Nữ doanh nhân bình dị

(PLVN) - Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Long, TP Pleiku (Gia Lai) được biết đến là người có lối sống giản dị, cần mẫn lao động, gây dựng sản nghiệp từ việc làm nông nghiệp, tích cực đóng góp công của xây dựng khu dân cư nên được bà con cảm phục gọi là Nữ doanh nhân chân đất.
Bà Loan - Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Long, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Bà Loan - Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Long, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Thành công nhiều, lắm thử thách

Bà Loan sinh năm 1957 và lớn lên ở vùng quê Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, bà theo gia đình vào sinh sống ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Năm 1979, đất nước gặp nhiều khó khăn, các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bị các thế lực thù địch phá hoại, xâm lấn, gây ra nhiều đau thương đối với những người dân vô tội.

Trong bối cảnh khó khăn đó, nữ thanh niên Nguyễn Thị Kim Loan đã gác lại ước mơ lứa đôi, viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, góp phần bảo vệ những thành quả của cách mạng. 

Sau 5 năm (1979-1983) tại ngũ, bà chuyển công tác về làm cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Gia Lai. Nhận thấy bà nhanh nhẹn, có nhiều tố chất của người làm luật, cơ quan đã cử bà đi học Lớp trung cấp Luật tại TP Hồ Chí Minh. Học xong, bà tích cực đi cơ sở phổ biến giáo dục pháp luật, vận động bà con tương trợ lẫn nhau làm ăn, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chống phá những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Để nâng cao chất lượng công tác, bà đã theo học và tốt nghiệp cử nhân luật năm 1993 do Trường Đại học Luật Hà Nội mở tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Gia Lai. Sau đó, bà Loan được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai. 

Ngoài thời gian làm việc tại cơ quan, bà Loan tích cực đầu tư công của vào việc chăn nuôi gia cầm, gia súc và trồng cà phê. Nhờ có đức tính cần mẫn, biết tính toán hợp lý và có kiến thức pháp luật mà năm 1997 bà đã có trang trại cà phê rộng hơn 5 ha tại xã An Phú, thị xã (nay là thành phố) Pleiku.

Năm 2005, bà thế chấp trang trại này vay tiền ngân hàng, góp vốn vào Công ty Cổ phần Honda Nam Long. Có thêm nguồn vốn, bà đầu tư mở rộng các cửa hàng bán xe máy honda tại các huyện An Khê, Ayun Pa và Chư Sê.

Trong sản xuất kinh doanh, nữ doanh nhân đã thu được nhiều thành công và cũng gặp không ít những khó khăn, thậm chí phải chấp nhận thất bại. Nhiều năm làm nông nghiệp giá cả bấp bênh, làm kinh doanh thì cổ tức xuống thấp, các cổ đông đồng loạt rút vốn, Công ty lâm vào cảnh khó khăn, bà đành phải đóng cửa 2 cơ sở kinh doanh tại thị xã An Khê và huyện Chư Sê.

Tuy vậy, bà vẫn không nản chí, quyết tâm xoay xở bằng nhiều cách để cầm cự, duy trì, phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh. 3 năm nay, từ việc sản xuất kinh doanh, Công ty do bà làm chủ đã có doanh thu hằng năm đạt trên 50 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 30 lao động.

“Có được những kết quả này là nhờ cơ chế thông thoáng của Đảng, Nhà nước và nhiều người giúp đỡ, còn bản thân thì xưa nay vẫn kiên trì thực hiện theo pháp luật, vẫn luôn cố gắng làm việc với tinh thần cao nhất của người nông dân thứ thiệt, người lính Cụ Hồ gương mẫu...” - bà Loan chia sẻ.  

Góp sức xây dựng cuộc sống chung

Năm 2007, bà Loan nghỉ hưu theo chế độ. Năm 2009, bà được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố (TDP) 11 và Đội trưởng Đội Văn hóa - Văn nghệ Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Hoa Lư, TP Pleiku. TDP 11 này hiện có 641 hộ, hơn 2.000 người sinh sống ở vùng ven TP Pleiku.

Con hẻm do bà Loan chung sức với người dân cải tạo sạch đẹp.
Con hẻm do bà Loan chung sức với người dân cải tạo sạch đẹp.

Đa số bà con ở nơi đây còn khó khăn, còn thuộc hộ cận nghèo và hộ nghèo, rất nhiều gia đình thiếu công ăn việc làm, không có nhà ở, phải đi thuê nhà ở trọ... Cảm thông với những người dân nghèo, bà đã  đến từng hộ thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những gì có thể để giúp đỡ, tạo thêm công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho họ.

Bà Loan luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước tại khu dân cư. Cụ thể là đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Thành ủy Pleiku về chỉnh trang các công trình hạ tầng cơ sở.

Kết quả, nhân dân trong TDP 11 đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc, giải phóng mặt bằng và đóng góp tổng cộng trên 500 triệu đồng để xây sửa hội trường TDP, đóng bàn ghế, lắp đặt hệ thống loa phóng thanh và làm đường, làm hệ điện chiếu sáng tại 3 tuyến đường hẻm nối với đường Bùi Dự, đường Lê Đình Chinh... 

Riêng bà Loan đã tiên phong đóng góp 14 triệu đồng làm đường hẻm cho bà con đi lại, 19 triệu đồng cho các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, trao tặng nhiều quà cho các gia đình chính sách, các gia đình gặp khó khăn...

Phấn khởi với những kết quả này, bà khẳng định: “Tôi làm giàu là để đóng góp xây dựng khu dân cư. Thời gian tới sản xuất kinh doanh thuận lợi, có nhiều tiền, tôi sẽ còn đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động thi đua yêu nước ở khu dân cư”.    

Với những việc đã làm, bà Loan đã được các cấp Hội CCB trong tỉnh Gia Lai tôn vinh là nữ doanh nhân điển hình trong 5 năm liền (2014-2019) của phong trào thi đua “CCB gương mẫu”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nay Hứ - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Gia Lai tấm tắc: “Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Kim Loan giỏi thật. Không chỉ là cán bộ giỏi, mà bà còn là CCB sản xuất, kinh doanh giỏi. Không chỉ đóng góp nhiều công sức cho nơi ở thường trú, bà còn đóng góp công của cho các khu dân cư khác, ví dụ như bà mới ủng hộ 12,5 triệu đồng cho câu lạc bộ “CCB sản xuất, kinh doanh giỏi” tỉnh để xóa nhà dột nát cho CCB ở huyện Kông Chro...”.

Còn đồng chí Trần Văn Phúc - Bí thư Đảng ủy phường Hoa Lư, TP Pleiku thì tin tưởng: “Chắc chắn trong thời gian tới, bà Loan sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa cho việc thực hiện những hoạt động của CCB, văn hóa văn nghệ của phường và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương”. 

Đọc thêm