Tại sao Bộ Công Thương không thể tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính?

(PLVN) - Trong báo cáo gửi Thủ tướng phản hồi về các ý kiến “Bộ Công Thương không tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính về xuất khẩu (XK) gạo”, Bộ Công Thương cho biết lý do không tiếp thu là có thể tước đi cơ hội của doanh nghiệp nhỏ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn trúng thầu toàn bộ hạn ngạch xuất khẩu.
Việc xuất khẩu gạo vẫn rất nóng .
Việc xuất khẩu gạo vẫn rất nóng .

Các đề xuất của Bộ Tài chính đều không khả thi

Sau vụ lùm xùm về “mở tờ khai XK lúc 0h”, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Thủ tướng đề cập đến việc đã 2 lần góp ý về phương thức điều hành gạo nhưng Bộ Công Thương không tiếp thu. 2 ý kiến bao gồm: Cần đầu thầu hạn ngạch XK gạo (vì phương án đăng ký tờ khai trước (FCFS) được xuất trước có nhiều bất cập) và lùi thời gian xuất khẩu gạo tẻ sau ngày 15/6 để các DN thực hiện nhiệm vụ dự trữ gạo với Tổng cục dự trữ sau khi đã trúng đấu thầu.

Về các ý kiến này, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, việc Bộ TC cho rằng phương án FCFS là bất cập chỉ phát đi sau khi đã công khai sử dụng phương án FCFS 13 ngày. Trong các văn bản của Tổng cục Hải quan cũng không đề cập đến các bất cập của phương án này.

Báo cáo của Bộ Công Thương khẳng định, tất cả các phương thức điều hành hạn ngạch đều có mặt thuận và mặt không thuận. Trong bối cảnh phải áp dụng hạn ngạch để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án điều hành hạn ngạch “tương đối công bằng, có tính công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, khó phát sinh các rủi ro về đạo đức cũng như tham nhũng, lợi ích nhóm…”

Bộ Công Thương khẳng định phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các Bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ.

Các doanh nghiệp đã có hàng tại cảng chắc chắn sẽ ở vị thế ưu tiên số 1 bởi họ đều đã rõ tên tàu và số hiệu container và chỉ có họ mới có thể hiện thực hóa tờ khai mà không cần phải thay đổi các thông tin này.

Trên thực tế, trong suốt 2 tuần sau khi phương án được công bố, Bộ Công Thương không nhận được ý kiến trái chiều nào về phương thức FCFS. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là phương thức tương đối phù hợp bởi khả năng giải tỏa cho các doanh nghiệp đã có sẵn hàng tại cảng là rất cao. Rất tiếc là sau đó, việc triển khai cơ chế FCFS trên thực tế đã để xảy ra một số sự việc mà theo nhận xét của các doanh nghiệp là thiếu phối hợp, thiếu công khai, thiếu minh bạch, gây thêm khó khăn, bức xúc cho DN

Riêng về ý kiến đấu thầu hạn ngạch, Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang phải tìm mọi cách để hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền vào ngân sách là việc không nên làm.

Hơn nữa, đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15-20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Bộ Công Thương lo lắng, đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng "nhận ủy thác" để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây.

Việc phân bổ hạn ngạch cũng không khả thi bởi kinh nghiệm điều hành cho thấy sẽ mất hàng tháng để xây dựng tiêu chí phân bổ sao cho "công bằng" và xin ý kiến các bên liên quan để thống nhất thực thi. Nếu có ý kiến khác nhau phải trình lại Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, sẽ mất rất nhiều thời gian.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, cơ chế điều hành FCFS, nếu được triển khai một cách có phối hợp, công khai, minh bạch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì dù vẫn có điểm yếu như tất cả các phương thức điều hành khác, vẫn tốt hơn so với các cơ chế mà Bộ Tài chính đề xuất.

Vì sao không chấp nhận đề xuất “thực hiện xong nhiệm vụ dự trữ quốc gia mới cho xuất khẩu?

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng trong nước, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu (và phải xuất khẩu để bảo đảm tiêu thụ hết thóc gạo cho người dân) là khoảng 3 triệu tấn. Phương án điều hành XK gạo tháng 4, tháng 5 năm 2020 do Bộ Công Thương đề xuất được xây dựng dựa trên số liệu này.

Mặc dù khối lượng để lại trong nước đã tính cả lượng dành cho dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương vẫn đề xuất và được các Bộ, ngành đồng ý về việc để lại thêm 300 nghìn tấn từ số lượng XK để giúp Bộ Tài chính thực hiện kế hoạch mua dự trữ lương thực năm 2020. Nếu vẫn không mua được thì Bộ Tài chính cần có sự đánh giá lại để làm rõ hơn vì sao lại không thể thực hiện được chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Công Thương được biết các doanh nghiệp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng đã phải chịu trách nhiệm bằng cách mất tiền bảo đảm dự thầu (1%-3% giá trị gói thầu). Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về giao dịch dân sự, doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất cấm các doanh nghiệp này tham gia XK là đề xuất không có cơ sở pháp lý. “Xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội nhưng cơ quan nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lý như vậy” – báo cáo viết.

Đọc thêm