Sẽ có thêm tuyến đường sắt song hành Bắc - Nam?

(PLO) - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VR) vừa ký Tờ trình gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất làm thêm tuyến đường sắt Bắc – Nam, song song với đường sắt hiện tại.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Theo đó, Tờ trình do Chủ tịch HĐTV VR  Trần Ngọc Thành ký cho biết, VR xin Bộ GTVT lập đề án nghiên cứu xây dựng thêm 1 tuyến đường sắt khổ 1m chạy song song với tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM hiện tại. 
Nội dung chính của đề án này là tổng hợp đánh giá thực trạng kết cấu cơ sở hạ tầng và tình hình khai thác của tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM hiện tại, các nghiên cứu của các đơn vị, tổ chức về tuyến đường sắt này trong thời gian qua và làm rõ sự cần thiết phải xây dựng thêm một tuyến đường sắt khổ 1m chạy song song với tuyến hiện tại để phục vụ vận tải, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng. 
VR cũng cho biết, đề án sẽ nghiên cứu lộ trình triển khai thực hiện, các phương án về phân kỳ đầu tư đảm bảo tính khả thi và đạt hiệu quả cao nhất.
Nếu đề án được thông qua và dự án đi vào triển khai, theo tính toán, kinh phí để thực hiện công trình có thể lên đến cả tỷ USD.
Căn cứ để đưa ra đề xuất tốn kém nói trên, theo VR, bởi hiện nay tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM có năng lực thông qua thấp, chỉ khoảng 25 đôi tàu/ngày đêm. Tại một số nút thắt, nơi mà năng lực thông qua đã đến giới hạn, tối đa không quá 18 đôi/ngày đêm. Mặt khác, với tổng chiều dài toàn tuyến 1.726km, khổ đường sắt 1m lại được xây dựng từ thời Pháp với tiêu chuẩn kỹ thuật và tốc độ thấp, hướng tuyến nhiều đoạn đi qua vùng đèo núi quanh co, dốc lớn. Trước đó, năm 2005 VR cũng có ý tưởng kiên cố hóa  đường sắt khổ 1m với dự án 26.500 tỷ đồng – tương đương 2 tỷ USD từ năm 2005 đã thất bại. 
Trước đề xuất này của VR, Tiến sĩ Trần Đình Bá  - người từng có nhiều đề xuất liên quan tới giao thông đường sắt - cho biết, ông không đồng tình với lập luận khi cho rằng có đường sắt đôi khổ 1m thì sẽ khai thác được hơn 100 đôi tàu/ngày đêm thay vì 25 đôi tàu như đường đơn hiện nay. 
Mặt khác, đường sắt khổ 1m kiên cố hóa bằng tà vẹt bê tông cốt thép, dự ứng lực sẽ chạy được 120 km/h, hành trình Hà Nội – TP.HCM sẽ là 15 tiếng đồng hồ, hoàn toàn không khả thi, bất hợp lý. Trong khi đó, nếu triển khai dự án này sẽ không khai thác được cầu hầm mà phải đầu tư xây dựng mới làm cho chi phí đền bù giải tỏa, khảo sát thiết kế thi công giám sát phải lên đến hàng chục tỷ USD và hoàn thành nhanh thì phải 10 năm./.

Đọc thêm