OCOP chắp cánh thương hiệu gốm sứ Bát Tràng vươn ra “biển lớn”

(PLVN) - Qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân với kinh nghiệm được truyền thụ qua nhiều thế kỷ, gốm sứ Bát Tràng vốn đã nức tiếng cả nước từ xưa. Nhưng với việc áp dụng chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), gốm sứ Bát Tràng không chỉ khẳng định giá trị thương hiệu ngàn năm văn hiến mà còn vươn xa hơn trên trường quốc tế.

Chắp cánh thương hiệu

Chúng tôi tìm về làng gốm Bát Tràng những ngày đầu hạ, cái nắng chói chang nhưng đối với người dân nơi đây dường như đang bước vào mùa rạng rỡ. Rạng rỡ vì dịch bệnh đã được đẩy lùi, Bát Tràng lại tấp nập đón khách du lịch, đón những chuyến chiếc xe tải ngược xuôi đến đưa các sản phẩm gốm sứ tinh hoa đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Hơn hết, sự rạng rỡ ấy còn đến từ hai bộ sản phẩm của gốm sứ Bát Tràng được đề xuất công nhận đạt 4 sao OCOP. Đó là một điều đặc biệt, bởi OCOP là chương trình mỗi xã một sản phẩm nổi bật, nhưng ở Bát Tràng có tới 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn như vậy. quả là một điều hiếm có.

Đón tiếp chúng tôi một cách niềm nở, nghệ nhân Trần Đức Tân - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (xóm 5, xã Bát Tràng) không giấu nổi cảm xúc vui mừng, phấn khởi, dù từ sáng tới chiều đã phải tiếp mấy đoàn đến chiêm ngưỡng bộ sản phẩm vừa được công nhận 4 sao OCOP. Ông Tân bảo với chúng tôi rằng: “Đó là một vinh dự mà không phải ai cũng có được. Đây là cơ hội để HTX Tân Thịnh khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường quốc tế”.

Nghệ nhân Trần Đức Tân - Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh bên Bộ sản phẩm gốm đạt 4 sao OCOP
Nghệ nhân Trần Đức Tân - Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh bên Bộ sản phẩm gốm đạt 4 sao OCOP 

Hồi ức lại quá trình sáng tạo nên sản phẩm đạt 4 sao OCOP, nghệ nhân Đức Tân chia sẻ rằng: “Suốt 30 năm làm nghề, tôi chưa bao giờ ngừng học hỏi để hoàn thiện hơn sản phẩm gốm của Bát Tràng. Khi biết đến chương trình OCOP, tôi biết đó là một cơ hội, thách thức cho bản thân và thương hiệu gốm của HTX Tân Thịnh.

Với những động lực đó, chúng tôi đã sáng tạo nên bộ sản phẩm gốm men suối ngọc. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất liệu gốm sứ truyền thống với công nghệ mạ kim loại hiện đại. Vậy nên dòng gốm này có độ bền, lại vừa có tính thẩm mỹ cao, dễ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa”, ông Tân nói.

Những nỗ lực của nghệ nhân Đức Tân đã đạt kết quả, ngay đầu năm 2019, khi HTX Tân Thịnh đưa bộ sản phẩm này đi tham dự Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội. Và tại buổi triển lãm, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 7095/QĐ-UBND, ngày 13/12/2019 phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP năm 2019 (đợt 1), bộ sản phẩm gốm sứ men suối ngọc đã được đánh giá có tiềm năng đạt 5 sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Cuối cùng, đầu năm 2020, bộ sản phẩm men suối ngọc của HTX Tân Thịnh đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP cấp quốc gia.

Cùng với bộ sản phẩm gốm sứ men suối ngọc của HTX Tân Thịnh, trong năm 2019, làng nghề Bát Tràng có thêm 4 sản phẩm được đánh giá có tiềm năng đạt 4 sao OCOP. Đó là các sản phẩm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen. Chủ thể của 4 sản phẩm này chính là Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, trụ sở tại xóm 1, xã Bát Tràng.

Bà Hà Thị Vinh - Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết, để giữ được nghề như ngày hôm nay, bà đã trải qua vô vàn khó khăn, có những lúc tưởng phải phá sản, đóng cửa lò gốm. Chính vì thế, khi 4 sản phẩm của công ty được công nhận 4 sao OCOP, cá nhân bà và hơn 700 công nhân viên của công ty vô cùng vui mừng.

Bà Vinh bảo rằng: “Trải qua hàng chục năm tham gia thị trường xuất khẩu, chúng tôi đã đưa các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ Bát Tràng đến với nhiều thị trường trên thế giới, tiếp cận nhiều thị trường khắt khe, khó tính. Bộ sản phẩm được công nhận 4 sao OCOP sẽ tiếp sức cho công ty khẳng định giá trị thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hơn nữa, một sản phẩm mỹ nghệ như gốm sứ khi có một danh hiệu tiêu chuẩn sẽ giúp người tiêu dùng không còn đắn đo suy nghĩ khi bỏ tiền mua”.

Nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh

Nhìn nhận từ góc độ Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, bà Vinh cho rằng: “OCOP sẽ là nền tảng khuyến khích các cơ sở sản xuất ở Bát Tràng đầu tư có chiều sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, vươn rộng đến thị trường quốc tế. Từ đó, Bát Tràng sẽ trở thành trung tâm giao lưu giữa Hà Nội với cả nước trong Chương trình mỗi làng một sản phẩm. Qua đó, sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan, du lịch. Đó sẽ là cơ hội cho chúng ta quảng bá cái hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam qua ngành thủ công mỹ nghệ”, bà Vinh nói.

Ông Hà Văn Lâm - Phó ban đại diện làng gốm Bát Tràng cho biết: “Mặc dù gốm Bát Tràng nổi tiếng khắp nước, thậm chí đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, song cách làm từ trước đến nay vẫn còn mang nặng cảm tính của từng hộ kinh doanh. Với sự hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, làng Bát Tràng đã dần tiếp cận và tham giao Chương trình OCOP, thông qua bộ tiêu chí của OCOP giúp các hộ kinh doanh định hướng được những bước đi tiếp theo, từng bước hoàn thiện sản phẩm để nắm bắt thị trường tốt hơn, khẳng định thương hiệu gốm Bát Tràng trên thương trường. Hơn nữa, OCOP còn góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, khuyến khích thế hệ trẻ đam mê, kế tục, giữ gìn phát triển nghề truyền thống”.

Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng - Phạm Huy Khôi cho biết: Việc triển khai Chương trình OCOP rất tích cực đối với Bát Tràng. Vì OCOP sẽ là thước đo cho sản phẩm về chất lượng. Từ đó, người dân cũng như khách trong và ngoài nước cũng có nhìn nhận và đánh giá về sản phẩm của Bát Tràng cụ thể hơn, thiết thực hơn và giá trị của sản phẩm sẽ được nâng lên khi tham gia; không chỉ góp phần đạt mục tiêu đưa Bát Tràng thành làng nghề kiểu mẫu mà còn góp phần giúp làng nghề có thêm doanh thu từ du lịch.

Đọc thêm