Nhà thầu dự án trường Amsterdam “dài cổ” chờ quyết toán

(PLO) - Dự án trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội do Ban quản lý dự án (BQLDA) Sở GDĐT Hà Nội làm chủ đầu tư, từ khi được đưa vào sử dụng đến nay đều nhận được sự đánh giá cao của dư luận.
Nhà thầu dự án trường Amsterdam “dài cổ” chờ quyết toán
Thế nhưng, mặc dù dự án đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao để đưa vào sử dụng ngày 14/4/2011, song chủ đầu tư chưa có đầy đủ hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án để trình UBND TP Hà Nội.

Khánh thành đã 3 năm, nhà thầu vẫn chưa được quyết toán

Liên danh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội và Công ty TNHH sản xuất và đầu tư THT (gọi tắt là Liên danh nhà thầu) là nhà thầu của gói thầu số 16, gói thầu Xây dựng, phòng chống mối và cung ứng lắp đặt thiết bị nhà thư viện, nhà ăn 5 tầng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam thuộc Dự án giáo dục chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Gói thầu đã được thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật tốt theo quy trình quản lý chất lượng của Nhà nước và Bộ Xây dựng ban hành. Công trình trường THPT Hà Nội- Amsterdam đã được đưa vào sử dụng, khai thác từ tháng 9/2010 và đạt được hiệu quả tốt trong việc sử dụng phục vụ lợi ích dạy và học tập của ngành giáo dục Hà Nội.
Tuy nhiên, kể từ ngày bàn giao công trình đưa vào sử dụng khai thác (ngày 5/9/2010) đến nay đã hơn 3 năm nhưng gói thầu vẫn chưa được thanh toán dứt điểm. “Đến thời điểm này, Liên danh nhà thầu mới được tạm ứng thanh toán là 26.098.754.000 đồng. Số tiền còn lại chưa được thanh toán là 2.145.124.185 đồng. Trong khi giá trị quyết toán đã được đoàn Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra và đã có kết luận ngày 19/8/2013”, ông Đoàn Trịnh Linh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội, đại diện cho Liên danh nhà thầu cho biết.

 Cũng theo ông Linh thì : “nhà thầu đã nhiều lần bằng công văn đề nghị ông Giám đốc Ban QLDA về việc thanh toán tiền thi công Gói thầu số 16 cho nhà thầu. Tuy nhiên ông Giám đốc Ban QLDA đã không có công văn trả lời”.

Việc quyết toán, thanh toán quá chậm này đã và đang gây nên rất nhiều khó khăn về tài chính cho nhà thầu. Thực tế nhà thầu đã không thể thanh toán cho nhà thầu phụ gây nên những bức xúc, kiện tụng của các nhà thầu phụ đối với nhà thầu và khó khăn cho nhà thầu về công tác hạch toán và báo cáo thuế với nhà nước. 
Chậm trễ do đâu ?
Để làm rõ nguyên do của sự chậm trễ nói trên, ngày 3/12, phóng viên PLVN có buổi làm việc với ông Hoàng Văn Khải, Giám đốc Ban QLDA Sở GD& ĐT Hà Nội.
Tại buổi làm việc này, ông Khải khẳng định, công trình Dự án trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam có 25 gói thầu. Khi được xây dựng, dự kiến chi phí cho dự án là 429 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi hoàn thành, theo số liệu tổng quyết toán đến thời điểm hiện tại là 390 tỷ đồng, tiết kiệm được gần 40 tỷ đồng cho ngân sách thành phố.
Về việc hơn 1 năm qua, Liên danh nhà thầu đã nhiều lần gửi đơn đến Sở GD& ĐT Hà Nội, Ban QLDA Sở GD& ĐT để đề nghị được thanh quyết toán gói thầu, dù thời gian bảo hành cho gói thầu cũng đã hết, ông Khải liên tục khẳng định, đối với các nhà thầu tham gia Dự án trường Hà Nội- Amsterdam nói chung và đối với nhà thầu Liên danh nói riêng Ban QLDA đều ứng xử như nhau. Theo ông Khải, đến thời điểm hiện tại, Liên danh nhà thầu đã nhận được 97% giá trị của hợp đồng, số tiền còn lại là chi phí phát sinh, tiền nhân công, vật liệu… nhưng phải chờ bảo hành.
Thông tin ông Khải đưa ra thực tế đã mâu thuẫn với chính quy định trong hợp đồng xây dựng, theo đó thời gian bảo hành công trình là 12 tháng. Như vậy đến nay, các gói thầu đều đã hết thời gian bảo hành, thậm chí 2 gói thầu thiết bị số 24,25 ký sau cùng cũng đã hết thời gian bảo hành (hoàn thành vào tháng 6/2012).
Bên cạnh đó, theo như ông Hoàng Văn Khải chia sẻ thì hết năm 2012, ngân sách thành phố cấp cho Dự án trường Hà Nội- Amsterdam là 351 tỷ đồng, mới chỉ tương ứng 90% tổng giá trị quyết toán.Trong khi đó, theo kết luận của Sở Xây dựng, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là gần 428,96 tỷ đồng, hiện chủ đầu tư đã lập tổng quyết toán dự án với giá trị hơn 379,7 tỷ đồng, nhưng chưa trình phê duyệt quyết toán. Như vậy, không thể vì chủ đầu tư của dự án mới chỉ nhận được 90% tổng số tiền nên các nhà thầu khác cũng phải “ngậm ngùi” chịu cảnh bị “ngâm” tiền.
Trong khi đó, theo kết quả thanh tra tại công trình này do Sở Xây dựng Hà Nội công bố tháng 9/2013 thì dự án đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao để đưa vào sử dụng 3 năm , song chủ đầu tư chưa có đầy đủ hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án để trình UBND TP Hà Nội. Chính vì phía chủ đầu tư không làm đủ hồ sơ, nên các nhà thầu của dự án đã bị ảnh hưởng theo.
Liệu có điều gì bất thường đằng sau việc chậm thanh toán nói trên, nguyên nhân thực sự dẫn đến sự chậm trễ là gì?
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Từ sự việc này cho thấy với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, Sở GDĐT nên kiến nghị thành phố thành lập thêm các BQL dự án để xử lý công việc, tránh tình trạng nhiều công trình dù hoàn thành nhiều năm, nhưng không quyết toán được, khiến nhà thầu bị ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn ngân sách của cả thành phố.

Đọc thêm