“Ông lớn” giúp huyện nghèo

(PLO) - Làm ăn có lãi không chỉ để tích luỹ hoặc tái đầu tư, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước còn mạnh tay mở “hầu bao” hỗ trợ các huyện nghèo trong cả nước. Nhờ đó, người nghèo được hưởng lợi từ không ít các công trình phúc lợi theo “Chương trình 30a”.
Vietnam Airlines tài trợ trường học cho huyện Minh Hóa (Quảng Bình) - 1/61 huyện nghèo của cả nước
Vietnam Airlines tài trợ trường học cho huyện Minh Hóa (Quảng Bình) - 1/61 huyện nghèo của cả nước

Hỗ trợ sản phẩm “nhà trồng được”

Hưởng ứng cuộc vận động của Chính phủ về việc nhận giúp đỡ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, các “ông lớn” như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam… thời gian qua đã đi đầu trong việc chung tay xoá nghèo. Vì thế, không ít bản làng ở vùng rẻo cao hay những miền quê hẻo lánh đã rút ngắn được khoảng cách về đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện học hành... cho nhân dân so với điều kiện ở vùng đồng bằng.

Có nơi, bà con còn được tạo sinh kế để phát triển kinh tế và dần dần thoát được nghèo một cách bền vững, thông qua một số mô hình và cách làm hay của các doanh nghiệp như Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã hỗ trợ nông dân trồng, cung cấp nguyên liệu thuốc lá, sau  đó tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm và chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân; Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn với ý tưởng đầu tư, xây dựng tuyến du lịch vào huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) nhằm khơi dậy tiềm năng sẵn có của địa phương để làm kinh tế hay như Tập đoàn Viễn thông Quân đội -  ngay trong những ngày đầu thực hiện chương trình này đã quyết định phủ sóng điện thoại, phổ cập internet cho các xã, thị trấn, trường học tại những nơi mà Tập đoàn nhận giúp đỡ…

Gây dựng con chữ...

Không như các tập đoàn, tổng công ty hỗ trợ địa phương bằng lợi thế hay sản phẩm thuộc dạng “nhà trồng được”, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) – một doanh nghiệp cung ứng sản phẩm vận tải đã chọn cách hỗ trợ các công trình dân sinh để con em các thôn, bản khó khăn có thể thụ hưởng trực tiếp nhằm nâng cao đời sống dân trí của địa phương. Cụ thể, trung tuần tháng 8 vừa qua, Vietnam Airlines đã khánh thành công trình Trường Tiểu học - THCS Thượng Hóa, với giá trị gần 5 tỷ đồng cho các thầy, trò tiểu học - THCS xã vùng cao Thượng Hóa, huyện Minh Hóa - một huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Bình. 

Được biết, trường trên thành lập từ năm 1963 để dạy học cho hơn 400 con em các dân tộc. Nhưng do điều kiện nguồn ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, địa hình lại phức tạp... nên “Tổng” này đã nhận hỗ trợ. Vì thế, nó thực sự là món quà ý nghĩa, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường.

“Vietnam Airlines tin rằng, ngôi trường nội trú mới với phòng học, trang thiết bị đầy đủ sẽ giúp các thầy, cô giáo yên tâm trong công tác giảng dạy và các em học sinh có môi trường học tập tốt hơn, qua đó, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các dân tộc trên địa bàn huyện với các khu vực khác trong cả nước. Đây cũng chính là sứ mệnh của Vietnam Airlines trong việc mang đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng”, ông Phạm Ngọc Vui - Chủ tịch Công đoàn Vietnam Airlines nói.

Được biết, từ năm 2008 đến nay, đây là công trình dân sinh xã hội thứ 7 (với tổng trị giá 7 công trình là 35 tỷ) được Vietnam Airlines tài trợ theo “Chương trình 30a” nhằm hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. 

Còn ở phía Bắc, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng phối hợp với tỉnh Lai Châu xây dựng chương trình hỗ trợ, giúp đỡ 3 huyện nghèo của tỉnh này là Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ. Theo đó, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với EVN triển khai thực hiện các nội dung mà ngành Điện cam kết; đồng thời lồng ghép các nguồn lực khác, đảm bảo đạt được hiệu quả cao khi thực hiện các thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên như phát triển mở rộng lưới điện nông thôn, đấu nối cấp điện cho các hộ dân và thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn các huyện về xây dựng nhà bán trú dân nuôi, hỗ trợ  giáo dục đào tạo, xóa nhà tạm, mua bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo...

Theo đó, trong giai đoạn đầu (2009 - 2011), EVN đã hỗ trợ tỉnh Tây Bắc này với tổng kinh phí đã thực hiện trên 42 tỷ đồng; giai đoạn 2012 - 2015, tổng đầu tư của EVN là khoảng gần 500 tỷ đồng. Sự  hỗ trợ thiết thực nói trên của EVN đã giúp cho nhiều hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo; đồng thời đã xây dựng được 41 nhà bán trú dân nuôi và 2 trường học tại Tân Uyên... qua đó tạo điều kiện cho các cháu học sinh giảm bớt khó khăn trong học tập. 

Ngoài ra,  EVN còn đầu tư cấp điện cho 18 xã “trắng điện” của 3 huyện. Vì thế, Lai Châu từ một tỉnh có số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia thấp nhất cả nước năm 2009 (chỉ 37% số xã và 29,4% số hộ có điện) lên 100% số xã, với gần 85% số hộ dân được sử dụng điện. Quan trọng hơn, trong 7 năm thực hiện “Chương trình 30a”, EVN đã giúp cho hơn 1,6 vạn hộ dân thoát nghèo, chiếm gần 50% số hộ thoát nghèo của toàn tỉnh Lai Châu.   

“Chương trình 30a” là chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ được triển khai từ năm 2008 nhằm hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Mục tiêu của chương trình này đến năm 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo xuống ngang bằng mức trung bình của khu vực thông qua các chính sách, cơ chế, giải pháp đặc thù về hỗ trợ sản xuất; giáo dục, đào tạo, dạy nghề; bổ sung nguồn lực cán bộ; đầu tư cơ sở hạ tầng ở thôn, bản, xã và huyện”.  

Đọc thêm