ông Dương Việt Đoàn, các nhà thầu Nhật Bản thường thiết lập bộ máy quản lý thi công khoa học, phù hợp với thực tế công trình, không bỏ qua việc khảo sát đánh giá các yếu tố rủi ro. Họ đề cao uy tín và trách nhiệm thương hiệu doanh nghiệp. 
Tại một số dự án như Nhật Tân – Nội Bài, Bến Lức – Long Thành nhà thầu Nhật tự bỏ chi phí để xây dựng công trường, đường công vụ thuận tiện xây dựng; tự lập thiết kế, lập biện pháp thi công với mức chi phí cao hơn so với thiết kế do tư vấn lập nhằm nâng cao hiệu quả công trình. “Cách làm của người Nhật khiến chúng ta tin tưởng. Nếu nhà thầu Việt Nam học hỏi được thì là điều đáng quý”.

Đọc thêm