Những nguyên nhân khiến nguồn nhân sự quản lý người Việt khan hiếm

(PLO) - Khan hiếm nguồn nhân sự cấp trung và cấp cao của các công ty nước ngoài tại Việt Nam từ lâu đã trở thành một bài toán chưa có lời giải. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, hiện đang tồn tại nhiều nguyên nhân tạo nên tình trạng khan hiếm nói trên…
Tiếng Anh vẫn là trở ngại lớn đối với nhân sự quản lý người Việt
Tiếng Anh vẫn là trở ngại lớn đối với nhân sự quản lý người Việt

Cạnh tranh gay gắt về mức lương

Navigos Search, công ty hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng  nhân sự trung và cao cấp, vừa công bố Báo cáo về “Những thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”.

Khảo sát của Navigos Search cho thấy, có 41% người tham gia khảo sát tại Việt Nam chia sẻ trong vòng 12 tháng qua, họ không tìm được đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho doanh nghiệp mình.

Và có đến 56% ý kiến tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng họ đang gặp phải thách thức lớn nhất đến từ sự cạnh tranh gay gắt về mức lương, thưởng tốt hơn từ các công ty cùng ngành. 

Tại một số thị trường các nước trong khu vực,  mức độ cạnh tranh về lương còn gay gắt hơn. Cụ thể có đến 84% ý kiến ở Thái Lan và 82% ý kiến ở Singapore cho thấy đây chính là khó khăn lớn nhất đối với họ khi giữ chân nhân sự cấp quản lý.

Tiếng Anh là một trở ngại lớn

Các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đưa tiếng Anh vào Top 3 các yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao. Trong khi đó, tại Singapore, tiếng Anh được coi là kỹ năng thành thạo đương nhiên đối với đội ngũ nhân sự này.

Báo cáo của Navigos phản ánh, chỉ có 2% người tham gia tại Singapore cho rằng tiếng Anh là yếu tố quan trọng đối với họ khi đưa ra quyết định tuyển dụng, trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam là 31%.

Kết quả xếp hạng của công ty đào tạo ngôn ngữ EF Education First vừa được công bố cũng cho biết, kỹ năng tiếng Anh của người Việt được xếp ở mức độ  “trung bình”.

Theo các chuyên gia, việc vẫn phải đưa yếu tố tiếng Anh vào trong các quyết định tuyển dụng nhân sự quản lý người Việt tại các công ty nước ngoài cho thấy, kỹ năng thành thạo tiếng Anh ở đội ngũ này vẫn đang là một trở ngại trong việc hòa nhập với môi trường làm việc đa quốc gia.

Thiếu kỹ năng lãnh đạo

Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho rằng, họ chưa thật sự hài  lòng về kỹ năng lãnh đạo của nguồn nhân sự cao cấp người Việt. Đây cũng là kỹ năng nhận được sự hài long thấp nhất trong số các kỹ năng mà doanh nghiệp tuyển dụng nước ngoài đặt ra.

Tuy nhiên, nguồn nhân sự này tại thị trường Việt Nam được nhận xét có điểm mạnh là tinh thần sẵn sàng học hỏi cao và nhanh nhẹn, có tinh thần trách nhiệm và thân thiện với cấp dưới.

Vẫn phải vừa học vừa làm

Nhiều doanh nghiệp cho biết, không riêng gì nguồn nhân lực là công nhân lao động sau khi được tuyển dụng vào công ty thì phải được đào tạo lại; Thực tế cho thấy, nguồn nhân sự cấp cao và cấp trung trên thị trường hiện nay làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài, vẫn phải vừa học vừa làm.

Phần lớn các doanh nghiệp đều phải đưa chương trình đào tạo vào hoạt động chính của công ty. Nội dung đào tạo cho nguồn nhân lực cấp quản lý chính là đào tạo kỹ năng lãnh đạo, và hình thức đào tạo phổ biến nhất vẫn là làm việc dưới sự hướng dẫn của các cấp quản lý cao hơn.

Đọc thêm