Ninh Thuận: Thiếu điện, “khát” nước, khu du lịch nghìn tỷ “kêu cứu“

(PLO) - Là một trong những dự án lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận về cả quy mô lẫn tổng mức đầu tư của tỉnh thế nhưng đến nay Dự án Khu du lịch Bình Tiên do Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên thực hiện phải thi công trong tình trạng “khát” nước, thiếu điện…
Phối cảnh tổng thể dự án
Phối cảnh tổng thể dự án
Người dân và doanh nghiệp ở đây đang ngóng Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận cần khẩn cấp đầu tư hệ thống điện, nước cho khu vực này.
Khó vì không có điện

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 3/2005, tháng 8/2005, UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép đầu tư Dự án Khu du lịch Bình Tiên cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (gọi tắt là Cty Bình Tiên), với Tổng mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng.Tháng 10/2009,UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 2.579 tỷ đồng. Đây là dự án nhóm A đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn với quy mô trên 190 ha, dự án được quy hoạch thiết kế từ 500 - 1000 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao.

Ngay sau khi Dự án được phê duyệt, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư đã được Công ty Bình Tiên và các cấp chính quyền nỗ lực giải quyết. Bởi theo Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng CP phê duyệt ngày 22/7/2011, thì khu vực phía Bắc tỉnh Ninh Thuận được quy hoạch phát triển các Khu du lịch trọng điểm, trong đó có Khu du lịch Bình Tiên. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng gồm điện, nước cho đến nay chưa được quy hoạch và xem xét đầu tư, nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy các Dự án phát triển.

Hiện tại, Dự án khu du lịch Bình Tiên và bà con thôn Bình Tiên đang sử dụng tạm thời đường điện 0,6KV do Điện lực Cam Ranh (Khánh Hòa) cấp. Đường điện này chỉ mang tính tạm thời đủ phục vụ cho 63 hộ dân và Ban quản lý dự án (QLDA). Do vậy, việc đầu tư một hệ thống điện cao thế 110KV/25KVA cho khu vực thôn Bình Tiên và các Khu du lịch phía Bắc nói chung theo đúng Quy hoạch phát triển tổng thể của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là hết sức cần thiết và cấp bách.

Người dân, chủ đầu tư“khát khô” chờ nước ngọt

Ninh Thuận là một địa phương có khí hậu khắc nghiệt khô hạn nhất cả nước, lượng mưa trung bình năm chỉ đạt gần 400mm/năm. Vì vậy, nguồn nước nơi đây là hết sức quý hiếm và là bài toán nan giải cho cấp chính quyền. Bởi điều kiện kinh tế tỉnh Ninh Thuận còn nhiều khó khăn nên sự quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở còn hạn chế.
Bãi biển Bình Tiên - một trong những bãi biển đẹp nhất cả nước
Bãi biển Bình Tiên - một trong những bãi biển đẹp nhất cả nước 

Lường trước được những khó khăn khi triển khai dự án, ngay từ năm 2006, Cty Bình Tiên đã chủ động đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho phép tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phục vụ dự án và cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân thôn Bình Tiên bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Ngay sau đó, Cty Bình Tiên đã mời những chuyên gia hàng đầu như: Giáo sư Viện sĩ  Nguyễn Văn Hiệu, cố Giáo sư Nguyễn Sinh Huy (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cùng nhiều cán bộ khoa học đầu ngành của Viện Khoa học Thủy lợi… để xây dựng phương án quản lý, khai thác nguồn nước bền vững từ dòng chảy của suối Chà Là, cách địa điểm dự án Khu du lịch Bình Tiên chỉ vài trăm mét. Theo đó, Cty Bình Tiên sẽ xây dựng hồ chứa giai đoạn một hơn 1,2 triệu m3 nước với công suất cấp nước 6.000m3/ngày đêm, có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Giai đoạn hai sẽ mở rộng và nâng công suất cấp nước lên 11 - 12 ngàn m3/ngày đêm.

Chủ trương đầu tư đã có, hồ sơ dự án cũng đã hoàn thành đúng thủ tục theo quy định, Cty Bình Tiên chỉ còn chờ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sẽ tiến hành triển khai. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, Cty Bình Tiên lại nhận được văn bản của cơ quan chức năng cho biết vị trí xây dựng công trình đập Chà Là chồng lấn một phần diện tích mới được UBND tỉnh chấp thuận giao cho một doanh nghiệp khác là Công ty Thành Trung (Ninh Thuận), để đầu tư một dự án phát triển du lịch. Do đó, dự án cấp nước công phu và khoa học của Cty Bình Tiên phải dừng lại.

Công ty Thành Trung này đã sớm được chấp thuận đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước, lấy nguồn nước từ hồ Sông Trâu phục vụ cho cả khu vực Bình Tiên - Vĩnh Hy (trải dài trên 26km), bao gồm Khu du lịch Bình Tiên. Cũng chỉ chưa đầy một tháng sau đó,chủ đầu tư này đã rầm rộ tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình, trong khi dự án chưa được cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận đầu tư bất thường? Dự án công trình cấp nước Chà Là có cơ sở khoa học là vậy bỗng dưng bị gạt ra ngoài lề, cả gần chục tỷ nghiên cứu, thiết kế và công lao tâm huyết của bao nhiêu nhà khoa học dành cho dự án trở thành công cốc.

Ban đầu khi trình bày ý tưởng, công ty Thành Trung báo cáo và hứa sẽ quyết tâm đầu tư hệ thống cấp nước công suất 20.000m3/ngày đêm, không những đáp ứng nhu cầu dùng nước cho tất cả các dự án đầu tư tại khu vực Bình Tiên-Vĩnh Hy, mà còn phục vụ nước sinh hoạt cho một bộ phận dân cư phía Bắc huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận).

Tuy nhiên, gần đây công ty Thành Trung lại có văn bản chính thức thông báo sẽ chỉ xây dựng nhà máy cấp nước công suất 2.000m3/ngày đêm. Với công suất này cũng chỉ đáp ứng được chưa đầy 30% nhu cầu dùng nước giai đoạn một của Khu du lịch Bình Tiên, chưa nói gì đến cấp nước cho bản thân dự án của Công ty Thành Trung, càng không thể tính đến việc cấp nước cho các dự án khác cũng như góp phần cải thiện điều kiện dân sinh trong khu vực được. Đến đây thì dư luận đã có đủ cơ sở đặt câu hỏi về động cơ xin chủ trương xây dựng nhà máy cấp nước của công ty Thành Trung, liệu có đúng với mục tiêu như đã nêu hay còn vì mục đích bất minh nào khác?

Trước những nghi vấn, giả định trên, nhiều người dân, cũng như Cty Bình Tiên chỉ biết trông chờ, hy vọng vào sự chỉ đạo sáng suốt của UBND tỉnh Ninh Thuận. Đó là việc UBND tỉnh Ninh Thuận cần khẩn cấp đầu tư điện, nước vào địa bàn xã Công Hải, để “giải cứu” cho dự án phát triển du lịch Bình Tiên. Có như thế cuộc sống của người dân nơi đây mới ổn định, diện mạo Bình Tiên mới được thay đổi. Nhờ đó, bãi biển Bình Tiên sẽ đón hàng vạn khách du lịch kéo về mỗi năm, bởi bãi biển Bình Tiên được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất cả nước./.

Đọc thêm