“Siêu ban” của Bộ Nông nghiệp ôm đồm quá nhiều dự án

(PLO) - Dự án xây lắp 10 kho tạm trữ thóc đang bị cáo buộc có tiêu cực trong đấu thầu chỉ là một trong hàng loạt dự án “siêu khủng” sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà Ban Quản lý (BQL) các dự án nông nghiệp đang thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai.
Lĩnh vực nông nghiệp thu hút nhiều dự án ODA mà BQL các dự án nông nghiệp đang triển khai
Lĩnh vực nông nghiệp thu hút nhiều dự án ODA mà BQL các dự án nông nghiệp đang triển khai
Ban “tỷ USD”!
ODA là nguồn vốn hỗ trợ chính thức từ bên ngoài bao gồm các khoản viện trợ và cho vay với điều kiện ưu đãi. Nguồn vốn ODA phát sinh từ nhu cầu cần thiết cho những quốc gia đang phát triển, và nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được các nhà tài trợ quan tâm nhiều nhất. Có lẽ vì vậy mà chỉ tính riêng BQL các dự án nông nghiệp đã được Bộ chủ quản giao quản lý và thực hiện hàng chục chương trình/dự án với số vốn lên gần 1 tỷ USD (!).  
Có thể thấy các dự án mà Ban này đang triển khai là rất đa dạng và trải rộng tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, các viện, trường, trung tâm. Trong đó, có thể nhắc tới một loạt dự án “siêu khủng” mà BQL này đang thực hiện như: Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005 vay vốn ADB, tổng vốn 94,4 triệu USD; Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung vay vốn ADB và AFD, tổng vốn 168,2 triệu USD; Dự án hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh; Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp vay vốn ADB, tổng vốn 40 triệu USD; Dự án phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam vay vốn WB, tổng vốn 38 triệu USD; Dự án cạnh tranh nông nghiệp vay vốn Ngân hàng thế giới (WB), tổng vốn 75 triệu USD; Dự án cao su tiểu điền; Chương trình chung của Chính phủ (JP) và các cơ quan Liên Hợp quốc về phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm ở người do UNDP, EU tài trợ không hoàn lại với tổng vốn 16,2 triệu USD; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc vốn vay ADB; Dự án nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học, vay vốn ADB, tổng vốn 110 triệu USD; Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) vay vốn của WB, tổng vốn 79 triệu USD…
Ôm đồm nhiều dự án?
Theo tìm hiểu, BQL các dự án nông nghiệp trực thuộc Bộ NN&PTNT được thành lập và hoạt động theo quy định của Nhà nước về BQL và sử dụng vốn ODA. Là “siêu ban” đang thay mặt Bộ chủ quản quản lý và triển khai hàng chục dự án “khủng” với số vốn lên tới gần tỷ USD nhưng trên trang web chính thức của Ban này cho thấy, Ban có bộ máy rất “gọn nhẹ” với 4 phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ với tổng số cán bộ cả biên chế, hợp đồng và biệt phái chỉ khoảng hơn 100 người, với chất lượng cán bộ gồm 2 giáo sư, 1 tiến sỹ, 4 thạc sỹ. 
Theo một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực sử dụng nguồn vốn ODA, nhiệm vụ được cho là “quyền lực” nhất của BQL các dự án nông nghiệp hiện nay là  thực hiện các hoạt động đấu thầu và quản lý hợp đồng, quản lý tài chính, tài sản và giải ngân, cũng như quyền theo dõi, đánh giá nghiệm thu, bàn giao, quyết toán chương trình, dự án được giao. 
“Ví như trong chuyện đấu thầu, họ là người có vai trò quyết định việc đấu thầu, cũng như quyết định việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng đã được ký kết với nhà thầu (trên các phương diện: tiến độ, khối lượng, chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường). Cũng chính họ là người quyết định việc theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động và kết quả hoạt động của nhà thầu, rồi tổ chức thực hiện nghiệm thu sản phẩm; thanh quyết toán theo quy định. Quyền hạn của họ như vậy, nếu không có cơ chế giám sát đủ mạnh thì ai dám chắc là tiêu cực không xảy ra” - vị này nhấn mạnh.  
 Như PLVN đã thông tin ở số báo hôm qua, khi gói 1 của Dự án xây lắp 10 kho tạm trữ thóc (đợt 1) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang rục rịch xây dựng thì xuất hiện những cáo buộc chủ đầu tư là BQL các dự án cạnh tranh nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) có dấu hiệu bất minh trong chấm thầu, thậm chí  thông thầu đối với đơn vị trúng thầu. Tuy nhiên, trả lời Báo PLVN, ông Đặng Minh Cường - Giám đốc BQL dự án cạnh tranh nông nghiệp một mực phủ nhận những cáo buộc của Cty Đông Sơn. Nhưng khi PV yêu cầu ông đưa ra những căn cứ trong hồ sơ của nhà thầu thể hiện đơn vị trúng thầu đã đáp ứng đầy đủ điều kiện mà chủ đầu tư đưa ra thì ông Cường thẳng thừng từ chối với lý do đơn vị trúng thầu đang tiếp tục tham gia đấu thầu gói thứ 2 của dự án nên không thể công bố thông tin. 
Tuy nhiên, theo quy định đối với các BQL và sử dụng nguồn vốn ODA như BQL các dự án nông nghiệp thì việc cung cấp các thông tin chính xác và trung thực cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhà tài trợ, các cơ quan thông tin đại chúng và cá nhân liên quan trong khuôn khổ nhiệm vụ và trách nhiệm được giao là một trong những nghĩa vụ bắt buộc. Vì thế, thái độ né tránh trong việc làm rõ những cáo buộc có tiêu cực trong đấu thầu gói 1 xây lắp 10 kho tạm trữ thóc tại 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long của BQL các dự án nông nghiệp là hành động khó hiểu?
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin đến bạn đọc.
“Chính sách của WB yêu cầu bên vay cũng như nhà thầu, nhà cung cấp và nhà thầu phụ của họ trong các hợp đồng do ngân hàng tài trợ phải tuân thủ những tiêu chuẩn đạo đức cao nhất trong quá trình chọn và thực hiện những hợp đồng đó… Tuân thủ thêm theo chính sách trên, nhà thầu phải cho phép ngân hàng thanh tra các tài khoản, hồ sơ chứng từ và các tài liệu liên quan đến việc nộp đề xuất, thực hiện hợp đồng và có quyền đưa ra các kiểm toán viên do ngân hàng chỉ định kiểm toán các tài khoản và hồ sơ tài liệu đó”. (Trích quy định trong hồ sơ mời thầu gói 1 dự án xây lắp 10 kho tạm trữ lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long).

Đọc thêm